NHNN xử lý vấn đề yếu kém của 8/9 ngân hàng thương mại
NHNN đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) trình Chính phủ phê duyệt, trong đó trước hết tập trung thực hiện việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC)...
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh trao đổi với PV xung quanh vấn đề tái cơ cấu ngân hàng.
PV: Ông có thể cho biết những biện pháp đã được thực hiện trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng theo Quyết định 254/QĐ-TTg (QĐ 254) của Thủ tướng Chính phủ lần này?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Sau gần 2 năm, việc tái cấu trúc ngành ngân hàng đã và đang đạt được hiệu quả và không làm mất ổn định thị trường cũng như cho chính bản thân các ngân hàng. NHNN đã xây dựng các giải pháp hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) trình Chính phủ phê duyệt, trong đó trước hết tập trung thực hiện việc xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) nhằm tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả của các TCTD, thị trường tiền tệ.
Song song đó, việc đổi mới và hoàn thiện các văn bản pháp lý về hoạt động ngân hàng nhằm hỗ trợ cho việc tái cơ cấu các TCTD được thực hiện như: sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoàn thiện các quy định về cấp phép thành lập các TCTD, quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM…
Trong hai năm đầu tái cơ cấu (2011-2012) chúng tôi tập trung vào đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt là đối với các ngân hàng yếu kém, phải có các giải pháp cụ thể và hiệu quả để xử lý những tồn tại trước mắt, nhằm ổn định tình hình và hạn chế ảnh hưởng không tích cực đối với thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, tạo ra cơ chế tác động hỗ trợ phù hợp từ Ngân hàng trung ương và kết hợp các nguồn lực từ các định chế tài chính khác để giúp TCTD khắc phục nhanh và xử lý tốt những hạn chế nảy sinh (về đáp ứng vốn, hỗ trợ về thanh khoản…). Đến nay đã xử lý cơ bản vấn đề yếu kém của 8/9 NHTM.
PV: Như vậy, những NHTM được tái cơ cấu trên địa bàn đến nay đã có thể hoạt động bình trường trở lại chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ba NHTMCP được hợp nhất đầu tiên ngày 06/12/2011 là ngân hàng Đệ Nhất, ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và ngân hàng Sài Gòn thành NHTMCP Sài Gòn (SCB) hợp nhất. Sau quá trình tái cơ cấu thanh khoản của SCB đã tốt hơn, quan hệ tín dụng và thanh toán trên thị trường liên ngân hàng đã được cải thiện, và khoản tiền vay tái cấp vốn đã trả xong. Vốn điều lệ của SCB hiện đạt mức 12.295 tỷ đồng, tổng tài sản đạt khoảng 172.260 tỷ đồng, đặc biệt nguồn vốn huy động tăng trưởng rất tốt, tăng 42,8%; dư nợ tín dụng đạt 95.675 tỷ, tăng 8,6% so cuối năm 2012.
Điều này cho thấy niềm tin của khách hàng vào ngân hàng không suy giảm. Nợ xấu 8,8% trên tổng dư nợ tín dụng. Đến nay, những tồn tại, hạn chế phát sinh trong hoạt động của Ngân hàng này về cơ bản đã được khắc phục. Có thể nói các tiêu chí an toàn hoạt động của SCB đã được củng cố.
Riêng Navibank đang triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án tái cơ cấu đã được đã được phê duyệt dưới sự giám sát của NHNN - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, hoạt động của hai ngân hàng này được NHNN kiểm soát chặt chẽ và đã từng bước đi vào hoạt động ổn định. Mới đây, Thống đốc NHNN cũng đã chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập DaiABank vào HDBank nhằm tạo ra một định chế tài chính vững mạnh hơn, mang lại lợi ích cho cả hai ngân hàng, cũng như thực hiện chủ trương giảm bớt số lượng các TCTD.
Như vậy, hiện tại các TCTD đều đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản và dần từng bước đi vào ổn định, an toàn hệ thống đã được đảm bảo, giảm tỷ lệ sở hữu chi phối của các cổ đông lớn tại các NHTM, buộc phải khắc phục những sai phạm trước đây từ những cổ đông liên quan, gây ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín ngân hàng. Các chỉ tiêu hoạt động tài chính, quy mô vốn tự có và chất lượng vốn tự có phát triển theo hướng tích cực. Chất lượng tài sản được nâng cao, xử lý được một phần nợ xấu thông qua các giải pháp: sử dụng dự phòng rủi ro, xử lý tài sản đảm bảo, cơ cấu lại nợ.
PV: Kinh nghiệm từ việc tái cơ cấu ngân hàng trong 2 năm qua sẽ được đúc rút như thế nào trong tiến trình tái cơ cấu tiếp theo, thưa ông ?
Ông Nguyễn Văn Dũng: Trong hai năm 2012-2013, thanh tra, giám sát NHNN - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tập trung thanh tra pháp nhân các NTHMCP có hội sở chính trên địa bàn Thành phố, qua đó xác định những giải pháp, định hướng để đưa vào Đề án tái cơ cấu triển khai thực hiện. Quá trình này cho thấy, quản trị ngân hàng đang đặt ra nhiều vấn đề. An toàn hoạt động của NHTM không thể thiếu vai trò của thanh tra, giám sát của NHNN.
Thời gian tới công tác thanh tra, giám sát sẽ được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, thực hiện thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro và giám sát tổng hợp TCTD, vì hiện nay chủ yếu là thanh tra tuân thủ. Phát triển hệ thống giám sát theo tiêu chuẩn CAMELS (Hệ thống đánh giá tình trạng vững mạnh của các TCTD), hệ thống đánh giá rủi ro đối với các TCTD và cảnh báo sớm trong hoạt động ngân hàng. Tập trung, nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát.
Nhìn chung, việc cơ cấu lại các TCTD trên địa bàn được thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng cũng như lộ trình của Đề án ban hành kèm theo QĐ 254 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã kiểm soát được tình hình của TCTD yếu kém, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo, giữ vững được niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!