Việt Nam có thể chế tạo vắcxin thế hệ mới!
Sau sự cố ba trẻ tử vong sau chích ngừa vắcxin viêm gan B tại Quảng Trị, TS Nguyễn Đức Thái đã tâm huyết nêu ra sự cần thiết Việt Nam cần sản xuất vắcxin thế hệ mới thay cho các loại vắcxin thế hệ cũ.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông nói: “Đã đến lúc Việt Nam tiến đến việc sản xuất những sản phẩm vắcxin an toàn hơn mà tiêu biểu là công nghệ vắcxin VLP (virus like particle: VLP) đang là hướng đi mới trên thế giới”.
Thưa ông, vì sao là VLP mà không phải là một công nghệ khác?
Trong công nghệ này, người ta nhân bản (cloning) một số trình tự gen quan trọng của virút để tạo protein tái tổ hợp cho vắcxin, nên tiến trình làm kháng nguyên nhanh và đơn giản. Điểm độc đáo của protein kháng nguyên này là chúng có hình dạng giống một virút nhưng lại không có nhân như các virút dùng trong vắcxin cổ điển. Do không còn nhân (yếu tố di truyền DNA/RNA) của virút, nên vắcxin VLP có tính an toàn cao vì nó gây miễn dịch nhưng không còn tiềm ẩn khả năng lây truyền hay đột biến. VLP có cấu trúc kháng nguyên đặc hiệu và đơn giản hơn so với virút gây bệnh, nên giảm thiểu những kích hoạt miễn dịch không cần thiết có thể dẫn đến nguy cơ cho người được tiêm chủng.
Ngoài ra, vắcxin VLP không dùng trứng để sản xuất như phương pháp cổ điển, vì trứng có thể bị nhiễm và gây dị ứng. Vắcxin VLP thường cũng không cần dùng tá dược hoặc dùng tá dược đặc hiệu nên giảm tối thiểu phản ứng viêm. Vắcxin VLP có thể được tạo ra trong thời gian hai tháng hoặc ngắn hơn, thay vì sáu tháng hay một năm như vắcxin cổ điển. Ưu điểm này rất cần để đáp ứng kịp thời nhu cầu vắcxin trong trường hợp dịch bệnh bùng phát hoặc có sự biến đổi gen rất nhanh của virút. Cần lưu ý đây là thời gian tạo kháng nguyên ở phòng thí nghiệm, các giai đoạn làm thuốc tiêm chủng và thử nghiệm lâm sàng vẫn cần theo tiêu chuẩn quy định, và một khi đã đươc hoàn chỉnh thì có thể ứng dụng nhanh để sản xuất vắcxin. Cuối cùng, vắcxin VLP có giá thành sản xuất thấp, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta…
Kiểm nghiệm vắcxin trong phòng thí nghiệm ở Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (bộ Y tế). Ảnh: TTXVN.
Nhưng có ý kiến cho rằng nghiên cứu vắcxin VLP rất tốn kém và đó là công nghệ rất mới so với Việt Nam?
Cần biết rằng thống kê chi phí nghiên cứu ở nước ngoài thường rất cao vì được tính toán tỉ mỉ. Trường hợp ở Việt nam, chúng ta chỉ chú tâm vào ứng dụng tức làm phần ngọn, nên không gồm các tổn phí chi tiết và lớn lao. Ví dụ, một người bạn của tôi về nước lập hãng, mướn 50 chuyên viên trong nuớc làm việc, nhưng tổng số lương của những người này chỉ bằng lương của 1 – 2 kỹ thuật viên bên Mỹ! Chúng ta không nên quá lo lắng về những con số lý thuyết để đánh mất đi nhiều cơ hội khai thác những tiềm năng khoa học lớn lao ở trong nước. Tôi được biết, riêng TP.HCM hàng năm tốt nghiệp gần 1.000 cử nhân công nghệ sinh học và cũng không thiếu các nhà khoa học trẻ rất hăng say và nhiệt huyết. Hãy nhìn thực tế từ Cuba, một đất nước nghèo hơn chúng ta nhiều, nhưng họ đã làm ra được những vắcxin tầm cỡ thế giới. Điển hình cách đây hai năm, Cuba đã nghiên cứu thành công vắcxin chống ung thư phổi (CIMAVAX-EGF).
Đừng nói cái đó đắt quá hay khó quá chúng ta không làm được. Hiện nay, các tiến bộ của công nghệ sinh học đang rất nhanh và cung cấp cho chúng ta nhiều cơ hội cũng như phương tiện tham gia và khai triển để ứng dụng cho y tế đất nước. Chẳng hạn để hoàn tất việc giải mã bộ gen người vào năm 2001, thế giới đã cần đến 3 tỉ USD và năm quốc gia hợp lại thực hiện trong vòng mười năm. Bây giờ công việc này chỉ tốn dưới 10.000 USD và mất hai tuần lễ. Người ta tiên đoán, trong vài năm nữa việc giải mã bộ gen một bệnh nhân chỉ còn mất 100 – 500 USD và 24 giờ để có thể tiên liệu các bệnh lý của người đó!
Từ thành công của Cuba, chúng ta có thể rút ra được bài học nào cho Việt Nam?
Đó là bài học về định hướng, tổ chức và nỗ lực. Như chúng ta biết Cuba bị Hoa Kỳ cấm vận, vì thế trong y tế, chính phủ nước này phải tìm kiếm những công nghệ để không phụ thuộc vào nước ngoài. Họ đã nhận ra giá trị của công nghệ sinh học từ rất sớm và phát triển mạnh lĩnh vực này.
Năm 1960, Chính phủ Cuba gửi sáu người ra nước ngoài học tập, dù họ đã không được đến những nước phương Tây tiên tiến như Hoa Kỳ. Khi về nước, những người này đã quyết tâm xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ sinh học và đã tạo nên giá trị nền tảng cho khoa học và y tế Cuba ngày nay, trong đó có công nghệ vắcxin. Việt Nam cần định hướng và đào tạo một đội ngũ khoa học có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm về các nghiên cứu miễn dịch học hiện đại. Trên thực tế, sự cố vẫn có thể xảy ra cho vắcxin thế hệ mới, nhưng độ nguy hiểm sẽ thấp hơn và với kiến thức tiêu chuẩn chúng ta sẽ giải quyết và cải tiến tốt đẹp cho các vắcxin khi sự cố xảy ra.
Người đầu tiên tìm ra gen gây bệnh tăng nhãn áp Sau khi tốt nghiệp đại học dược ở Việt Nam năm 1972, TS Nguyễn Đức Thái theo chương trình cao học và nghiên cứu ở đại học UCSF Hoa Kỳ về lĩnh vực công nghệ sinh học. Ông là người tìm ra gen đầu tiên gây bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), được đặt tên là gen TIGR công bố năm 1997; glaucoma là nguyên nhân chính gây bệnh mù loà cho khoảng 70 triệu người trên thế giới. Thành quả này đã được công bố rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế và hiện nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới tiếp tục khai triển. TS Thái cũng được coi là một trong những người đầu tiên mang công nghệ chẩn đoán gen cho Việt Nam trong thập niên 1990. Chọn trở về Việt Nam năm 2010, nỗ lực của TS Thái là dùng những kinh nghiệm khoa học và chiến lược nghiên cứu đã giúp ông thành công ở nước ngoài, để chia sẻ với đội ngũ khoa học trẻ ở Việt Nam, và để giúp phát triển công nghệ gen cho các vấn đề y tế trong nước. |