Trận đấu nổi bật

madison-vs-irina-camelia
Mutua Madrid Open
Madison Keys
-
Irina-Camelia Begu
-
victoria-vs-tatjana
Mutua Madrid Open
Victoria Azarenka
-
Tatjana Maria
-
yoshihito-vs-felix
Mutua Madrid Open
Yoshihito Nishioka
-
Felix Auger-Aliassime
-
emma-vs-maria-lourdes
Mutua Madrid Open
Emma Raducanu
0
Maria Lourdes Carle
2
jelena-vs-jessica
Mutua Madrid Open
Jelena Ostapenko
-
Jessica Bouzas Maneiro
-
borna-vs-benjamin
Mutua Madrid Open
Borna Coric
2
Benjamin Hassan
1
naomi-vs-liudmila
Mutua Madrid Open
Naomi Osaka
-
Liudmila Samsonova
-
thanasi-vs-jack
Mutua Madrid Open
Thanasi Kokkinakis
1
Jack Draper
2
richard-vs-lorenzo
Mutua Madrid Open
Richard Gasquet
-
Lorenzo Sonego
-
sara-vs-caroline
Mutua Madrid Open
Sara Errani
2
Caroline Wozniacki
1
coco-vs-arantxa
Mutua Madrid Open
Coco Gauff
-
Arantxa Rus
-
darwin-vs-rafael
Mutua Madrid Open
Darwin Blanch
-
Rafael Nadal
-
iga-vs-xiyu
Mutua Madrid Open
Iga Swiatek
-
Xiyu Wang
-

Có một Murray rất khác

Sự kiện: Wimbledon 2023

Tự bản thân Murray đã xuất sắc chứ không phải anh lên ngôi nhờ những con số 7 huyền diệu.

Novak Djokovic đã được chờ đợi để giành chiếc cúp Grand Slam thứ bảy trong sự nghiệp của anh, còn Murray chơi trận chung kết Grand Slam thứ bảy, và cuối cùng sự chờ đợi kéo dài 77 năm của cả Liên hiệp Anh để được thấy một tay vợt chủ nhà lên ngôi ở Wimbledon, kể từ khi Fred Perry đăng quang năm 1936, chấm dứt trong những nụ cười và nước mắt hạnh phúc.  

Còn rất nhiều con số bảy khác nữa, nhưng 77 năm chờ đợi đã tạo nên sức ép khủng khiếp dù cho nhiều giai đoạn, tennis gần như chỉ còn là môn thể thao phong trào ở Anh, nơi điều kiện thời tiết vốn không ưu đãi những người mê banh nỉ. 

77 năm qua, người Anh đã chứng kiến từ thế hệ này qua thế hệ các tay vợt khác xuất hiện cho tới trước khi có Murray, cũng chỉ có đúng một người vào tới trận chung kết Wimbledon, là Bunny Austin năm 1936.

Tennis Anh của những năm 1960 và 1970 có Roger Taylor cũng tài năng nhưng lại sinh cùng thời với hai huyền thoại Rod Laver và John Newcombe, nên ông chỉ đủ sức vào đến bán kết Wimbledon. Thậm chí, khi hàng loạt những ngôi sao sáng nhất của thế giới tẩy chay Wimbledon 1973 để Taylor được trông đợi sẽ làm nên kỳ tích trong năm đó, nhưng rốt cục ông lại bị chặn đứng trước ngưỡng cửa chung kết bởi tay vợt ít danh tiếng Jan Kodes (CH Séc).

Ba thập kỷ tiếp theo, người Anh thậm chí không sản sinh ra tay vợt nào đủ sức lọt vào tới tứ kết. Ngay cả khi Greg Rusedski quyết định đại diện cho nước Anh thay vì quê hương Canada, hy vọng ấy cũng chẳng được đền đáp, bởi Rusedski chỉ vào tới tứ kết đúng một lần, năm 1997.

Có một Murray rất khác - 1

Murray là kẻ hậu bối xuất sắc nhất của Fred Perry

Và Tim Henman xuất hiện để người Anh lại thêm nhớ về Fred Perry. Dù được coi là một chuyên gia sân cỏ điển hình với lối chơi giao bóng lên lưới và sự ổn định đáng kể, nhưng Henman lại thiếu sự đột phá của một nhà vô địch trong thời đại của Pete Sampras, Andre Agassi, Boris Becker, nên đã có bốn lần vào tới bán kết nhưng Henman chưa bao giờ tồn tại cho tới ngày thi đấu cuối cùng.

Murray (đến từ Scotland) xuất hiện với cột mốc lọt vào tới chung kết US Open ở tuổi 22 (năm 2008) cũng từng bị nhìn nhận như một Henman thứ hai - đặc biệt hạn chế về tâm lý, trong khi trên người luôn khoác bộ quần áo mang thương hiệu Fred Perry mà anh đại diện lại dễ tạo ra sự so sánh.

Cũng có thể là vì anh muốn rũ bỏ sức ép vô hình của vị tiền bối khả kính, hoặc vì Adidas mang đến cho anh một bản hợp đồng có giá trị thương mại lớn hơn (3 triệu bảng Anh/năm, từ đầu 2010), nên Murray đã từ bỏ thương hiệu thời trang (nay thuộc về người Nhật) có logo cách điệu từ vòng nguyệt quế và hình ảnh của Wimbledon, nhưng có một sự thật hiển nhiên rằng Murray là kẻ hậu bối xuất sắc nhất của Fred Perry.

Kể cả khi không sai nếu cho rằng phải chờ cho tới khi Roger Federer và Rafael Nadal không còn xuất sắc như họ đã từng, anh mới vô địch, cũng không thể chối cãi rằng, anh đã bước lên ngôi vô địch cả ở US Open 2012 cũng như Wimbledon lần này sau khi đánh bại người được coi là xuất sắc nhất thế giới trong ba năm qua, Novak Djokovic - người sinh sau Murray đúng bảy ngày (cùng vào tháng Năm, 1987).

Bây giờ chúng ta hãy nói thêm một chút về con số 7 kỳ diệu của Murray và Vương quốc Anh. Nó như là định mệnh với Murray và với Vương quốc Anh bởi tính từ ngày người Anh cuối cùng (kể cả nữ), Virginia Wade lên ngôi Wimbledon cách đây 26 năm cũng lại vào năm 1977.

Định mệnh còn được hun đúc bởi sự trùng lặp ngẫu nhiên, rằng ở trận chung kết thứ bảy tại các giải Grand Slam của Murray diễn ra trong ngày 7-7, nó lại xảy ra ở Wimbledon - giải đấu lần đầu tiên tổ chức năm 1877, anh giành chiến thắng sau đúng bảy lần bẻ gãy game giao bóng của Djokovic.

Nhưng, không phải chỉ nhờ được Chúa chọn, Murray mới vô địch Wimbledon.

Djokovic vẫn hay, nhưng Murray quá xuất sắc

Hãy hỏi Djokovic rằng trong suốt quãng thời gian vươn lên trở thành tay vợt số 1 thế giới kể từ 2011, đã khi nào anh phải đối diện với bảy break points chỉ sau hai game đầu tiên anh cầm giao bóng?

Câu trả lời sẽ là chưa bao giờ. Ba điểm đầu tiên của trận đấu khi Djokovic cầm giao bóng thuộc về Murray, trong đó có một cú trả giao bóng cực khó, và tay vợt người Serbia buộc phải chơi đôi công ở cuối sân với loạt đánh lên tới 20 lần chạm vợt (điểm hai). Bốn điểm break point ở game thứ hai có hai điểm do Djokovic tự mắc lỗi và hai điểm còn lại do Murray chủ động tạo nên bằng một cú thuận tay chéo sân, và cuối cùng, điểm quyết định nhất của game đấy anh chiến thắng bằng cú trái tay dọc dây.

Một Murray lột xác hoàn toàn so với chặng đường trước đó ở giải đấu này, và là một Murray tiến bộ kinh ngạc so với trận chung kết Australian Open hồi đầu năm đã khiến cho Djokovic hoang mang thực sự, trở nên dần mất tự tin vào bản thân, không thể chơi theo cách mà anh mong muốn.

Lâu nay, Djokovic luôn cho mọi người thấy nếu như anh bị bẻ một game, anh có khả năng lấy lại ngay trong game tiếp theo nhờ vào những cú trả giao bóng rồi những đường tấn công quyết đoán. Tuy nhiên, ở trận chung kết này, Murray chỉ cho Djokovic làm được như thế một lần, ở game thứ tư trong set đầu.

Đã vậy, Murray lại còn làm điều ngược lại, cũng bằng thứ tennis tấn công mãnh liệt kết hợp với phòng thủ siêu hạng trong những thời khắc khó khăn nhất để bẻ lại game sau khi anh vừa mất game giao bóng. Đó là lý do tại sao Djokovic gần như thối chí, anh chỉ ăn được thêm một game sau khi bị bẻ ngược lại ở tỉ số 2-4 trong set hai, và thua liền bốn game sau khi đã dẫn 4-2 ở trong set ba.

Ai cũng biết Djokovic vượt trội so với phần còn lại của ATP trong thời điểm hiện tại ở kỹ năng đánh trái tay dọc dây, là người hiếm hoi sử dụng cú đánh này để ép đối phương di chuyển, mở rộng phần sân tấn công dứt điểm trong cú đánh tiếp theo, còn Murray lại hiếm khi đánh trái dọc dây (chung kết Wimbledon 2012, anh không thực hiện cú nào thành công theo kỹ thuật này), nhưng khi Murray đột nhiên xuất sắc, Djokovic buộc phải thay đổi cách di chuyển đã được lập trình trước đó. Thay vì lệch hẳn sang bên trái, để sẵn sàng cho cú trái hoặc né trái đánh phải, Djokovic phải đứng gần điểm trung tâm trên đường baseline hơn mới bao nổi cả hai đầu sân.

Lâu nay Murray được biết tới như một trong những người trả giao bóng xuất sắc, nhưng chưa bao giờ anh đạt tới gần đẳng cấp trả giao bóng của Djokovic, và đó là lý do tại sao trận chung kết Australian Open đầu năm nay, Murray đã không một lần bẻ gãy game giao bóng của đối thủ (sau khi có bốn cơ hội ít ỏi).  Nhưng, Murray ở trận chung kết này đã trả giao bóng sâu và hiểm với ý đồ tấn công phủ đầu ngay. Chiến thuật ấy cũng làm Djokovic bối rối, mắc bốn lỗi giao bóng kép và tỉ lệ giành điểm khi giao bóng hai chỉ là 41% (so với 42% của Murray) dù cho tốc độ giao bóng hai trung bình của anh là 156km/h, nhanh hơn của Murray tới 27,3km/h.

Có một Murray rất khác - 2

Djokovic vẫn hay, nhưng Murray xuất sắc hơn nữa

Thông số ấy cho thấy Djokovic không phải tự suy yếu và cũng không tự sát ở những thời khắc quan trọng, mà nó là hệ quả tất yếu khi phải đối diện với sự xuất sắc của Murray.

Rõ ràng là đấu với Murray hoàn toàn khác đấu với Berdych hay Del Potro - những người có cú thuận tay sấm sét nhưng lại thiếu độ đa dạng trong cách xử lý tình huống để buộc Djokovic phải phán đoán.

Như cú giao bóng của Murray ở ô số 1 (điểm đều), Djokovic thường bối rối khi Murray tung bóng ở cùng một vị trí nhưng chỉ khi vợt tiếp bóng thì anh mới biến hóa để tạo ra một cú giao bóng slice ra mang hay đập thẳng vào góc chữ T.

Nó tuân theo đúng quy luật tennis không thể và sẽ không bao giờ là môn thể thao của những phép cộng đơn thuần, và tính chất bắc cầu ở đây là vô giá trị. Nhất là khi Djokovic của năm 2013 đã suy yếu so với chính anh trong năm 2011 như chúng ta đã từng nhìn nhận, ngay cả khi anh vô địch Australian Open lần thứ ba liên tiếp và khi anh gục ngã trước Nadal mới đây ở Paris.

Nếu cho rằng Djokovic đã bị tác động đáng kể về sau trận bán kết dài nhất trong lịch sử Wimbledon (4 tiếng 43 phút với DelPo) thì Murray cũng không phải đã dạo chơi ở những vòng đấu trước đó.

Nếu Djokovic phải thi đấu tám set ở tứ kết và bán kết trong tổng thời gian là 6 tiếng 58 phút, thì Murray cũng phải thi đấu chín set với tổng thời gian là 6 tiếng 42 phút trong hai trận trước chung kết.

Còn nếu Djokovic không ở điều kiện thể lực tốt nhất thật, đó lại là bằng chứng của một tay vợt đã suy yếu dù vẫn đứng số 1 thế giới. Trong khi thực tế cho thấy Murray tiếp tục cải thiện đáng kể về mặt sức bền. Sự bồi đắp cơ bắp (tăng thêm 1,3kg cơ bắp) cũng không còn làm anh nặng nề và chậm hơn.

Cho Murray, cho người Anh, và cho Ivan Lendl

Tất cả sự cải thiện trên ba phương diện tâm lý, chiến thuật và thể lực của Murray đều là thành quả gặt hái được trong quãng thời gian làm việc cùng với HLV Ivan Lendl mà không mảy may nghi ngờ về triết lý cũng như các phương pháp huấn luyện của ông.

Nó cũng giống như việc Djokovic mỗi ngày dành ra hai tiếng để ép dẻo và căng cơ biến tay vợt người Serbia trở thành số 1 về sự linh hoạt, việc mỗi ngày giam mình ba tiếng trong phòng gym của Murray đã bổ khuyết được điểm yếu nhất trước đây của anh là sức mạnh và sức bền.

Ở đây, Murray đã không bị cưỡng ép để trở thành bản sao của Ivan Lendl. Họ biết kết hợp với nhau để đạt thành công nhờ biết lựa chọn những điểm mạnh nhất. Cụ thể hơn, Lendl, người từng có ba trong số tám Grand Slam giành ở Roland Garros, không đặt mục tiêu nâng cấp Murray trên mặt sân đất nện. Ông giúp Murray từ chỗ chỉ phát huy tốt nhất trên sân cứng, đã vượt qua Federer trở thành người thành công nhất trên mặt sân cỏ trong một năm qua. Murray hiện đang là ĐKVĐ của ba giải đấu trên mặt sân cỏ, là Olympic, Queens và Wimbledon, đồng thời vào tới chung kết giải này năm ngoái.

Có một Murray rất khác - 3

Lendl không biến Murray trở thành bản sao của ông

Rõ ràng là quyết định bỏ qua Roland Garros dù đã khiến Murray bị chỉ trích pha lẫn hoài nghi nhưng nó giúp anh trở nên mạnh mẽ ở Wimbledon. Tương tự như thế là phương pháp chọn giải "kiểu Serena Williams" khi Murray trở nên tầm thường, dễ bị đánh bại ở các giải ATP Masters, nhưng lại cực kỳ thành công ở Grand Slam.

Trước khi gặp Ivan Lendl, Murray từng giành tới tám danh hiệu ATP Masters sau chín lần vào chung kết chỉ trong vòng bốn năm. Gần hai năm qua, Murray chỉ vào chung kết thêm ba lần khác và cũng chỉ vô địch được một lần ở Miami 2013, nơi vắng Federer và Nadal còn Djokovic bị loại từ trước đó bởi Tommy Haas.

Hẳn là Ivan Lendl, người có lối đánh cuối sân mạnh mẽ giờ cũng cảm thấy được an ủi cho việc ông chưa bao giờ giành được Wimbledon khi còn cầm vợt trong những năm 1980.

Còn bản thân Murray, giờ đây anh đã thực sự bước ra khỏi cái bóng của Fred Perry, và có thể tự đứng trên đôi chân của mình nếu như một ngày nào đó Lendl không còn bên anh (khi ông đã là triệu phú, có học viện tennis của riêng mình ở Florida, và đam mê cháy bỏng Golf).

Không sụp đổ trước sự kỳ vọng của cả một liên hiệp thể thao bị ám ảnh bởi mặt trái của truyền thông; không gục ngã sau khi ba match point đầu tiên bị Djokovic xuất sắc hóa giải, vẫn tự tin tiến vào trong sân để ép đối thủ ở match point thứ tư rồi vô địch thì Murray giờ đây đã là một người khác rồi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Wimbledon 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN