Gojek và beGroup cắt thưởng, điều chỉnh giá cước, ngành Thuế "cảnh cáo" Grab

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

TPO - Tiếp nối Grab và Baemin, Gojek vừa điều chỉnh tăng giá cước các dịch vụ GoRide, GoSend và GoFood tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM; Còn beBike cắt tiền thưởng khiến các tài xế đồng loạt phản ứng.

Tài xế beBike tắt app, tập trung tại trụ sở beGroup ở Hà Nội để phản đối chính sách tiền thưởng mới

Tài xế beBike tắt app, tập trung tại trụ sở beGroup ở Hà Nội để phản đối chính sách tiền thưởng mới

Gojek tăng giá cước, beBike cắt tiền thưởng

Tiếp nối Grab và Baemin, từ 0h ngày 12/12, Gojek bắt đầu điều chỉnh tăng giá cước các dịch vụ GoRide, GoSend và GoFood tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, giá cước GoRide dưới 2 km ở Hà Nội sẽ tăng từ 12.000 đồng lên 13.000 đồng/cuốc, trong khi tại TP HCM tăng 10.000 đồng lên 11.000 đồng/cuốc.

Đối với dịch vụ GoSend ở Hà Nội và TP HCM sẽ áp dụng giá 15.000 đồng với khoảng cách dưới 2 km. Trên 2 km, giá tăng từ 4.000 đồng/km lên 5.000 đồng/km.

Dịch vụ GoFood dưới 3 km giá tăng từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng. Từ 3 km trở lên, giá áp dụng 4.000 đồng/km lên 5.000 đồng/km.

Ngoài tăng giá cước theo số km, Gojek cũng thu phụ phí ban đêm từ 10.000 đồng/cuốc đối với dịch vụ GoRide từ 22h đến 6h ngày hôm sau. Phụ phí này sẽ khấu trừ 20% phí dịch vụ.

GoFood cũng sẽ thu phí gửi xe 5.000 đồng/đơn hàng (áp dụng cho những đơn hàng trong trung tâm thương mại và không khấu trừ thuế 20% phí dịch vụ) và sẽ thu phụ phí ban đêm từ 23h đến 6h hôm sau với giá 10.000 đồng/đơn hàng.

Gojek điều chỉnh giá cước, thuế và chương trình thưởng mới áp dụng tại TP.HCM từ 12/12

Gojek điều chỉnh giá cước, thuế và chương trình thưởng mới áp dụng tại TP.HCM từ 12/12

Gojek cho biết giá cước này đã bao gồm các loại thuế hiện hành, tỉ lệ khấu trừ với tài xế trên toàn bộ tổng doanh thu từ chuyến xe sẽ được điều chỉnh tương ứng, bao gồm thuế giá trị gia tăng và mức phí dịch vụ 20%.

Trong một diễn biến khác, chiều 11/12 nhiều tài xế beBike đã tắt app, tập trung tại trụ sở beGroup ở Hà Nội để phản đối chính sách tiền thưởng mới của hãng. Theo chia sẻ từ tài xế beBike, phía beGroup đã có động thái cắt tiền thưởng tuần mà không thông báo cho đối tác.

Cụ thể, theo qui định cũ tài xế beBike có 7 mức thưởng, từ 220.000 đồng đến 980.000 đồng, tương ứng với số điểm 110 - 270 điểm. Tuy nhiên, với mức thưởng mới áp dụng từ ngày 14/12, tài xế đạt 110 điểm sẽ được thưởng 120.000 đồng và mức 270 điểm chỉ nhận về 630.000 đồng.

Trả lời báo chí, đại diện truyền thông beGroup cho biết, dịp cuối năm, beGroup tung ra nhiều chương trình thưởng, gồm thưởng hoàn doanh thu, thưởng tuần và thưởng Tết. "Tuy nhiên, nhiều tài xế hiểu lầm là họ chỉ được áp dụng một chương trình thưởng tuần nên đã tụ tập trước văn phòng beGroup tại Hà Nội", đại diện truyền thông đơn vị này cho hay.

beGroup khẳng định các chương trình mới công bố sẽ giúp tài xế thân thiết tăng thu nhập trong năm mới, đặc biệt từ quí I/2021 mức thưởng sẽ tăng 2% so với hiện tại.

Đáng chú ý, đến cuối ngày 11/12, beGroup đã điều chỉnh lại mức thưởng trên trang web của hãng. Trong đó, đạt 110 điểm tài xế sẽ được nhận 190.000 đồng và 930.000 đồng nếu đạt mức cao nhất 270 điểm trong tuần. Mức giảm so với điểm thưởng cũ cao nhất chỉ là 50.000 đồng.

Trước đó hồi tháng 8, hàng trăm tài xế beBike cũng quây trụ sở yêu cầu công ty giảm mức chiết khấu và phí sử dụng ứng dụng, đồng thời tăng mức điểm thưởng để hỗ trợ tài xế.

Các tài xế Grab phản đối việc thu thuế VAT bất hợp lý của công ty Grab kêu bức xúc, Tổng cục Thuế ra văn bản ‘cảnh cáo’

Các tài xế Grab phản đối việc thu thuế VAT bất hợp lý của công ty Grab kêu bức xúc, Tổng cục Thuế ra văn bản ‘cảnh cáo’

Chiều 9/12, đại diện Grab đã làm việc với Tổng cục Thuế để chia sẻ về những vướng mắc khi thực hiện Nghị định 126.

Tuy nhiên, kết thúc cuộc gặp, Grab phát đi thông cáo cho biết "hết sức thất vọng bởi kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào", khi Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế VAT.

Ngay sau đó, bà Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) đã ra văn bản nêu rõ: Tại buổi làm việc ngày 9/12, Tổng cục Thuế đã lắng nghe ý kiến phát biểu, giải trình của Grab về việc tăng giá và tăng chiết khấu đối với khách hàng. Tuy nhiên, Grab chưa cung cấp đầy đủ thông tin về việc tăng giá và tăng mức khấu trừ thuế đối với lái xe do ảnh hưởng của Nghị định 126.

Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126 quy định cụ thể về trách nhiệm khai thuế của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân – không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng.

Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh số thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế giá trị gia tăng 10% đối với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước tới nay).

Theo Tổng cục Thuế, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có ý kiến khẳng định: Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải. Cty TNHH Grab phải có trách nhiệm chính với hoạt động vận tải vì Công ty TNHH Grab quyết định về giá cước (thay đổi giá khi có thay đổi về điều kiện giao thông, thời tiết…), lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe…

Từ đó, phía Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty TNHH Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích với công luận và lái xe về việc điều chỉnh tăng cơ cấu giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo dư luận và xã hội hiểu không đúng về Pháp luật của Nhà nước về chính sách thuế.

Đồng thời, Công ty TNHH Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Nguồn: [Link nguồn]

Grab phản pháo, kiến nghị Tổng cục Thuế làm rõ nghĩa vụ thuế với doanh thu tài xế

Grab kiến nghị cần có ý kiến hướng dẫn chính thức bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN