Đừng để vàng “nằm chết” trong dân
Việc hàng trăm tấn vàng đang được người dân cất giữ không đưa vào lưu thông là sự lãng phí lớn, do đó cần có phương án huy động nguồn lực này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Theo chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long, đề án huy động vàng trong dân từng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dù Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu. Lúc này, NHNN cần nhanh chóng nghiên cứu tiếp đề án trên để không lãng phí nguồn lực lớn đang có sẵn.
17- 21 tỉ USD đang “nằm không”
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu triển khai giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH
Từ giữa năm 2011, thời điểm các NH thương mại “nhận lệnh” ngừng huy động và cho vay vàng, người dân phần lớn đem vàng về nhà cất. Từ đó đến nay, rất nhiều ý kiến đề nghị nên sớm nghiên cứu huy động trở lại nguồn lực này để đưa vào lưu thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của NHNN và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện có khoảng 300-500 tấn vàng đang được người dân cất giữ. Nếu tính giá vàng ở mức 35,2 triệu đồng/lượng thì có khoảng 17- 21 tỉ USD đang “nằm không”.
“Rất nhiều lần hiệp hội kiến nghị cần có phương án huy động vàng trong dân nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng. Thực tế, giá vàng trong nước vẫn không về sát giá thế giới (chênh lệch hiện khoảng 4 triệu đồng/lượng) nhưng người dân vẫn nắm giữ vàng. Mua vàng xong đem về nhà cất thì không tốt cho nền kinh tế” - ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nói.
Lần này, Chính phủ tiếp tục đề cập việc huy động vàng trong dân cho thấy Chính phủ rất muốn đưa nguồn lực này vào nền kinh tế. TS Ngô Trí Long cho rằng con số 300- 500 tấn vàng trong dân là khá chính xác. Việt Nam không sản xuất được vàng nên phần lớn phải nhập khẩu, chỉ cần tính toán số lượng nhập khẩu vàng qua các thời kỳ sẽ ước lượng vàng trong dân là bao nhiêu. Chỉ tính riêng thời điểm năm 2013, NHNN đã tung ra thị trường gần 70 tấn vàng qua các phiên đấu thầu.
Còn theo ông Trương Đình Long, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), dù giá vàng liên tục giảm mấy năm qua và rời xa mốc 49 triệu đồng/lượng lập vào năm 2011 nhưng tâm lý và thói quen của người Việt vẫn rất chuộng và muốn giữ vàng như một tài sản bảo toàn vốn.
“Có điều số vàng này nằm trong nhà dân mà không chảy vào hệ thống NH nên không sinh lời, trong khi nhà nước lại không tận dụng được nguồn vốn này. Nay có thể nghiên cứu cho tổ chức tín dụng huy động vàng trở lại và kiểm soát dòng vốn từ vàng chặt chẽ hơn” - ông Trương Đình Long đề xuất.
“Chân rết” là ngân hàng thương mại?
Rất nhiều phương án huy động vàng được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và NH thương mại đề xuất trong vài năm qua. Ví dụ, mở sàn vàng quốc gia tạo ra chợ giao dịch tập trung cho người dân tự do buôn bán để giá vàng trong nước liên thông theo giá quốc tế, nhà nước chỉ quản lý thông qua thuế xuất nhập khẩu. Vấn đề khó là triển khai ra sao?
Ông Nguyễn Thành Long nhìn nhận quản lý vàng không đơn giản vì nó liên quan đến chất lượng, hàm lượng, cần bộ máy quản lý khi huy động vàng… nên có thể NHNN do dự, chưa dứt khoát.
“Dù không phải thủ phạm chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô nhưng giá vàng lên xuống theo giá thế giới nên thường là ẩn số khó đoán. Tuy nhiên hiện NHNN đã hạn chế và triệt tiêu nhiều yếu tố bất ổn như chỉ sản xuất vàng miếng SJC; kinh tế vĩ mô cũng ổn định thì không có lý do gì chần chừ việc huy động vàng trở lại” - ông Nguyễn Thành Long nói.
Một phương án theo ông chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam là NHNN có thể giao cho NH thương mại đứng ra huy động, giống như “chân rết” của NHNN, bản thân NH thương mại sẽ biết cách kinh doanh không để thiệt hại và phải tạo lợi nhuận như một mảng kinh doanh chính. Khi đó, NHNN có thể quản lý bằng các quy chế rõ ràng giúp dòng tiền lưu chuyển từ vàng.
Cùng quan điểm, ông Trương Đình Long cho rằng nếu cho các NH thương mại được huy động vàng trở lại thì có thể dùng một phần để chuyển đổi thành tiền đồng phục vụ cho vay vốn sản xuất kinh doanh. Quan trọng là cơ chế kiểm soát để dòng vốn này chảy đúng mục đích, tránh các kênh đầu cơ gây méo mó thị trường tiền tệ.
Ngoài ra, khi xem vàng là một sản phẩm tiền tệ, giống như huy động VNĐ, USD, người dân sẽ có sự lựa chọn giữa việc gửi vàng hay VNĐ để hưởng lãi suất. Người gửi vàng cũng không cần phải nhận lại đúng miếng vàng mình đã gửi (đúng số xê-ri) và họ có thể cân nhắc bán vàng đang gửi nếu thấy giá tốt.