Vừa ăn vừa chơi: Rất nguy!
Cho trẻ vừa ăn vừa chơi đùa thoạt trông có vẻ thuận lợi cho các bà mẹ hay người giữ trẻ nhưng lại dễ dẫn đến những tai nạn nguy hiểm
Trẻ nên được hướng dẫn ngồi vào bàn ăn và tập trung cho bữa ănẢnh: TẤN THẠNH
Khi con trai tròn 2 tuổi, chị Ng.T.M (32 tuổi), từ chỗ bị tác động bởi một người hàng xóm, luôn cho rằng con gầy quá mặc dù lúc đó bé đã nặng 13 kg, tức vượt “chuẩn” 12,2 kg dành cho bé 2 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới. “Chiến dịch” tăng cân cho bé bắt đầu. Bé bị ép ăn nên đâm ra biếng ăn. Vậy là chị bắt đầu dùng phim hoạt hình, đồ chơi, thậm chí cho bé vừa ăn vừa chạy nhảy để dễ bề dỗ dành.
Trong một lần vừa ăn vừa chạy loanh quanh trong sân, bé bị sặc, một mẩu thức ăn lọt vào khí quản. Rất may khí quản chưa bị che lấp hoàn toàn nên các bác sĩ (BS) đã kịp cứu cháu khi gia đình đưa vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP HCM).
Đủ kiểu tai nạn
Sau lần khiếp vía ấy, chị mới chịu nghe lời một người bạn (là BS nhi khoa đang làm việc tại Nhật Bản), cho cháu bé ngồi vào bàn, chủ động ăn và ăn theo khẩu phần chứ không cố ép con vượt chuẩn cân nặng để có thân hình tròn trĩnh, dễ thương như nhiều người vẫn thích nữa.
“Lúc nhập viện, BS trách chúng tôi sao lại cho con ăn mà để cháu chạy lung tung như thế. Nhớ hồi xưa, ba mẹ tôi có nhiều con, vào giờ ăn, tất cả phải ngồi vào bàn, không chạy lộn xộn, cũng không được nói chuyện khi ăn. Làm vậy hóa ra lại khoa học” - chị chia sẻ trên mạng xã hội.
Mới đây, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng tiếp nhận một ca khá hy hữu: bé gái T.T.N.A (9 tuổi; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) bị đũa đâm xuyên lưỡi, thủng sàn họng, ra tới tận ngoài da. Nguyên nhân là bé cầm chén cơm ra sân chơi, vừa ăn vừa coi đá banh, không may va chạm với một thiếu niên trong nhóm đá banh và đôi đũa bé đang ngậm đã đâm thẳng vào lưỡi. May mắn dị vật không gây tổn thương mạch máu, thần kinh và cháu bé đã sớm hồi phục sau ca mổ.
Theo BS Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, hầu như tháng nào khoa cũng tiếp nhận vài ca như thế. Trường hợp nặng như bé A. thì ít nhưng bị trợt, thủng cổ cái cứng, cổ cái mềm (khu vực vòm họng), rách amiđan, rách lưỡi… thì nhiều. Các tình huống như bé A. gặp phải nếu không may tổn thương động mạch, thần kinh thì nguy cơ đe dọa tính mạng hay bị liệt, méo mặt… là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ăn cũng cần tập trung
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết ông gặp khá nhiều ca trẻ phải nhập viện vì sặc, nghẹn thức ăn, nguy hiểm nhất là các loại hạt chui vào đường thở của bé như hạt nhãn, đậu phộng, hạt dưa…
“Thường một người khi đang nuốt thì sẽ không thở, khi thở thì sẽ không nuốt; khi ăn, thức ăn sẽ đi vào thực quản thay vì khí quản là nhờ sự phối hợp phản xạ nuốt - thở này. Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phản xạ nuốt - thở chưa hoàn thiện, do đó dễ bị sặc, nghẹn hơn người lớn. Nếu trẻ đang ăn mà “mất tập trung” do chơi đùa, nguy cơ này càng cao” - ông cảnh báo.
BS Vũ Hải Long, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Nhân dân 115, phân tích một hiện tượng khác mà trẻ em hay người lớn đều có thể gặp nếu “mất tập trung” khi ăn uống, đó là sự rối loạn đồng vận các cơ nuốt. Cụ thể, khi làm nhiều việc cùng lúc, sự chi phối thần kinh bởi các “quyết định dang dở” của vỏ não sẽ khiến các phản xạ bị rối loạn. Ví dụ, cơ trong miệng phải làm nhiệm vụ nhai, nuốt thì lại bị sử dụng sang mục đích khác khi công việc chính chưa kịp hoàn tất và sự đan xen, rối loạn này dễ dẫn đến sặc, nghẹn thức ăn. Vì vậy, vừa ăn vừa nói vừa chơi… không phải là phương án hay để giúp trẻ hoàn tất bữa ăn.
Cấp cứu đúng khi bị ngạt Trong nhiều trường hợp, khi bị sặc, nghẹn thì thức ăn - đặc biệt là các loại hạt - có thể đi vào khí quản và chặn đường thở của bé. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, nếu trẻ còn khóc, la được nghĩa là đường thở chưa bị chặn hoàn toàn nên gấp rút đưa bé đi cấp cứu. Nếu trẻ thực sự ngạt hoàn toàn, ngưng thở, tím tái thì phải sơ cứu ngay. Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, để trẻ nằm sấp trên cẳng tay và tựa lên đùi, vỗ lưng đủ mạnh 5 cái vào giữa 2 xương bả vai rồi lật ngược lại vỗ vào nửa dưới xương ức 5 cái. Nếu làm từ 6-10 chu kỳ (đợt) mà bé vẫn ngạt thì nên ép tim, thổi ngạt giống với sơ cứu người ngưng tim, ngưng thở. Trẻ lớn hơn thì dùng động tác ấn bụng thượng vị bằng nắm đấm, ấn từ dưới kéo lên trên 5 cái liền. Làm 6-10 chu kỳ mà trẻ vẫn chưa khóc được thì cũng ép tim, thổi ngạt để hồi sinh tim, phổi. |