Trận đấu nổi bật

coco-vs-arantxa
Mutua Madrid Open
Coco Gauff
2
Arantxa Rus
0
darwin-vs-rafael
Mutua Madrid Open
Darwin Blanch
0
Rafael Nadal
2
iga-vs-xiyu
Mutua Madrid Open
Iga Swiatek
2
Xiyu Wang
0

Roland Garros cần Hawk-Eye hay không?

Sự kiện: Roland Garros 2023

Roland Garros 2013 đã qua đi nhưng những tranh cãi vẫn còn ở lại.

Từ những phán quyết nhạy cảm

Trận bán kết đơn nam, trận đấu nhận được sự quan tâm đặc biệt của thế giới banh nỉ, giữa số 1 thế giới Novak Djokovic và “Vua đất nện” Rafael Nadal đã xảy ra khá nhiều tình huống tranh cãi. Không tính đến việc trọng tài người Pháp Pascal Maria cảnh báo Novak Djokovic vì giao bóng quá chậm khi tỷ số là 4-3 và 40-40 trong game Nole cầm giao bóng (một game đấu có tính bước ngoặt ở set thứ 5 và sau đó Nole đã mắc lỗi chạm lưới sơ đẳng để mất break), thì hai tình huống nhận định vết bóng thiếu chính xác (sau khi khán giả được xem lại tình huống bằng hệ thống Hawk-Eye) để lại dư âm nhiều nhất.

Game thứ 2 set 1 khi Nadal giao bóng, Rafa tung một cú thuận tay sâu về cuối vạch baseline. Djokovic nghi ngờ bóng “out” và yêu cầu trọng tài xuống xem vết bóng. Pascal Maria quyết định “in” và trận đấu tiếp tục với lợi điểm cho Nadal. Pha quay chậm bằng Hawk-Eye xác định bóng ở ngoài sân và đáng lẽ Nole đã có cơ hội giành break trong set đấu mà sau đó tay vợt người Serbia thua 4-6.

Roland Garros cần Hawk-Eye hay không? - 1

Trận bán kết Roland Garros 2013 gây nhiều tranh cãi sau khi xem lại Hawk-Eye

Game thứ 2 set 3 khi Djokovic giao bóng, Nadal đang có điểm break khi dẫn 40-30. Djokovic tung một cú trái chéo sân ăn vào dây và Nadal yêu cầu trọng tài xuống xem vết bóng. Pascal Maria quyết định “out” và Rafa có break để dẫn 2-0. Pha quay chậm bằng Hawk-Eye xác định bóng liếm vạch và đáng lẽ Djokovic đã cứu break trong set đấu mà sau này Nole mất hết tinh thần và thua 1-6. (Xem video hai tình huống tranh cãi tại đây)

Chưa hết, trong trận chung kết giữa Nadal và David Ferrer. Game thứ 7 set 1 khi Ferrer giao bóng, tỷ số game đang là 40-40 và Ferrer tung cú thuận tay sâu về cuối sân. Trọng tài người Pháp Cedric Mourier xuống xem vết bóng và cho rằng “out”. Pha quay chậm bằng Hawk-Eye xác định bóng liếm vạch và đáng lẽ Ferrer có cơ hội thắng game đó thay vì để mất break. Nadal dẫn 4-3 trước khi thắng 6-3.

Tình huống Ferrer có thể giành điểm theo Hawk-Eye

Vài điểm số dĩ nhiên không thể quyết định cả trận đấu. Nadal chiến thắng xứng đáng khi Djokovic không thể tận dụng cơ hội của chính mình (đã dẫn trước 4-2 trong set thứ 5 trước khi mắc sai lầm khó tin chạm lưới ở game thứ 8). Và có lẽ Ferrer có thắng game đấu ấy cũng khó mà chống đỡ trước sức mạnh của “Vua đất nện”. Nhưng rõ ràng những điểm số “oan nghiệt” ấy ít nhiều khiến người ta đặt câu hỏi: Roland Garros và cả những mặt sân đất nện khác có nên dùng Hawk-Eye?

Trước đó, tay vợt người Ukraine, Sergiy Stakhovsky cũng bị phạt 2.000 USD vì lấy điện thoại chụp lại vết bóng để chứng minh trọng tài đã sai (trong trận đấu gặp tay vợt người Pháp Richard Gasquet ở vòng 1). Hay ở nội dung đánh đôi, anh em nhà Bryan cũng hành động tương tự trong trận đấu gặp đôi vợt đồng hương Jack Sock và Eric Butorac. Cả Maria Sharapova dù không vi phạm luật đến mức mang điện thoại ra chụp vết bóng nhưng cũng phàn nàn về công tác trọng tài sau khi thiết bị Hawk-Eye cũng chỉ ra sai sót của trọng tài ở trận đấu với tay vợt người Trung Quốc Zheng Jie tại vòng 3.

Và thêm một câu hỏi nữa: Trọng tài mắc sai lầm hay chính những thiết bị công nghệ như Hawk-Eye cũng không chính xác?

Trò chơi của con người và Hawk-Eye cũng của con người

Con người sinh ra tennis và con người cũng tạo nên những điều luật tennis và thực tế Hawk-Eye được tạo ra cũng nhằm để giảm thiểu sai sót của con người mà thôi.

Trận tứ kết US Open 2004 giữa hai tay vợt người Mỹ Serena Williams và Jennifer Capriati kết thúc với chiến thắng 2-6, 6-4, 6-4 nghiêng về Capriati (cựu số 1 thế giới từng giành 3 Grand Slam). Nhưng điều đáng nói chính là những quyết định sai lầm khó tin của trọng tài người Bồ Đào Nha Mariana Alves. Rất nhiều những tình huống tranh cãi được trọng tài Alves xử lý có lợi cho Capriati đến mức “thô thiển” khi Hawk-Eye quay chậm lại, thậm chí ngay cả khi nhìn từ video quay chậm cũng thấy bóng trong sân rõ ràng. Sau trận đấu bê bối ấy, trọng tài Mariana Alves đã bị Liên đoàn quần vợt thế giới ITF cấm hành nghề vĩnh viễn, dù lý do vì sao không bao giờ được công bố. Nhưng chính sự kiện ấy đã thúc đẩy bước đột phá trong tennis: Hawk-Eye chính thức được sử dụng trong các trận đấu chứ không phải chỉ là một thiết bị mang tính tham khảo cho khán giả xem truyền hình.

Những quyết định "thô thiển" của trọng tài Mariana Alves gây bất lợi cho Serena

Trước đó những tranh cãi về các phán quyết của trọng tài bóng “out” hay “in” vẫn là một phần tất yếu của tennis. Điều đó đã giúp tiến sỹ người Anh Paul Hawkins nảy ra ý tưởng tạo ra một hệ thống mô phỏng lại pha bóng, dựa trên đôi mắt của loại chim tinh tường nhất: Diều hâu. Đầu năm 2001, hệ thống Hawk-Eye ra đời và bắt đầu hành trình chinh phục không chỉ trong môn tennis mà còn cả những môn cricket, snooker, và sắp tới sẽ là cả môn thể thao Vua như bóng đá.

Hawk-Eye là một hệ thống điện tử hoạt động chủ yếu dựa vào 10 chiếc camera tốc độ cực cao vận hành theo nguyên lý của radar, có thể chụp được 52 hình ảnh trong một giây, được bố trí ở những điểm quan trọng nhất với nguyên tắc phủ kín toàn bộ mặt sân. Tất cả được xử lý nhờ phần mềm chuyên dụng có khả năng xử lý và phân tích dữ liệu để tái lập quỹ đạo bay của trái bóng bằng hình ảnh 3D, với tốc độ cực nhanh (chỉ trong vòng từ 2-3 giây) mang lại những kết quả tất cả những điểm rơi của trái bóng.

Roland Garros cần Hawk-Eye hay không? - 2

Hawk-Eye cũng có những sai số và con người cũng có những sai lầm

Để vận hành một hệ thống Hawk-Eye cần 5-6 kỹ thuật viên làm việc liên tục trong 12 giờ/ngày và dĩ nhiên ngay cả khi con người có sự tin tưởng rằng máy móc đem lại những kết quả chính xác thì vẫn có những sai sót xảy ra. Vì đơn giản cuộc sống không có gì hoàn hảo!

Trận tứ kết Indian Wells Masters 2009 giữa Andy Murray và Ivan Ljubicic, lần đầu chứng kiến tận mắt Hawk-Eye sai lầm khi trái bóng trên hình ảnh là "out" nhưng kết quả xác định là "in". Trọng tài sau đó vẫn phải buộc tuân thủ theo luật, dựa theo Hawk-Eye và thiệt thòi thuộc về Ljubicic. Sai sót được xác định là do thao tác của nhân viên kỹ thuật, khiến cho kết quả đưa ra thiếu chính xác.

Tháng 10/2005, hệ thống Hawk-Eye đã vượt qua bài kiểm tra của ITF khi xác định đúng 100% tất cả 80 cú đánh rơi trên mặt sân Arthur Ashe (sân chính của US Open) với độ dung sai chỉ là 3,6mm (trong khi dung sai cho phép đến 5mm). Nó quá nhỏ và chỉ đúng bằng độ dày phần lớp nỉ của trái bóng! Nếu chúng ta biết dấu vết của trái banh để lại cũng chỉ bằng hơn một nửa (xấp xỉ 35 mm) đường kính thực của trái banh (63,5-66,6 mm).

Vậy nên Hawk-Eye không phải lúc nào cũng đúng, cũng giống như con người vậy. Nếu bạn nhìn thấy một pha bóng quay chậm mà Hawk-Eye chỉ ra vết bóng chạm vạch cực nhỏ (bóng “in”) thì hãy hiểu cho quyết định hô “out” của các trọng tài, trong khi tốc độ bóng bay là cực nhanh.

Roland Garros có Hawk-Eye hay không?

Không chỉ sau Roland Garros 2013 mà từ lâu các tay vợt đã chia thành những luồng ý kiến: Ủng hộ, không ủng hộ và trung lập với việc có nên dùng Hawk-Eye trong những trận đấu tại giải Grand Slam trên mặt sân đất nện hay không. Ở những giải sân cứng và sân cỏ, các tay vợt có 3 quyền xem lại tình huống nhờ Hawk-Eye trong một set nếu nghi ngờ quyết định của trọng tài (và thêm 1 quyền nữa nếu có loạt tie-break. Khiếu nại đúng thì được giữ nguyên quyền xem lại, sai thì sẽ bị trừ dần. Roland Garros và các giải đất nện khác không như vậy, đơn giản vì muốn giữ được những nét bản sắc của sân đất nện với vết bóng rõ ràng in trên sân. Hawk-Eye vì thế vẫn chỉ được sử dụng để tham khảo cho người xem qua truyền hình và tất nhiên cho cả những cuộc tranh cãi như chúng ta đã thấy!

Roland Garros cần Hawk-Eye hay không? - 3

Hawk-Eye sẽ được sử dụng trên sân đất nện hay không vẫn còn bỏ ngỏ

Nếu có Hawk-Eye trên sân đất nện, sẽ không còn hình ảnh trọng tài leo xuống từ vị trí “chair umpire” theo yêu cầu của các tay vợt và phán quyết vết bóng “out” hay “in”. Nếu Hawk-Eye chỉ giới hạn số lần khiếu nại của các tay vợt trên sân cứng và sân cỏ thì trên sân đất nện không như thế, số lần xem lại vết bóng là vô hạn. Và việc tranh cãi dùng hay không dùng, lợi hay hại dĩ nhiên vẫn sẽ tiếp tục cho tới tương lai.

Chỉ biết rằng khi tập đoàn điện tử Sony thâu tóm Hawk-Eye vào tháng 3/2011, họ vẫn tiếp tục cần mẫn chào mời sân đất nện sử dụng Hawk-Eye cho những trận đấu. Mà cách tiếp cận tốt nhất là sử dụng Hawk-Eye trên truyền hình để xác định tình huống đúng hay sai của các trọng tài, góp phần tạo nên những áp lực sử dụng Hawk-Eye trên mặt sân đất nện. Roland Garros sẽ sử dụng Hawk-Eye hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Mà ngay cả có Hawk-Eye, thì trọng tài vẫn sẽ là người quyết định cuối cùng, nếu như số lần khiếu nại của các tay vợt đã hết. Mà quyết định của con người đôi khi cũng dựa trên cảm tính, có thể đúng và sai. Sau những tranh cãi bất tận, cuối cùng tất cả cũng phải tôn trọng một điều: Luật chơi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Roland Garros 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN