Chuyện nhà băng: "Yêu" là cưới!
Sáp nhập ngân hàng bắt đầu tăng tốc nhanh, từ nay đến hết mùa đại hội cổ đông năm 2015, hứa hẹn dồn dập thông tin “dạm hỏi” và chuẩn bị “hôn lễ” của nhiều ngân hàng.
Nhìn lại, câu chuyện sáp nhập ngân hàng bắt đầu nóng lên khi Sacombank công bố thông tin sẽ nhập SouthernBank vào Sacombank vào ĐHCĐ hồi tháng 3 vừa qua. Tiếp đến là thông tin Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông sáp nhập vào Maritime Bank. Mới đây nhất, MB cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập 1 ngân hàng có điều kiện phù hợp với tình hình của MB. Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng nhận định Vietcombank (có thể cũng sẽ nhận 1 NHTM nhỏ khác về chung mái nhà của mình. Mà cụ thể ở đây, Vietcombank sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một ngân hàng khác trong ĐHCĐ sắp tới, vào ngày 23/4.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, Vietcombank đang xem xét cho thương vụ M&A này và chưa cho biết danh tính của ngân hàng nào sẽ sáp nhập. Việc NamABank sẽ về một nhà với EximBank dường như cũng chỉ còn được tính bằng vấn đề thời gian dù không chắc diễn biến này sẽ chốt vào năm nay. Đương rục rịch còn có ABBank với ông anh trầm tính ĐôngABank.
Đến giờ này, những cặp đôi đã xong phần dạm hỏi và chỉ còn chờ ngày về chung sống đầu tiên phải kể đó là PGBank về với VietinBank, MHB về với BIDV, SouthernBank về với SacomBank... Về sính lễ, dù không phải to tát gì nhưng ai cũng có thể thấy, hồi môn lớn nhất mà các ngân hàng nhỏ này cơ bản đem về đó chính là hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch, đi kèm mở rộng thị phần vào các lĩnh vực bán lẻ hứa hẹn hấp dẫn như: PGBank với cổ đông khủng là Petrolimex đi kèm miếng bánh 6.000 cửa hàng xăng dầu bán lẻ; hay MHB với hệ thống đầu tư bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long. Còn về tỷ lệ cổ phiếu chuyển đổi, việc ăn 1:1/cổ phiếu của MHB với BIDV hay 0,9 : 1/cổ phiếu của VietinBank so với PGBank xem ra chỉ là “bước đi” kỹ thuật hơn là mang tính ai hơn, ai thiệt.
Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, thì đến cuối năm 2015, chương trình Tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam có thể hoàn tất. Số NHTM từ 45 sẽ xuống còn trên dưới 20 ngân hàng. Trong bối cảnh hiện tại, giải pháp này là tối ưu nhất để giảm thiểu số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém và ngành ngân hàng cũng có thể nhanh chóng giải quyết được khó khăn về thanh khoản, xử lý nợ xấu. Âu cũng mừng, thôi thì “yêu” hay không “yêu”, các ngân hàng đã đến lúc cùng quyết tâm phải cưới. Về chung sống một nhà, hy vọng sớm “khéo nằm thì no, khéo co khắc ấm”!