Người giàu đổ xô chuyển nhà

Giới lắm tiền trên thế giới đang trong làn sóng di cư chưa từng thấy.

Theo các chuyên gia, đó là những người Pháp và Mỹ giàu sụ lo ngại chuyện thuế má, hay những người Nga và Trung Quốc có gia sản khổng lồ muốn tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.

Cảm giác thiếu an toàn

Ông David Lesperance, một luật sư ở Toronto – Canada chuyên về hiện tượng di cư của lớp siêu giàu, nhận định: “Những người giàu có trên thế giới chợt nhận thấy rằng, họ không còn ràng buộc với một quốc gia nhất định nào nữa. Sau cuộc suy thoái và những sự kiện gần đây, họ nhận thấy cần phải đảm bảo tốt cho bản thân, gia đình và tài sản. Đối với những người giàu, ý tưởng về xê dịch thay đổi từ chỗ là một hoạt động thú vị sang việc cần phải làm.”

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, số người Mỹ xin từ bỏ quốc tịch đã tăng lên mức hơn 1.700 người vào năm ngoái, cao gấp đôi mức của năm 2009. Trong số đó có tỉ phú Facebook Eduardo Saverin đã từ bỏ quyền công dân Mỹ để chuyển đển Singapore hồi năm 2011. Trong quý 1-2012, thêm 460 công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch của mình. Trong khi đó, người giàu tại Pháp xem Thụy Sỹ, Anh và Singapore như lối thoát sau khi Tổng thống Francois Hollande đề xuất 75% thuế cho thu nhập vượt quá 1 triệu euro. Ngoài ra, một số người Pháp giàu có muốn rời bỏ đất nước vì lo ngại thái độ không thiện cảm đối với người giàu ngày càng gia tăng ở nước này.

Ngược lại, các đại gia mới nổi tại Nga, Trung Quốc hay Brazil có xu hướng chọn Anh hay Mỹ. Số người Nga chuyển tới thủ đô London - Anh đông đến nỗi giới phân tích ở đây đã đưa ra một thuật ngữ mới là “Londongrad” để chỉ những người Nga nhập cư này. Hiện có khoảng 1.000 triệu phú Nga “gọi London là nhà”. Trong số đó có, ông Roman Abramovich, tỉ phú sở hữu câu lạc bộ Chelsea, là người Nga giàu nhất tại Anh. Các đại gia Trung Quốc đua nhau tới Mỹ với số lượng kỷ lục, như năm 2011 số người nhập cư vào Mỹ hơn 2.000 người, tăng hơn gấp đôi năm 2010.

Người giàu đổ xô chuyển nhà - 1

Tỉ phú Eduardo Saverin (trái) và Roman Abramovich (Ảnh: BLOOMBERG)

Thuế không là tất cả

Các nhà kinh tế học và xã hội học cho rằng tình trạng di cư này sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia và cộng đồng, vì các đại gia mới tới sẽ không để tâm tới các hoạt động từ thiện, công nhân và việc kinh doanh tại địa phương. Ngoài ra, làn sóng di cư này có thể dẫn đến việc chạy đua trong chính sách thuế, chẳng hạn như Singapore đang đưa ra mức thuế thu nhập và nhiều lợi ích để thu hút người giàu bỏ tiền túi và các đối tượng nộp thuế.

Một số chuyên gia cho rằng ngoài thuế má, văn hóa, giáo dục và khí hậu cũng đóng vai trò quyết định của người giàu. Chẳng hạn, nhiều người Mỹ muốn sống ở Anh và Thụy Sỹ cũng như nhiều nước khác ở châu Âu cho dù đây không phải là những nước có mức thuế thấp. “Họ không nhất thiết chuyển tới những hòn đảo nhỏ để trốn thuế. Họ muốn đến những nơi mà họ có thể duy trì lối sống, cách điều hành công việc kinh doanh, dạy dỗ con cái, ăn ở những nhà hàng tuyệt vời và hưởng thụ văn hóa”, ông Lesperance nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H.Bình ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN