Israel sẵn sàng đầu tư cho trẻ 12 tuổi, VN thì sao?
Nếu so sánh với quốc gia hình mẫu về khởi nghiệp là Israel, khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu những yếu tố căn bản.
Khởi nghiệp hiện đang là chủ đề được quan tâm. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, người đã từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các tập đoàn nước ngoài và trong nước. Hiện nay ông là chủ tịch Hội tri thức 3.0, trước đó ông là giám đốc chiến lược của Tập đoàn FPT.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa
Không phải khởi nghiệp là làm ông chủ ngay
. Phóng viên: Ông từng chia sẻ với các bạn trẻ rằng “99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết. Các bạn đang nướng tài chính, nướng mục tiêu của mình…”. Điều này phải được hiểu như thế nào vì nhiều người vẫn đang cho rằng lập công ty cũng là một cách khởi nghiệp?
+ Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa: Câu nói này nhiều người cho là sốc. Nhưng đó là câu trả lời của tôi khi có một bạn trẻ đặt vấn đề tại một buổi giao lưu rằng: Bạn ấy cần vốn pháp định khoảng 300 tỉ đồng để mở một công ty bảo hiểm và đề nghị tôi chỉ cách để có một tài khoản ảo trong ngân hàng.
Điều tôi nói trên đây cốt để giữ cho bạn sinh viên đó, vốn chưa va vấp trong kinh doanh “ở lại mặt đất” và phải dùng lý trí của mình để khởi nghiệp. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều gương các bạn trẻ hoặc các đại gia khởi nghiệp và kiếm tiền bằng mọi cách, để rồi sau đó gia nhập “Câu lạc bộ Juventus huyền thoại” (tức vào tù - PV).
Các bạn trẻ Việt Nam cần có khát vọng để đưa Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp mà Philippines đang bị “cầm chân” hơn 30 năm. Nhưng phải bằng lao động cật lực như người Nhật, người Hàn hay tinh thần hy sinh xương máu, vượt mọi gian nan của chính người Việt trong chiến tranh chứ không phải vĩ cuồng, “chém gió” và hô hào suông.
Thực tế, nhiều bạn trẻ hay nhầm lẫn khởi nghiệp là phải làm ông chủ ngay lập tức. Ước mơ sẽ dễ trở thành viển vông nếu CEO trẻ không có kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, mối quan hệ và vốn.
. Có ý kiến cho rằng phần lớn khởi nghiệp ở Việt Nam là chỉ để kiếm sống, trong khi lẽ ra khởi nghiệp phải là vươn lên, cạnh tranh và thành công ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
+ Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ở Việt Nam không nên tách biệt ra khởi nghiệp để kiếm sống hay vươn lên toàn cầu. Khởi nghiệp có nhiều giai đoạn. Trong hai, ba năm đầu tiên, khởi nghiệp để kiếm sống được đã là quá tốt, ít nhất phải hoàn được vốn đầu tư.
Nếu so sánh với quốc gia hình mẫu về khởi nghiệp là Israel, khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu những yếu tố căn bản. Một công dân Israel hội tụ đủ yếu tố của quân nhân, doanh nhân và nông dân. Họ có tinh thần chiến đấu tới cùng, có đầu óc tinh tường của một doanh nhân và sự cần cù, chịu khó của nông dân.
Không ít người Việt Nam ngày nay còn kém hơn người Israel về những điểm này. Hãy nhìn thẳng vào sự thật để không ảo tưởng.
Thiếu tổ chức đầu tư rủi ro
. Vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì, doanh nghiệp cần làm gì để có thể giúp Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp như Israel, đất nước mà ông rất ngưỡng mộ và đã từng tham quan, nghiên cứu những mô hình khởi nghiệp?
+ Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ cuốn Quốc gia khởi nghiệp nói về Israel, chúng ta sẽ nhận thấy Việt Nam đang thiếu hẳn những tổ chức đầu tư rủi ro (Venture Capital). Hiện nay mới có vài nhóm nhỏ trong Bộ KH&CN đang suy nghĩ tới và đặt nền móng.
Một số tổ chức đầu tư rủi ro quốc tế cũng đang rất dè dặt tiến vào Việt Nam như IDG. Tuy nhiên, IDG cũng chỉ đang đi mua lại những công ty đã phá sản.
Còn nếu phải đầu tư một cách bài bản như những tổ chức đi “săn” Nguyễn Hà Đông, người thiết kế trò chơi nổi tiếng Flappy Bird từ trước khi có sản phẩm thành công thì hầu hết những nhà đầu tư ở Việt Nam chưa biết cách làm điều này.
Thuyết phục những người có tiền đầu tư rủi ro là không hề dễ dàng. Một điểm nữa là chúng ta chưa biết hợp tác với các trung tâm R&D như Mỹ, Israel, Đức, Nhật, Bắc Âu… Đây chính là những ngân hàng sở hữu trí tuệ (IP Bank).
Công thức này đã từng rất thành công giữa Israel và Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Israel sẵn sàng đầu tư sở hữu trí tuệ vào thị trường Trung Quốc và được thanh toán bằng cổ phiếu chứ không phải bằng tiền mặt. Israel sẵn sàng hợp tác và đầu tư vào những ngân hàng IP với một thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Tiếc là chúng ta không có một hệ thống và cơ chế tài chính bài bản để hiện thực hóa điều này.
. Bằng kinh nghiệm của mình, ông nghĩ Việt Nam cần phải cải cách thế nào về thể chế, môi trường kinh doanh để khởi nghiệp thực sự giúp ích cho quốc gia?
+ Chìa khóa quan trọng để giải mã ẩn số phát triển Việt Nam hiện là yếu tố tư duy của con người (gồm cả người lãnh đạo và nhân lực) cùng một hệ thống được tổ chức tốt. Tất cả phải là một bộ máy hoạt động hiệu quả như ban lãnh đạo của một công ty tư nhân.
Có hai yếu tố đó cùng với một chiến lược hợp lý thì Việt Nam có thể phát triển. Các chiến lược mũi nhọn cần tập trung vào là công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch… làm tiên phong tăng trưởng GDP cho Việt Nam.
Khi những tư duy quản lý thay đổi thì thị trường Việt Nam mới trở thành thị trường hấp dẫn đối với thế giới. Và khi đó những người khởi nghiệp của Việt Nam mới có thêm nhiều cơ hội để kiếm sống và vươn lên.
. Xin cám ơn ông.
Đông đảo các bạn trẻ tham gia chung kết cuộc thi Khởi nghiệp năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp tổ chức. Ảnh: HOÀNG SANG
Sẵn sàng bỏ tiền cho đứa trẻ 12 tuổi Thực tế trên thế giới việc mua bán ý tưởng kinh doanh hay mua bán các doanh nghiệp mới thành lập diễn ra nhộn nhịp từ rất lâu nhưng dường như ở Việt Nam điều này vẫn còn xa lạ. Rào cản nặng nề nhất cho quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam chính là tâm lý “chắc ăn” của người Việt. Người Việt thường không mấy mặn mà đầu tư cho ý tưởng, không quan tâm đến những dự án có khả năng kiếm lời trong tương lai mà thường chỉ mong muốn thu được lãi càng sớm càng tốt nên rất nhiều ý tưởng đã không được triển khai. Tôi đã được xem một phóng sự trong chuyên mục “Tạp chí kinh tế cuối năm: Thế giới phẳng hay không phẳng” và được biết tại Isarel, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền ra cho dự án của một đứa trẻ 12 tuổi miễn là họ đọc được trong bản kế hoạch kinh doanh đó những tiềm năng kinh tế, khả năng thành công. Thế nhưng tại Việt Nam điều này là không tưởng. Hiện tượng nhiều bạn trẻ Việt Nam sang Singapore khởi nghiệp thành công cũng có lý do từ điều này. Ngoài những điều kiện tự thân của các bạn trẻ thì ở Singapore, những quỹ đầu tư cũng nhiều và các nhà đầu tư luôn sẵn sàng đón nhận các ý tưởng khởi nghiệp của những người trẻ. Chính bản thân tôi cách đây hơn 10 năm cũng từng hăm hở viết dự án kinh doanh (siêu thị mini, suất ăn công nghiệp). Có điều sau khi viết xong đăng báo kêu gọi đầu tư không được vì chúng ta không có quỹ đầu tư mạo hiểm, không có niềm tin cho các ý tưởng sáng tạo. Chính tâm lý tiền là to nhất và không mặn mà với ý tưởng nên thất bại. Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |