Mài “kim cương” cho Olympic

Tuần này, anh em tuyển thủ điền kinh Quách Công Lịch và Quách Thị Lan sẽ lên đường sang Mỹ tập luyện. Ngoài họ, điền kinh Thanh Hóa còn Lê Trọng Hinh, nhưng chàng trai này vẫn ở lại trong nước, chờ ngày đi thi đấu giành suất Olympic 2016.

Người hùng thầm lặng

Bây giờ, nói về điền kinh Thanh Hóa, nhiều người hay nhắc tới Quách Thị Lan hay Quách Công Lịch. Hoặc trước đây có Nguyễn Thị Phương (3.000m chướng ngại vật). Lê Trọng Hinh chỉ là gương mặt mới nổi tại SEA Games 28 vừa qua.

Trò chuyện cùng nhà vô địch 200m nam sau SEA Games, Hinh bảo: “Em đã trở lại tập đều ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Mục tiêu quan trọng được hướng tới là đạt chuẩn Olympic 2016. Khó lắm, nhưng cứ quyết tâm và hy vọng làm được”.

Mài “kim cương” cho Olympic - 1

Lê Trọng Hinh giành tấm HCV 200m SEA Games lịch sử cho điền kinh Việt Nam. Ảnh:   Lê Đức

Hóa ra, Lê Trọng Hinh mới chỉ bước vào tập điền kinh chuyên nghiệp từ năm 2011. Sau một giai đoạn điền kinh Thanh Hóa tuyển chọn gương mặt trẻ, những nhà tuyển trạch phát hiện được chàng trai trẻ từ tuyến học sinh phong trào. Chỉ sau 1 năm, Hinh đã được lên đội tuyển. Bước ngoặt lớn nhất của chân chạy này không phải ở SEA Games 2015 mà là đoạt 3 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc hồi tháng 7.2014 tổ chức ở Nam Định.

Cũng cùng lứa tuổi như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Lê Trọng Hinh chắc chắn là người được biết tới muộn hơn. Thế nhưng, trong những thành tích mà các tuyển thủ điền kinh Việt Nam làm được tại SEA Games 28, Hinh là người để lại ấn tượng nhất khi trở thành VĐV đầu tiên của đội tuyển điền kinh nam Việt Nam đoạt HCV ở cự ly ngắn.

Làng quê nghèo nhưng quyết vượt số phận

Hinh nói: “Từ nay tới cuối năm, trong lịch dự kiến, tôi có 2 giải quan trọng là giải quốc tế TP.HCM 2015 và Thái Lan mở rộng 2015. Tôi vẫn cố gắng đạt kết quả tốt nhất để chuẩn bị cho năm tới tham dự một số đợt vòng loại Olympic 2016”. Được biết, Lê Trọng Hinh không nằm trong nhóm đi Mỹ tập huấn trong tháng 7 này của điền kinh Thanh Hóa.

Dù vậy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa - ông Lê Văn Nam xác nhận đang tìm địa điểm để đưa tuyển thủ này ra nước ngoài tập luyện. “Quan điểm của thể thao Thanh Hóa là đầu tư cho nhiều VĐV tốt chứ không chuyên biệt ai. Hinh là một trong những người ấy” - ông Nam nói.

Thật bất ngờ, Hinh cũng là người vùng Ngọc Lặc (Thanh Hóa) như anh em Quách Thị Lan-Quách Công Lịch. “Nhà tôi vẫn làm nông thuần. Bố mẹ giờ có khoảng 4-5 sào ruộng cấy cày. Trước khi đi thể thao, tôi và anh em trong gia đình vẫn phụ bố mẹ có nề hà gì” - Hinh giãi bày.

Niềm vui đã tới với chân chạy này bởi ngoài những mức thưởng nóng của đoàn thể thao Việt Nam thì trong lễ tuyên dương của đơn vị Thanh Hóa, những VĐV đoạt HCV cá nhân được tổng thưởng 50 triệu đồng/người. Cầm khoản tiền ấy, Hinh đưa cả cho gia đình để đỡ đần bố mẹ.

Giới chuyên môn từng đã không ngớt lời ca ngợi khi điền kinh Thanh Hóa phát hiện được Quách Thị Lan từ miền quê Ngọc Lặc. Nhưng với dân chạy cự ly ngắn, Lê Trọng Hinh mới là nhân tố quý như… kim cương mà điền kinh xứ Thanh đang sở hữu.

 Tại giải Grand Prix 2015 vừa diễn ra ở Thái Lan, Lê Trọng Hinh cũng giành được 1 HCB tại cự ly 100m nam. 19 tuổi, giành HCV SEA Games, HCB tại giải Grand Prix thuộc hệ thống châu Á là kết quả quá mỹ mãn với Hinh.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Việt (danviet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN