Sẽ không liên thông giá vàng trong nước và TG

Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 13-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết giá vàng trong nước và thế giới có chênh lệch ở mức cao đi chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, vì vậy NHNN không có ý định liên thông giá vàng trong nước và thế giới.

NHNN: vàng không phải hàng hóa thiết yếu

Trước câu hỏi đầu tiên trong phần chất vấn sáng nay của đại biểu Dương Hoàng Hương (tỉnh Phú Thọ) về vấn đề vì sao giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch, và giải quyết ra sao về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc chênh lệch giá vàng không tác động đến kinh tế vĩ mô, vì vậy, không nhất thiết phải liên thông giá.

Cụ thể hơn, ông Bình cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đã có đầu cơ và buôn lậu vàng qua biên giới. Trước khi Nghị đinh 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, mỗi năm có 10-30 tấn vàng buôn lậu qua biên giới. Các đối tượng gom ngoại tệ để mua vàng, kéo tỷ giá tăng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Việc tỷ giá tăng khiến giá nguyên liệu, hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát. Như vậy giá vàng ảnh hưởng lớn đến kinh tế, làm chảy máu ngoại tệ.

Do vậy, ông Bình cho rằng mặc dù biết rất rõ rằng vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu nhưng vì tính chất ảnh hưởng của nó đến kinh tế vĩ mô nên buộc lòng Chính phủ và NHNN trong thời gian trước phải nhập khẩu vàng qua con đường chính thức để ổn định giá vàng.

Sẽ không liên thông giá vàng trong nước và TG - 1

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.

Theo ông Bình, trước khi nghị định 24 được ban hành, thị trường vàng không ai quản lý, mỗi bộ, ngành, cơ quan quản lý một khúc trong thị trường. NHNN chỉ quản lý việc xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho đến dập thành vàng miếng, sau đó được coi là hàng hóa bình thường, doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép kinh doanh vàng do sở kế hoạch đầu tư cấp thì đủ điều kiện, vàng miếng lưu hành thoải mái, được coi như hàng hóa thông thường. Môi trường pháp lý không rõ ràng nên việc quản lý thị trường vàng là rất bất cập, vì vậy để chấn chỉnh, NHNN đã trình Chính phủ nghị định 24, ban hành 2011. Theo đó, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các đơn vị chính thức chấm dứt sản xuất vàng miếng.

Từ tháng 4 trở lại đây, vàng nhập lậu giảm hẳn, thị trường tỷ giá ổn định, mặc dù chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước ngày càng tăng lên, hiện khoảng 3 triệu đồng, nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Trong phiên chất vấn ông Bình, đại biểu Hương cũng đề nghị thống đốc nêu rõ về việc cách thức nào để huy động nguồn lực vàng trong dân, ông Bình nói, chưa biết rõ có bao nhiêu vàng trong nền kinh tế và NHNN ước lượng có khoảng 250- 300 tấn, đây là nguồn lực lớn bị “chôn vùi”trong dân. Theo ông Bình, việc huy động vàng cũng nằm trong mục tiêu đề ra trong đề án chống vàng hóa của NHNN. Ông cho biết trong 6 tháng qua đã huy động được hơn 60 tấn vàng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thông qua hoạt động mua vàng của tổ chức tín dụng.

Hỏi ngược lại thống đốc, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết tỏ ra bức xúc "Tôi thấy thống đốc trả lời chưa thuyết phục về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, thống đốc nghĩ người dân không biết gì. Thống đốc nói không có lý do gì để bình ổn, vì sao trong nghị quyết Quốc hội 2011 có nêu "phấn đấu không có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới?". Với sự trả lời của thống đốc như vậy, thì thống đốc có thực hiện nghị quyết Quốc hội hay không?"

Ông Bình cho biết trong nghị quyết 2011 của Quốc hội có ghi là giá vàng trong nước và thế giới phải sát nhau, chính vì thực hiện nghị quyết mà ngay sau đó đã cho nhập 15 tấn vàng vào quí 4-2011. Nhưng trong giai đoạn đó NHNN đã thảo luận gần xong nghị định 24, từ đó kiên quyết không cho nhập vàng nữa vì môi trường pháp lý đã thay đồi, việc nhập không còn cần thiết.

Nợ xấu tăng nhanh

Về tình hình nợ xấu của ngân hàng,, ông Bình đã đưa ra 2 con số, một là con số nợ xấu mà các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo lên, tính hết 30-9 vào khoảng 4,43%, trong khi con số mà NHNN nắm cụ thể là 8,82%. Ông Bình cho rằng nợ xấu không phải bây giờ mới biết mà bắt đầu gia tăng nhanh từ 2008, mỗi năm tăng vài chục phần trăm, và trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng rất nhanh, lên đến 66%, cao nhất so với tốc độ tăng của các năm.

Để xử lý nợ xấu, ông Bình cho rằng phải có các phương án tổng thể. Nợ xấu có 5 nhóm nguyên nhân, một phần do TCTD cho vay vốn, hai là doanh nghiệp đi vay, ba là cơ chế chính sách vĩ mô và phát triển ngành, bốn là do điều kiện trong và ngoài nước trong từng thời kỳ, và cuồi cùng là do thanh tra giám sát của ngân hàng và các lĩnh vực khác.

Theo ông Bình, trong lĩnh vực này, NHNN và ngân hàng thương mại có trách nhiệm lớn nhất, riêng NHNN có 2 trách nhiệm, một là cơ chế chính sách và hai là hoạt động thanh tra giám sát. Do Việt Nam tăng trưởng tín dụng quá nóng dẫn đến nợ xấu tăng nhanh. Để xử lý, trong thời gian qua hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp như bản thân các ngân hàng phải cơ cấu lại nợ phù hợp với từng doanh nghiệp, việc trích lập dự phòng rủi ro cũng kiểm soát chặt. Dự phòng rủi ro mới trích lập từ đầu năm đến nay tăng hơn 14.000 tỉ đồng, đưa con số trích lập dự phòng lên 75.000 tỉ đồng, từ đầu năm các tổ chức tín dụng đã xử lý được 12.000 tỉ đồng nợ xấu từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

"Vì sắp hết năm tài chính, nên các tổ chức tín dụng đã được chỉ đạo nếu tổ chức nào chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì không được chia cổ tức", ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, ở nhiều TCTD nhỏ và yếu, chất lượng tín dụng kém nhưng báo cáo nợ xấu chỉ 3%, nhưng sau khi NHNN thanh tra, có tổ chức nợ xấu lên vài chục phần trăm. Trách nhiệm của TCTD là phải trích lập rủi ro, dùng cả vốn điều lệ, vốn tự có để xóa nợ, phải bán tài sản để khôi phục lại tình hình tài chính lành mạnh.

"Trong con số 4,93% nợ xấu mà tổ chức tín dụng báo cáo thì 80% có tài sản đảm bảo, 57% là đảm bảo bằng bất động sản, vậy con số trích lập dự phòng đã đạt hơn 2,5%. Nếu quyết tâm xử lý nợ xấu thì sẽ không gia tăng nữa, nên nếu thực hiện thêm với các nhóm giải pháp cho nguyên nhân khác thì sẽ giải quyết được nhưng không dễ dàng", ông Bình nói.

Tháo gỡ nợ xấu qua thị trường bất động sản là quan trọng, theo ông Bình, dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế là 2,7 triệu tỉ đồng, 72% có tài sản đảm bảo, trong đó có hơn 66% là đảm bảo bằng bất động sản. Khai thông được thị trường bất động sản thì sẽ tháo gỡ được nợ xấu, cụ thể là giải quyết đầu ra.

"Chúng tôi có đủ vốn để làm điều đó, nhưng nếu không có đầu ra cho bất động sản thì rất khó để thực hiện, nhất là giá bất động sản chưa giảm nhiều", ông Bình khẳng định.

Trong chiều nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các vấn đề xoay quanh giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, giải quyết nợ xấu thông qua thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, tình hình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các câu hỏi liên quan đến thị trường vàng... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Thương (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN