Ông già thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba

Ở Hậu Giang, người dân vẫn truyền tai nhau muốn nuôi ba ba để thoát nghèo cứ tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Hòa (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) mà học.

Tiếp chúng tôi vào những ngày cuối năm, người đàn ông nông dân 60 tuổi, chủ nhân trang trại nuôi ba ba lớn nhất nhì miền Tây không ngần ngại kể về quá trình lập nghiệp, cũng như hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba mà ông đã đúc kết trong suốt 15 năm.

Ông già thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba - 1

Nghề nuôi ba ba giúp ông Hòa trở thành tỉ phú, thu nhập mỗi năm trên 2 tỉ đồng.

Ông Hòa kể trước đây từng nhiều năm trồng mía nhưng chẳng khi nào thành công, có thời điểm ông vùi vào nợ nần do thua lỗ. Trong một lần tình cờ, ông Hòa bất ngờ khi biết giá của mỗi ký thịt ba ba cao gấp 5 lần so với thịt heo. Sau lần đó ông trằn trọc và quyết định thử nuôi ba ba thịt. Khi đó là năm 2000.

Gần một tuần tìm hiểu, ông học lỏm được cách xây ao nuôi ba ba từ một trang trại ở Cần Thơ. Ngay lập tức, ông xới mảnh đất sau vườn làm ao thả ba ba. “Lứa đầu, tôi vay nợ 10 triệu đồng nuôi thử. 15 con giống đầu tiên chết sạch. Công chăm sóc 3 tháng xem như bỏ. Lúc ấy tôi chịu nhiều áp lực từ gia đình, phần vì con cái đang cần tiền ăn học” - ông Hòa nhớ lại.

Chưa bỏ cuộc, ông dành thời gian đi khắp nơi, tìm hiểu qua sách vở về kỹ thuật nuôi ba ba. Trong 4 năm đầu, ông liên tục thua lỗ, số nợ lên đến cả trăm triệu đồng nhưng cũng nhờ vậy mà ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Đến năm 2004, lần đầu tiên xuất bán, ông lãi được gần 100 triệu đồng. Kể từ đó, ông Hòa mở rộng diện tích ao nuôi lên 3 hecta, quy mô gấp 10 lần lúc ban đầu.

Ông già thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba - 2

Trang trại của ông Hòa là một trong những nơi cung cấp ba ba giống lớn nhất miền Tây

Ông dần trả hết nợ nần, còn tiền lời thì không ngừng tăng lên. Hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, trang trại ba ba của ông sinh lời gần 2 tỉ đồng. Bên cạnh ba ba thịt, ông cung ứng giống lớn nhất nhì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người địa phương thường gọi ông là “Ông Hòa tỉ phú”.

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, ông Hòa cho biết trang trại của ông hiện có 22 ao, mỗi năm cung ứng gần 5 tấn ba ba thịt và trên 350.000 con giống. Nhu cầu thị trường tương đối lớn nhưng ít người đầu tư. Do đó, dù ông không ngừng mở rộng ao nuôi, nhưng vẫn không đủ cung cấp.

Chỉ tay vào một ao đang nuôi, ông Hòa khoe: “số ba ba này chỉ cần chăm sóc 2 tháng là đã lớn bằng 2 bàn tay rồi. Loài vật này dễ nuôi lại sinh sản rất nhanh, mỗi năm có thể sinh sản 8 lần với hàng trăm con giống”.

Dù đã 60 tuổi, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ nhưng ông vẫn Hòa quyết tâm tìm hiểu để website quảng bá thương hiệu ba ba. Nhờ vậy nhiều thương lái ở khắp nơi tìm đến trang trại của ông. “Trước khi lập website quảng bá, tôi chỉ bán ba ba cho các nhà hàng tại Cần Thơ. Từ ngày có trang mạng riêng, mỗi tháng hàng trăm khách hàng và hàng chục chục người từ khắp nơi đến nhờ tôi hướng dẫn cách nuôi và nhân giống ba ba” - ông Hòa cho biết.

Theo ông, quảng bá trang trại trên internet là một điều cần nên làm trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Ngoài việc, nhiều người biết đến còn thuận lợi cho chuyện mua bán, đặt hàng. Ông Hòa tâm sự: “Có được ngày hôm nay là tôi dám làm dám nghĩ và quyết tâm với nghề”.

Đã có hàng chục nông dân khắp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long làm ăn khấm khá, sau khi được ông Hòa hướng dẫn. Cụ thể, bà Lê Thị Vân (chủ ba ba Thốt Nốt, Cần Thơ) chia sẻ: “Không những ông Hòa nhiệt tình giúp đỡ, mà còn hướng dẫn chỉ đầu ra giúp cho gia đình tôi bán giá cao nữa”.

Trong suốt 15 năm nuôi ba ba, điều mà ông Hòa rút ra cho bản thân rằng nghề nuôi ba ba ở Hậu Giang không mới nhưng với cách làm mới, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật cho sản phẩm chắc chắn sẽ thành công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phong (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN