Tỷ giá tăng do... “cơ cấu tài sản”

Mặc dù có một phần cầu thực từ nhập siêu và nhập vàng, song nguyên nhân chính làm thị trường ngoại hối nóng lên những ngày vừa qua vẫn là do tình trạng đầu cơ với kỳ vọng tỷ giá còn tiếp tục tăng.

Ngày 9.7, giá USD trên thị trường tự do đã hạ nhiệt chút ít, song các ngân hàng vẫn tiếp tục niêm yết ở mức giá bán ra kịch trần là 21.246 đồng/USD. Khoảng cách giá mua – bán cũng được thu hẹp khi giá mua vào được các ngân hàng đẩy lên phổ biến 21.220 – 21.230 đồng/USD.

Xuất hiện lực cầu lớn

Chiều qua (9.7), giá USD được giao dịch tự do xấp xỉ 21.600 – 21.620 đồng/USD giá mua vào; 21.630 – 21.650 đồng/USD giá bán ra. Như vậy, so với chiều 6.7, giá USD tự do đã giảm xấp xỉ 200 đồng/USD, tuy nhiên, vẫn cao hơn giá niêm yết của các ngân hàng gần 400 đồng/USD. Diễn biến này ít nhiều gây bất ngờ cho thị trường, và cho cả cơ quan điều hành là ngân hàng Nhà nước (NHNN), bởi lẽ, sau khi cơ quan này ban hành quyết định tăng tỷ giá thêm 1% vào ngày 28.6, áp lực với tỷ giá vẫn còn nguyên, thậm chí còn tăng cao hơn. Theo đó, thị trường tái xuất hiện tình trạng hai tỷ giá trong hệ thống ngân hàng – nghĩa là các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu ngoại tệ buộc phải trả giá cao hơn mức niêm yết; trong khi trên thị trường tự do, giá USD bán ra có thời điểm đã gần chạm ngưỡng 22.000 đồng/USD.

Theo một chuyên gia tài chính, thị trường ngoại hối lại trở nên căng thẳng, có một xuất phát từ cầu thực, đó là nhập siêu và nhập vàng, song nguyên nhân chính vẫn là do yếu tố đầu cơ.

Tỷ giá tăng do... “cơ cấu tài sản” - 1

Giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ những ngày gần đây, theo VFA, nguyên nhân chủ yếu không phải do tỷ giá tăng. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Cụ thể, về cầu thực, nhập siêu trong ba tháng gần đây đã tăng dần trở lại, đặc biệt là tăng nhanh từ tháng 5 trở lại đây, từ mức nhập siêu xấp xỉ 1 tỉ USD hồi tháng 4 đã lên tới 2 tỉ USD đến hết tháng 6. Tuy nhiên, động thái mạnh tay gom USD, bao gồm của cả các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp và người dân mới là lực tác động mạnh nhất. Theo đó, trước khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, trạng thái ngoại tệ của hệ thống ngân hàng âm xấp xỉ 1,2 – 1,3 tỉ USD, tuy nhiên, đã nhanh chóng được cân bằng do ngân hàng đẩy mạnh mua. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, thị trường đã xuất hiện một lực cầu khá lớn, bao gồm cả trước và sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gia tăng tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài, biểu hiện: quý 2 năm nay, ở hạng mục cán cân thanh toán quốc tế, tiền gửi ngoại tệ ra nước ngoài của hệ thống ngân hàng nhiều hơn tiền vay vào 378 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, lượng thâm hụt này chỉ là 104 triệu USD. Trong phần vay nợ nước ngoài ngắn hạn, lượng tiền gửi ra nhiều hơn vay vào xấp xỉ 300 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái vay vào nhiều hơn gửi ra 876 triệu USD.

Vốn chảy qua vàng, ngoại tệ

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, nói ngắn gọn: “Mặc dù ngân hàng đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, nhưng cho vay ra vẫn rất khó khăn và rủi ro, vốn VND dư nhiều, ngân hàng buộc phải tính toán, dịch chuyển tài sản, cũng là cực chẳng đã”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cầu ngoại tệ tăng nhanh vừa qua, từ các ngân hàng chỉ là một phần, còn lại là từ cả doanh nghiệp và người dân.

Việc các ngân hàng, doanh nghiệp, người dân cùng tăng nhu cầu ngoại tệ, cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá chưa hết, dù đã được điều chỉnh. Bản thân lãnh đạo NHNN cũng cho biết, mức điều chỉnh tối đa với tỷ giá trong năm nay từ 2 – 3%, nghĩa là dư địa cho tỷ giá còn 1 – 2% nữa. Tất nhiên, NHNN sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng liều lượng, thời gian trong trường hợp phải dùng đến dư địa này. Song, tình trạng cầu ngoại tệ tăng lên như vừa qua, đã đồng loạt tạo ra một áp lực lớn, và bản thân giới đầu cơ ít nhiều đặt kỳ vọng NHNN sẽ phải xem xét đến dư địa còn lại. Kỳ vọng này không phải thiếu cơ sở, khi mà nguồn lực can thiệp của NHNN có giới hạn, nhất là trong bối cảnh liên tục bán vàng ra bình ổn thị trường từ tháng 3 đến nay (NHNN bán ra xấp xỉ 43 tấn vàng, nghĩa là NHNN phải bỏ ra một khoản xấp xỉ 2,5 tỉ USD để nhập vàng về).

Sau một thời gian nỗ lực tìm đầu ra cho tín dụng mà kết quả không như mong muốn, dòng vốn VND dư thừa trong hệ thống ngân hàng cũng đã được trú ẩn một phần trong vàng (từ tháng 3 đến nay, các tổ chức tín dụng – khách mua vàng đấu thầu chủ yếu của NHNN đã mua vào 43 tấn vàng – xấp xỉ 50.000 tỉ đồng) và những ngày gần đây tiếp tục được chuyển dịch sang USD.

Trong bối cảnh nền kinh tế không hấp thụ được vốn tín dụng, việc thay đổi cơ cấu tài sản là một bài toán mà các ngân hàng phải cân nhắc, lựa chọn.

Nhu cầu ngoại tệ vẫn được đáp ứng đủ

Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, NHNN theo dõi rất sát diễn biến của thị trường ngoại tệ tự do cũng như diễn biến về trạng thái ngoại tệ của ngân hàng. Ngoài ra, NHNN cũng theo dõi sát sao cung – cầu về ngoại tệ của nền kinh tế cũng như khả năng đáp ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp và người dân và thực tế cho thấy, cung về ngoại tệ vẫn đáp ứng được cầu, không có hiện tượng khan hàng. Ngân hàng vẫn đáp ứng đủ cầu ngoại tệ cho cả doanh nghiệp nhập khẩu.

Qua theo dõi, nguồn tiết kiệm bằng VND của các ngân hàng trên khu vực TP.HCM tăng trên 5.600 tỉ đồng trong một tuần qua. Riêng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ cũng ổn định, không có hiện tượng người dân ồ ạt rút tiết kiệm bằng USD khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm xuống.

Về việc vàng nhập lậu gây áp lực lên tỷ giá, ông Minh cho rằng, tình trạng nhập lậu vàng khi giá thế giới thấp hơn trong nước là khó tránh, song khác với trước hiện nay vàng lậu chỉ có quy mô nhỏ vì khi nhập vàng nguyên liệu về, giới nhập lậu không thể làm ra vàng miếng mà chỉ làm vàng trang sức hoặc làm thành những miếng vàng nhỏ để bán nên không thể bán được với giá cao và khối lượng lớn.

Trần Thanh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thảo Nguyễn (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN