Hy Lạp "miễn cưỡng" mở lại TTCK với nhiều hạn chế
Hy Lạp "miễn cưỡng" mở lại thị trường chứng khoán với nhiều hạn chế vào ngày 3.8 sau hơn một tháng đóng cửa vì khủng hoảng tài chính.
Lần mở cửa này sẽ có một số hạn chế đối với các nhà đầu tư trong nước nhằm ngăn chặn tiền tràn ra khỏi hệ thống ngân hàng, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết. Theo đó, Hy Lạp đã ‘miễn cưỡng’ mở lại thị trường chứng khoán với nhiều hạn chế.
Ảnh: CNN
Các nhà đầu tư trong nước chỉ được mua cổ phiếu với số tiền mặt nắm giữ hiện tại và sẽ không thể rút tiền trong các tài khoản ngân hàng ở Hy Lạp của họ.
Ngân hàng Hy Lạp hiện đang rơi vào tình trạng “chảy máu” tiền mặt với một tốc độ nhanh chóng mặt do nỗi lo sợ rằng cuộc khủng hoảng nợ sẽ khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.
Thêm vào đó, lệnh kiểm soát vốn vẫn được đưa ra từ ngày 29.6, bao gồm cả việc đóng cửa các ngân hàng và thị trường tài chính, việc rút tiền ở máy ATM vẫn được giới hạn 60 euro/ngày.
Các ngân hàng Hy Lạp đã mở cửa trở lại vào ngày 20.7 sau khi châu Âu đồng ý về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp, tuy nhiên việc rút tiền vẫn được hạn chế 420 euro/ tuần.
Tuy nhiên, trong những hạn chế cứng nhắc này, ở đó vẫn có một số lệnh kiểm soát vốn được nới lỏng, do đó các công ty Hy Lạp vẫn có thể thực hiện thanh toán ra nước ngoài.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất ở Hy Lạp đã giảm mạnh trước khi thị trường chứng khoán đóng cửa. Cụ thể, Ngân hàng Piraeus (BPIRF) đã mất 57% trong năm nay, trong khi Ngân hàng Alpha (ALBKF) đã giảm 29%. Chỉ số sàn Athens đã giảm 32% trong vòng 12 tháng qua.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thông qua việc mở lại các sàn chứng khoán Hy Lạp. ECB hiện không kiểm soát thị trường chứng khoán của quốc gia này, tuy nhiên quan điểm của họ là rất quan trọng vì ngân hàng này sẽ là nguồn bơm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng Hy Lạp.
Hy Lạp đã bắt đầu đàm phán chi tiết về gói cứu trợ thứ 3 với các chủ nợ quốc tế trong tuần này.
Trong gói cứu trợ lần này, IMF khẳng định sẽ chỉ tham gia chương trình cứu trợ tài chính một cách toàn diện cho Hy Lạp khi nước này chắc chắn thực hiện cải cách kinh tế, còn các đối tác châu Âu phải xóa một phần nợ cho Athens.
Theo các quan chức cấp cao của IMF, để đảm bảo sự ổn định về trung hạn, thì cả Hy Lạp và các chủ nợ cần phải đưa ra được những quyết định khó khăn.
Gói cứu trợ thứ 3 của Hy Lạp trị giá 86 tỷ euro. Trước đó, châu Âu đã đưa cho Hy Lạp một khoản tiền vay tạm thời trị giá 7 tỷ euro để quốc gia này thanh toán cho ECB và IMF.
Tuy nhiên, Hy Lạp hiện vẫn phải đối mặt với một số nợ lớn tiếp theo với ECB, sẽ đáo hạn vào ngày 20.8