TTCK tuần qua: Hai sàn giảm dần đều

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch ảm đạm, chỉ số trên hai sàn giảm dần đều từ đầu tuần đến cuối tuần. Nhà đầu tư nước ngoài đã có tuần bán ròng đầu tiên về khối lượng cổ phiếu sau 7 tuần mua ròng...

Trong tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được những thông tin tích cực, hỗ trợ tâm lý các nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên, có thể, những thông tin này chỉ tốt trong trung và dài hạn hoặc những thông tin này đã được dự đoán từ trước, nê không thể thay đổi được xu hướng đi ngang của thị trường.

Đầu tiên phải kể đến là thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2012 của Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Cụ thể, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của TP.Hồ Chí Minh, khu vực có CPI chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI cả nước, được công bố sáng hôm 20/11 với sự giảm tốc so với tháng trước đã mang lại sự hứng khởi cho NĐT. Song song với đó, thông tin về CPI của Hà Nội được công bố sáng 21/11 Hà Nội tăng 0,22% so tháng trước và tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2011.

Kế đến là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ như giảm phí lưu ký, nới rộng margin… đang cho thấy sự quan tâm của cơ quan quản lý tới diễn biến thị trường chứng khoán…. Ngoài ra, trong tuần thị trường cũng tiếp nhận thông tin tốt từ hệ thống ngân hàng khi một số ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài. Thông tin này sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán…

Diễn biến giao dịch trên sàn HoSE, tuần giao dịch từ ngày 19/11 đến ngày 23/11/2012, VN-Index có 4 phiên giảm điểm và 1phiên tăng điểm. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 381,71 điểm, giảm 4 điểm (so với tuần trước là 385,71 điểm), tương đương giảm 1,04% so với cuối tuần trước. Thanh khoản tuần này giảm mạnh, cụ thể, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 91,85 triệu cổ phiếu (giảm 26,7% so với tuần trước) với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.175,48 tỷ đồng (tương đương giảm 18,44% so với giá trị giao dịch của tuần trước). Tính bình quân, mỗi phiên khối lượng giao dịch đạt 18,37 triệu đơn vị cổ phiếu với giá trị giao dịch là hơn 235,1 tỷ đồng/phiên.

NĐT nước ngoài tuần qua đã mua ròng 3 phiên và bán ròng 2 phiên, trong đó bán ròng mạnh phiên đầu tuần. Cụ thể, xét về khối lượng giao dịch, trong tuần NĐT nước ngoài đã mua đạt 11,1 triệu đơn vị, giảm 6,18% so với tuần trước; đồng thời, họ bán ra 12,3 triệu đơn vị, tăng 19,5% so với tuần trước. Xét về giá trị, khối ngoại đã mua vào đạt 309,74 tỷ đồng, giảm 1,85% và bán ra 304,74 tỷ đồng, tăng 33% so với tuần trước. Như vậy, trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,24 triệu đơn vị, tuy nhiên, xét về giá trị, họ vẫn mua ròng 4,33 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, tuần qua, thị trường có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng điểm. Kết thúc tuần, HNX-Index đứng ở mức 51,23 điểm, giảm 0,58 điểm (so với cuối tuần trước là 51,58 điểm), giảm -1,12%. Tổng khối lượng giao dịch tuần qua trên sàn Hà Nội đạt hơn 102,523 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt gần hơn 567,206 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi phiên trong tuần đạt 20,5 triệu cổ phiếu và 113,44 tỷ đồng/phiên giao dịch. Thanh khoản giao dịch trên sản Hà Nội tuần này giảm mạnh so với tuần trước, cụ thể, giảm 29,29% về khối lượng giao dịch và giảm 34,37% về giá trị giao dịch.

Khối ngoại tuần qua, trên sàn Hà Nội có 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng khối lượng mua vào đạt 1,67 triệu đơn vị và bán ra 4,96 triệu đơn vị. Tổng giá trị mua vào đạt 21,49 tỷ đồng và bán ra 27,91 tỷ đồng. Như vậy, họ bán ròng 3,3 triệu đơn vị và về giá trị bán ròng 6,42 tỷ đồng.

Trên thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu (UpCoM), đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần chỉ số UpCoM-Index dừng ở mức 40,72 điểm, tăng 0,08 điểm (so với cuối tuần trước là 40,8 điểm). Tổng khối lượng giao dịch trong tuần đạt hơn 6,65 triệu đơn vị cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 222,78 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên, sàn UpCoM có 1,33 triệu đơn vị cổ phiếu giao dịch với giá trị giao dịch đạt 44,56 tỷ đồng/phiên.

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính - chứng khoán, thanh khoản chưa được cải thiện đáng kể, trong ngắn hạn khả năng thị trường vẫn tiếp tục duy trì xu thế đi ngang, khi mà thì mọi nỗ lực hồi phục của thị trường cần phải thận trọng. Nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường, giữ tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục, chờ đợi những cơ hội rõ rệt hơn, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như nợ xấu, hàng tồn kho… thì thông tin về CPI cũng không có ý nghĩa nhiều với thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Giao ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN