Wimbledon: Từ Pete Sampras đến Nadal

Thất bại của Nadal trước Rosol hạng 100 TG có ý nghĩa gì với thế giới tennis?

*Mặt phải của sự thống trị

Đó là lần đầu tiên trong suốt bốn năm qua, một trong số bộ ba thống trị tennis thế giới Federer, Nadal và Djokovic (giành 28 trong số 29 Grand Slam gần nhất) bị đánh bại ngay từ vòng 2 một giải Grand Slam. Lần cuối cùng là Djokovic cũng tại Wimbledon 2008, năm mà anh lần đầu tiên chiến thắng ở một giải lớn - Australian Open 2008.

Sự thống trị của họ mang lại những hiệu ứng đặc biệt. Sau ba lần gặp nhau trong trận chung kết Wimbledon (2006-2008), trận đấu giữa Nadal và Federer năm 2008 được coi là cuộc đấu kinh điển, cuốn hút nhất trong lịch sử. Sự thừa nhận này bổ sung cho một điều đã không còn phải bàn cãi, là chính họ đã tạo thành cặp đối thủ lớn nhất, đáng kể nhất của tennis thế giới (vượt qua McEnroe với Borg, Sampras với Agassi). Khi Nadal đấu với Djokovic ở Australian Open 2012, họ đã làm nên trận chung kết dài nhất trong lịch sử và kịch tính như phim hollywood ngay từ set đầu tiên. Rồi khi Federer khắc chế Djokovic ở Roland Garros 2011, đó là một trong những khoảnh khắc giàu cảm xúc nhất của những trận đấu mang tính chinh phục. Hay từ những lần Djokovic vượt qua Federer ở US Open 2010 và 2011, đó đều là những cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ.

Từ tất cả những đóng góp nói trên, họ đã nâng tennis lên một tầm cao mới cả về khía cạnh kỹ chiến thuật, thể lực cũng như thương mại.

Wimbledon: Từ Pete Sampras đến Nadal - 1

Bộ 3 này đã thống trị tennis thế giới trong suốt 4 năm qua

*Mặt trái của sự thống trị

Bạn có biết nếu không tính bộ ba tay vợt lớn cộng với Murray, những tay vợt còn lại nằm trong top 10 ATP (tính tới đầu tuần này) đã giành được tổng cộng bao nhiêu danh hiệu Masters 1000? Câu trả lời chính xác là cả sáu tay vợt Ferrer, Tsonga, Berdych, Tipsarevic, Del Potro và Isner mới chỉ giành được cả thảy hai danh hiệu. Mà hai danh hiệu đó cũng đoạt được trong những hoàn cảnh hết sức khiêm tốn: cả Berdych và Tsonga đều vô địch ở Paris Master - giải đấu các ngôi sao lớn thường không tham dự, hoặc chỉ góp mặt mà không bung tối đa sức. Thậm chí, vinh quang đó của Berdych xảy ra cách nay đã bảy năm.

Thật khó tưởng tượng rằng một tay vợt xuất sắc như Ferrer, một hình mẫu về sự chuyên nghiệp, ý chí và thể lực (theo đánh giá của HLV Paul Annacone) cho tới nay mới chỉ có ba lần góp mặt trong các trận chung kết Masters 1000 và chưa khi nào đặt chân tới trận chung kết Grand Slam. Và khi Ferrer vào tới chung kết, anh cũng chưa lần nào ăn nổi một set.

Cũng khó tin cỡ như Del Potro sau lần đăng quang xứng đáng nhưng rất nhiều người tin kết quả anh lội ngược dòng trước Federer là bất ngờ, cũng mới chỉ một lần được vinh dự tiến sâu tới trận chung kết một giải Masters 1000 tại Canada và thêm một lần vào đến chung kết ATP World Tour Finals.

Tất nhiên là cũng có những tay vợt giờ hiện không còn nằm trong top 10 ATP mà đã giành được Masters 1000 như Soderling, Davydenko, Ljubicic, nhưng nhiều nhất trong số đó cũng chỉ giành được tối đa là ba lần ở thời kỳ đỉnh cao phong độ (Davydenko).

Tất cả số đó cộng lại cũng chưa bằng tổng số Masters 1000 mà Djokovic giành được cho tới hôm nay (11), và còn lâu mới sánh được với kỷ lục 20 lần vô địch của Federer và 21 lần của của Nadal.

Tennis vì thế đã và đang trở thành cuộc chơi bất công nhất nếu xét về cơ hội chiến thắng và cơ hội kiếm tiền.

*Có nhàm chán?

Nhưng chưa chắc sự thống trị này đã khiến cho tennis trở thành môn thể thao nhàm chán, buồn tẻ dù cho người ta đã xem tới bốn trận chung kết Grand Slam gần nhất diễn ra chỉ giữa hai tay vợt (Nadal và Djokovic).

Vì bất ngờ xảy ra như trận thắng sốc của Rosol trước Nadal cũng không hẳn sẽ mang lại sự đa dạng cho tennis nói chung và Wimbledon nói riêng. Rosol sau khi tàn sát Nadal ở set thứ 5 của vòng 2 đã thua đúng với tâm thế và trình độ của một tay vợt hạng 100 ATP khi đụng phải Philipp Kohlschreiber ở vòng 3 (thua 0-3). Trận đấu giữa họ có chất lượng khá thấp khi thiếu những loạt đôi công căng thẳng từ cuối sân và các pha xử lý khó để ghi điểm hầu hết đều trở thành lỗi mất điểm (đa phần là từ Rosol).

Thật ra cũng chẳng thể trông đợi gì từ Lukas Rosol cả. Hãy xem số phận của các tay vợt đã tạo nên những cú sốc ở Wimbledon và các Grand Slam còn lại để thấy đó là một kết cục tất yếu: Wimbledon 2011, Tsonga sau khi đánh bại Federer ở tứ kết đã thua Djokovic trong trận bán kết có thế trận một chiều; Wimbledon 2010, Berdych tạo ra hàng loạt bất ngờ để vào chung kết rồi cũng thua Nadal trong một trận đấu mà anh không thể thắng nổi một set; Roland Garros 2009, Soderling đánh gục Nadal ở vòng bốn rồi thua dễ Federer trong trận chung kết như thể tay vợt trẻ đánh với chuyên nghiệp; Và Soderling lặp lại điều đó một lần nữa khi thắng Federer ở tứ kết, nhưng lại có "tội" khi làm chất lượng trận chung kết giảm sút vì thua Nadal quá nhanh 4-6, 2-6, 4-6.

Duy chỉ có vài lần đối đầu giữa bộ ba ngôi sao là có vẻ nhàm chán, như Nadal thua khá dễ trước Djokovic ở hai trận chung kết Grand Slam 2011, hay Federer cũng không thể ăn nổi Nadal một set ở trận chung kết Roland Garros 2008. Đó chỉ là một tỉ lệ rất ít so với những trận chung kết kinh điển mà cả hai trận đầu tiên trong năm 2012 tại Australian Open và Roland Garros đều ở (hoặc suýt soát) tầm mức như thế.

Wimbledon: Từ Pete Sampras đến Nadal - 2

Thất bại của Nadal tại Wimbledon 2012 có ý nghĩa gì với TG tennis?

*Và Wimbledon năm nay?

Nadal thất bại sớm mở ra cánh cửa cho các tay vợt còn lại ở nửa bốc thăm của anh tiến vào trận chung kết. Người đầu tiên được kể tới phải là Murray dù cho anh đã gặp hàng loạt những tay vợt đẳng cấp như Baghdatis, và hiện đang đánh dở trận đấu với Cilic. Chỉ có e ngại rằng Murray (vẫn còn ám ảnh chấn thương lưng) nếu phải căng sức ra để vượt qua các đối thủ khó nhằn khác nữa trong số Fish (hoặc Tsonga), Del Potro (hoặc Ferrer), liệu anh có còn sung sức để chơi thăng hoa trong trận chung kết (nếu có mặt ở đó). Và điều lo ngại này cũng vẫn cứ là vấn đề của bất cứ tay vợt nào đó nếu không phải Murray.

Việc Federer từ cõi chết trở về có lẽ không còn là điều quá mới mẻ ở các giải Grand Slam nữa. Và có thể nó sẽ vẫn là một dự báo rằng huyền thoại người Thụy Sĩ lại có ít cơ hội hơn hẳn so với Djokovic trong việc cạnh tranh giành một suất chơi ở trận chung kết của nửa bốc thăm này. Djokovic cũng đã mất một set trong trận đấu với tay vợt kỳ cựu người CH Cezch Stepanek, nhưng nhìn tổng thể, anh là người chơi ấn tượng nhất và vẫn thể hiện rõ đẳng cấp và phong độ vượt trội.

Đến đây, liệu có còn quá sớm không nếu nói rằng Wimbledon 2012 sẽ vẫn là của Djokovic?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN