Đại biểu QH nói về việc đăng cai ASIAD 2019

Cuối cùng, Việt Nam đã được giao quyền đăng cai tổ chức ASIAD 2019. Sự kiện này tạo được sự chú ý của dư luận với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tại nghị trường Quốc hội (kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá 13), chúng tôi ghi nhận được ý kiến của một số đại biểu về vấn đề này.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình):

“Không phải cứ xin được là xây phứa ra”

Vừa rồi tôi thấy có những dự án chúng ta phải cân nhắc nhiều, như dự án xây dựng bảo tàng lịch sử quốc gia trị giá khoảng 11.000 tỉ đồng, nhưng tổ chức ASIAD vừa là vấn đề quốc gia quốc thể vừa là hướng tới phát triển hội nhập cả về mặt kinh tế xã hội, cả về sức khỏe con người. Việc đăng cai ấy là cần thiết nhưng quan trọng là xây dựng xong rồi có khai thác, tận dụng được gì nữa không sau việc xây dựng đó, đấy mới là vấn đề, chứ không phải cứ xin được là xây phứa ra. Ví dụ vừa rồi bên Ukraina họ tổ chức cũng tận dụng chứ không xây nhiều đâu, nhưng chất lượng thi đấu vẫn được và khả năng giới thiệu rất tốt. Việc chúng ta xây dựng ở mức nào, khai thác ở mức nào tiết kiệm tối đa và đảm bảo chất lượng. Thế giới người ta cũng không phải là đăng ký được cái là đem hết tiền ra mà làm thì không phải.

Có người nói, khi đăng cai tổ chức ASIAD, phần lớn các nước chủ nhà đều thua lỗ. Việt Nam không khác gì, nhưng có cái này, việc tổ chức ASIAD ít người tính đến kinh doanh lỗ lãi mà là làm chính trị, thương hiệu nhằm vào vị thế của mình trên trường quốc tế, chứ việc kinh doanh lãi cái này là không có đâu.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):

“Nhận mất rồi, chẳng nhẽ lại từ chối?”

Đăng cai tổ chức ASIAD là mình nhận mất rồi, chẳng nhẽ lại từ chối à, phải làm sao. Đáng ra trước khi nhận phải cân nhắc rất kỹ xem năng lực nội lực của mình thế nào. Giờ nhận rồi thì chỉ có mỗi cách là làm cho tốt thôi không có con đường nào khác rồi.

Đầu tư công từ trước đến nay làm rất lãng phí, tiền không để rơi rụng trong quá trình thực hiện công trình, phải kiểm soát các khâu từ thiết kế, thi công, thẩm định, duyệt... phải làm thật chặt . Phải làm có hiệu quả chứ không lại lãng phí của dân. Kinh nghiệm tổ chức thì các nước thường họ phải chuẩn bị thật kỹ, như Trung Quốc đăng cai Olympic? Họ chuẩn bị rất kỹ, mình thì hoàn cảnh của mình như thế này, mình chưa đến mức giàu, hai là khó khăn về kinh tế, nên giờ xây cái gì, chi cái gì phải cân nhắc. Như giai đoạn vừa rồi có cái rất dở là đầu tư công tràn lan, lãng phí, bây giờ các công trình dở dang đang dừng lại, mà dừng lại là lãng phí tiền của dân

Để hạn chế thấp nhất sự lãng phí, theo tôi, người làm phải cam kết với người phụ trách và với dân một cách công khai tôi làm xong ngần ấy và tôi cố gắng làm mức tối đa, quản lý thật chặt để không rơi rụng công trình, đảm bảo chất lượng. Người làm phải báo cáo theo từng giai đoạn, phải chịu trách nhiệm trước dân . Còn tổ chức giám sát, chắc chắn đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ phải đưa vào kế hoạch giám sát chuyện này, vừa để cho có hiệu quả hơn và giám sát mang tính chất hỗ trợ cho đơn vị thi công làm hữu hiệu hơn.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị):

“Lưu ý tránh lãng phí, thất thoát”

Tổ chức giải này thì Chính phủ đã có dự kiến rồi, cái bánh ngân sách tổng thể chỉ có thế thôi thì đầu tư vào cái này sẽ bớt các khoản khác đi. ASIAD cũng đã được dự báo từ trước nên cũng có các dự kiến chi từ trước, cho nên cũng có thể cân đối được. Chính phủ đã có chủ trương và xin ý kiến, các cơ quan có thẩm quyền cũng nhất trí mình tham gia.

Tôi đã nói cái gì cũng có hai mặt nếu không nhận đăng cai ASIAD thì sẽ lỡ cơ hội và đồng thời thể hiện vị thế của Việt Nam, sự tin cậy của châu lục với Việt Nam. Qua đăng cai cũng làm đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên có những trưởng thành, cọ xát hơn.

Những mặt cần lưu ý là tham gia đăng cai cần lưu ý xây dựng cơ bản hiện nay mà đại biểu Quốc hội kêu rất nhiều là lãng phí thất thoát. Trong xây dựng cơ bản lãng phí thất thoát thường là lớn, hai là hệ số ECOR (hệ số đầu tư trên tăng trưởng) của mình so với các nước trong khu vực là rất cao, cao gần gấp đôi, cho nên càng đầu tư thì càng dễ dẫn tới thất thoát , lãng phí. Thứ ba là các cơ sở vật chất trước đây, qua Sea Game 22 thì để lại rất nhiều phải tận dụng hạ tầng thể thao đã có , nâng cấp lên , tránh xây mới dàn trải nhiều nơi .

Để tránh lãng phí dàn trải, tôi cũng đề nghị chỗ bộ không vì áp lực vừa rồi có khó khăn, thì tránh đầu tư tập trung quá trong 1- 2 năm mà phải phân kỳ đầu tư, cho rải ra, tránh áp lực thì hạn chế được. Khâu chọn nhà thầu quan trọng , nếu không chọn nhà thầu tốt với nhiều phương án khác nhau mà chỉ có theo kiểu chỉ định thầu thì có khi rất lãng phí. Có khi cũng thất thoát mà chất lượng không tốt. Thời gian qua một số nhà thầu trong khu vực, thậm chí nhà thầu nước láng giềng đầu tiên chào thầu rất thấp nhưng càng về sau càng nâng giá thầu lên rất cao.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu):

Các công trình cấp thiết khác có bị bớt nguồn lực?

Việc đăng cai ASIAD là điều kiện thuận lợi để tạo ra uy tín với thế giới là cần thiết. Duy chỉ có điều phải hết sức quan tâm là nên học tập kinh nghiệm của một số nước, biết tận dụng cơ sở hiện có, không nhất thiết cái gì cũng phải xây mới, trên cơ sở đó mình chỉ sửa sang tân trạng lại vẫn phục vụ tốt.Vạn bất đắc dĩ cái nào không thể được mới phải đầu tư xây mới.

Vì thế trước tiên là phải rà soát lại các công trình hiện có xem cái nào còn sử dụng tốt, bởi thực tế trước đây có rất nhiều công trình ta đầu tư tiền của rất lớn nhưng cái dùng rất lãng phí như nhà thi đấu Gia Lâm…

Rồi liệu nó có ảnh hưởng đến mục tiêu cắt giảm đầu tư công hay không, vì thực hiện giảm đầu tư công thì phải thực hiện trên toàn bộ các lĩnh vực. Dù đại diện ban vận động (ông Hoàng Vĩnh Giang –PV) nói chỉ hết 150 triệu USD nhưng có thông tin nói khoảng dưới 1 tỷ USD (trả lời báo chí bộ trưởng Thể thao văn hóa và du lịch Hoàng Tuấn Anh nói con số không đến 1 tỷ USD) con số đó trong bối cảnh hiện nay là rất lớn. Nếu chi cho nó hết thì câu hỏi lo ngại là nguồn lực để đầu tư các công trình khác hết sức cấp thiết, liên quan an sinh xã hội để đảm bảo đời sống người dân có bị ảnh hưởng không? Đó là chưa kể có thể dự trù thế nhưng khi làm kinh phí bị đội lên là chuyện thường, thực tế nhiều nước đã gặp phải.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

“Cơ hội quảng bá… nhưng không ít bài học thất bại”

Đại biểu QH nói về việc đăng cai ASIAD 2019 - 1

Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: M.Quân

Tôi nghĩ bài toán ấy Chính phủ phải hết sức cân nhắc. Tuy nhiên tôi nghĩ không nên khép lại ở chỗ chúng ta không dám nhìn vào đường dài. Tôi không dám phân tích (việc tổ chức) ASIAD vì đó là vấn đề lớn, thực ra rất nhiều nước nhìn thấy đó là cơ hội, quảng bá hình ảnh phát triển kinh tế, hạ tầng rồi kể cả họ thu được những lợi ích qua du lịch, nhưng cũng không ít bài học cho thấy là thất bại. Ví dụ như câu chuyện của Hy Lạp. Giữa những cái đó ta phải lựa chọn, cái gì cho thích ứng nhất, nhất là việc này liên quan đến thời gian 5-7 năm sau.

Tôi chỉ muốn nói cái tính không liên tục của quản lý Nhà nước, tức là nhiệm kỳ là đương nhiên, nhưng phần lớn những công việc ấy là của những người kế sau. Ví dụ câu chuyện đường sắt cao tốc, trước đây tôi chỉ thắc mắc một điều, tại sao không lùi lại một kỳ họp thôi, cho Quốc hội mới họ thông qua, giám sát luôn mà lại thông qua vào kỳ họp cuối cùng, tức là sau đó các quan chức đều có sự thay đổi. Bởi vì lúc đó họ cần một dự án mà chưa biết dự án sẽ như thế nào. Tôi nói chuyện đó để thấy rằng đây là bài toán rất khó, tập trung vào thực tiễn để giải quyết trước mắt nhưng không nên khép lại suy nghĩ về hướng ra.

Tôi nghĩ dẫu sao công việc chi tiêu công là bài toán xem có lãng phí, việc này cần có sự nghiên cứu thật là kỹ. Tôi không biết Chính phủ khi quyết định đăng cai việc này đã nghĩ tới chưa, chuyện này nên hỏi Thủ tướng thì hay nhất, có những cái mình không biết, thì không nên nói, lo lắng là đương nhiên, ai cũng lo lắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Quân, Việt Anh, Chí Hiếu (Sài Gòn tiếp thị Media)
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN