Việt Nam xuất khẩu 9 tấn vàng phi SJC
Từ nay đến cuối tháng 3/2013 sẽ có khoảng 9 tấn vàng phi SJC được tạm xuất tái nhập để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lô hàng thí điểm đầu tiên đã thực hiện với Ngân hàng Đông Á với 100 kg vàng nguyên liệu SJC được xuất đi và nhập về 100 kg vàng chuẩn quốc tế.
Việc này đã đươc thực hiện hoàn tất ngay trong một ngày. Số vàng mới nhập về đạt chuẩn quốc tế sẽ được dập ra vàng miếng SJC để trả lại cho người dân.
Sau đợt hàng đầu tiên này sẽ có tiếp nhiều tổ chức tín dụng khác sẽ được tạm xuất tái nhập vàng. Đây là số vàng phi SJC còn tồn trong hệ thống ngân hàng, sẽ được cấp phép xuất khẩu hết trong một tháng tới để nhập về loại vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng số vàng cần chuyển đổi theo hình thức này khoảng 9 tấn và việc tạm xuất tái nhập dự kiến sẽ thực hiện xong trong tháng 3/2013. Trước đó, gần 10 tấn trước đó đã được kiểm định trong nước và chuyển đổi thành vàng thương hiệu SJC.
Việc cho các ngân hàng tạm xuất, tái nhập vàng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC. Hiện nay, quá trình chuyển đổi ở trong nước thông qua kiểm định và gia công tại SJC đang chậm vì dồn ứ. Việc tậm xuất tái nhập tuy đắt hơn so với tự kiểm định và dập đúc trong nước nhưng sẽ nhanh hơn. Bởi vì nếu tiếp tục chờ đợi một mình SJC xử lý, thời gian sẽ kéo dài vài tháng. Trung bình mỗi ngày SJC kiểm định và dập đúc 60 kg vàng, trong khi nhu cầu của toàn thị trường lên đến hàng chục tấn.
Bên cạnh đó, khi cho ngân hàng tạm xuất vàng miếng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu để dập đúc thành vàng SJC cũng góp phần tăng lượng cung SJC trên thị trường. Các ngân hàng được cấp phép tạm xuất tái nhập với điều kiện không thu phí khi đã dập đúc thành vàng SJC trả lại cho dân", đại diện Ngân hàng Nhà nước nói
Lý giải việc tạm xuất, tái nhập có ảnh hưởng đến giá vàng thời gian qua, chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đó không phải là nguyên nhân.
"Về nguyên tắc các ngân hàng đều có tài khoản giao dịch ở nước ngoài. Mức ký quỹ đặt cọc chỉ khoảng 15-20% số vàng tạm xuất tái nhập. Đơn cử như Đông Á xuất lô 100 kg, trị giá hơn 5 triệu USD, như vậy chỉ mất vài trăm nghìn đôla đặt cọc, số tiền này không đáng gì và cũng không ảnh hưởng tới trạng thái ngoại tệ của ngân hàng", ông nói.