Nới rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài

Tất cả người nước ngoài có visa vào cư trú Việt Nam từ ba tháng (90 ngày) trở lên đều có điều kiện được mua, sở hữu nhiều nhà dài hạn tại Việt Nam.

Nội dung đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở (2005) được lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), tổ chức Đà Nẵng ngày 23/8. Dự thảo này được Bộ trình Chính phủ cuối năm 2013 trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua (năm 2014).

Tăng số lượng nhà, thời hạn sử dụng

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định: Nội dung sửa đổi này được xem cởi mở nhất, tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Nới rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài - 1

Người nước ngoài, Việt kiều tham khảo thông tin dự án nhà ở tại Đà Nẵng.

Theo đó, đối tượng mua, kinh doanh nhà ở Việt Nam mở rộng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng đại diện các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động Việt Nam. Cá nhân nước ngoài được cấp visa vào Việt Nam từ ba tháng trở lên được mua, sở hữu căn hộ, nhà liền kề, biệt thự. Trường hợp đầu tư kinh doanh nhà, tổ chức, cá nhân nước ngoài có thêm giấy chứng nhận đầu tư, triển khai dự án.

Theo ông Khởi, văn bản pháp luật hiện hành quy định tại một thời điểm cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu 1 căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở; Không được sở hữu nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề), thời hạn sở hữu cá nhân chỉ trong vòng 50 năm...

Dự thảo Luật sửa đổi lần này tăng số lượng, thời hạn sở hữu nhà Việt Nam cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài, theo hướng: được sở hữu tối đa 2 nhà ở thương mại (nhà ở riêng lẻ, căn hộ chung cư), trong dự án phát triển nhà ở thương mại. Thời hạn sở hữu 50 năm và được gia hạn một lần tiếp theo lên đến 50 năm. Trường hợp mua nhà ở riêng lẻ được mua tới tổng diện tích 500m2.

Nới rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài - 2

Các đại biểu góp ý tại hội thảo.

Đồng thời, bổ sung một số quyền sở hữu, mua, bán tặng cho nhà ở.... Đặc biệt là cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư để khai thác, chơ thuê nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của mình; được bồi thường thiệt hại, tái định cư khi bị giải tỏa, thu hồi.

Cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng phải nộp thuế thu nhập gấp hai lần so với mức quy định hiện hành...

Thêm nguồn cầu mới

Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Đàm Quang Tuấn (kiêm Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng), nhận định: dự thảo được thông qua sẽ làm ăng thêm một nguồn cầu mới, nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, cần có những quy định vị trí, điều kiện, số lượng cụ thể khi thực hiện các giao dịch này. Lãnh đạo hiệp hội BĐS TP.HCM kỳ vọng, bước đột phá cởi mở này tạo tính đa dạng, hấp dẫn, định vị giá trị cho BĐS trong nước.

Bộ Xây dựng cho biết, đến hết quý 2/2013, cả nước có 126 trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu (80%) là các cá nhân.

Một phần do chính sách hiện hành khắt khe, trong khi chi phí mua nhà Việt Nam còn ở mức cao. Đại diện Bộ Ngoại giao nhận định: nhu cầu sở hữu nhà Việt Nam của người nước ngoài rất thiết thực.

Đề xuất sửa đổi Luật này theo hướng cởi mở nhưng còn tính phân biệt giữa các nhóm đối tượng sinh sống, công tác... dễ dẫn đến “giấy phép con”.

Nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị: về lâu dài điều kiện mua bán, kinh doanh nhà Việt Nam với người nước ngoài cần bỏ dần quy định hạn chế về số lượng, thời hạn sở hữu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay: để phòng ngừa phát sinh thực tế, dự thảo ràng buộc thêm một số nghĩa vụ, như: tổ chức, cá nhân nước ngoài không được vay vốn các tổ chức tín dụng ở Việt Nam để mua nhà ở; số lượng mua không vượt quá 30%căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Trường hợp mua nhà ở riêng lẻ trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường không được mua quán 250 căn nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Huy (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN