Người Pháp và Roland Garros: Giấc mộng xa vời
Chưa biết đến bao giờ một tay vợt chủ nhà mới lại lên ngôi ở Roland Garros.
Lần cuối cùng có một người Pháp nâng cao chiếc cúp vô địch ở một nội dung đơn của Pháp mở rộng đã là từ 12 năm trước. Mùa hè năm 2000, Mary Pierce, khi đó là hạt giống số 6 của giải, đã thi đấu cực hay. Cô gái 25 tuổi tiến thẳng đến tứ kết mà không thua bất cứ set nào (và cũng chỉ mất vỏn vẹn 13 game). Khi phải chạm trán với đàn chị đồng thời là hạt giống số 3, Monica Seles ở tứ kết và thua trước ở set 1, những tưởng câu chuyện thần tiên của Pierce sẽ chấm dứt. Thế nhưng, cô đã lội ngược dòng ngoạn mục ở hai set sau để giành vé vào bán kết. Ở đó, Pierce tiếp tục đánh bại tay vợt số 1 hành tinh lúc bấy giờ là Martina Hingis trước khi hạ Conchita Martinez trong trận chung kết.
Nhưng những ký ức ngọt ngào về hình ảnh tuyệt đẹp của Mary Pierce hơn một thập kỷ trước không thể xua tan nỗi cay đắng trong lòng người Pháp. Tính từ kỷ nguyên mở, Pierce và Yanick Noah (vô địch 1983) là hai người duy nhất giữ được chiếc cúp Roland Garros ở lại nơi đã sinh ra nó. Ngoại trừ họ, không tay vợt nào để lại được dấu ấn đậm nét. Ngay cả nhà cựu vô địch Wimbledon và Úc mở rộng, Amélie Mauresmo cũng chỉ đạt thành tích tốt nhất ở Paris là lọt vào tứ kết. Năm ngoái, Gael Monfils làm được điều tương tự khi anh lọt vào tứ kết để rồi… thua Federer 3 set trắng.
Mary Pierce vô địch năm 2000
Người Pháp gần như tuyệt vọng ở Roland Garros đến mức trước khi giải Grand Slam đất nện khởi tranh năm nay, tay vợt có thứ hạng cao nhất của họ là Jo-Wilfried Tsonga đã gây sốc với tuyên bố “người Pháp chúng tôi sẽ chẳng có cơ hội nào để vô địch”. Huyền thoại Noah đã tức điên vì phát biểu tỏ rõ sự bất lực của kẻ hậu bối. Nhưng có lẽ chính Noah từ trong thâm tâm cũng phải đồng ý với Tsonga. Một thực tế không chối cãi được là các tay vợt Pháp, cả nam và nữ, vốn rất ít khi vô địch ở các giải đất nện khác chứ chưa nói đến một sân chơi “quá sức” như Roland Garros.
Câu hỏi là tại sao nước Pháp vốn khai sinh ra một giải Grand Slam đặc biệt và tầm cỡ trên sân đất nện như Roland Garros mà lại thường xuyên lâm vào cảnh trắng tay kể từ sau cột mốc 1968? Hãy nghe Marion Bartoli, hạt giống số 8 và đã bị loại ngay vòng 2 giải năm nay, giải thích: “Chúng tôi thường luyện tập chủ yếu trên mặt sân cứng hơn là trên mặt sân đất nện. Vì thế khó có thể cạnh tranh với các tay vợt Tây Ban Nha, vốn được tập ở mặt sân này từ bé. Chính tôi mãi đến tuổi 15 mới bắt đầu làm quen với mặt sân đất nện.”
Tsonga không tin thế hệ của anh có thể vô địch Roland Garros
Phát biểu của Bartoli khiến không ít người ngạc nhiên nhưng những nhà quản lý của quần vợt Pháp thì không hề ngỡ ngàng bởi họ hiểu quá rõ hệ thống các sân quần vợt tại đất nước hình lục lăng. Số sân đất nện ở Pháp hiện chỉ chiếm khoảng 14% trong khi số sân cứng chiếm gần 80%. Để so sánh, hai quốc gia gần đó là Bỉ và Đức có tỷ lệ sân đất nện lần lượt là 87% và 95%. Các lò đào tạo ở Pháp luôn bắt đầu với giáo án trên sân cứng và họ gần như chỉ coi đất nện là “phụ họa”. Điều này trái ngược hẳn với Tây Ban Nha, nơi luôn coi đất nện là nền tảng lý tưởng nhất để một tài năng trẻ bắt đầu làm quen với quần vợt.
Chứng kiến sự đi xuống về thành tích của các tay vợt Pháp mở các giải đấu đất nện nói chung và Roland Garros nói riêng, GĐKT LĐQV Pháp, Patrice Hagelauer đã cam kết xây dựng một trung tâm đào tạo quần vợt sân đất nện tại thành phố Nice và bắt buộc liên đoàn quần vợt các tỉnh thành phải có ít nhất 50% số sân là đất nện. Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội phát triển sân đất nện Bruno Renoult đã đặt mục tiêu đạt 25% số sân đất nện ở Pháp trước năm 2015.
Thôi thì thà muộn còn hơn không!