Vì sao ăn xôi nhà làm lại bị suy đa tạng, suy hô hấp, tan máu?

BVĐK tỉnh Lạng Sơn vừa cấp cứu cho 3 bệnh nhân có biểu hiện tan máu do ngộ độc sau ăn nấm và xôi. Trong đó có một bệnh nhân trẻ tuổi ngộ độc rất nặng do ăn xôi màu tím tự làm. Vậy món xôi tím đặc sản vùng cao này có phải là nguyên nhân gây ngộ độc không?

Để làm rõ về nguyên nhân, cách xử trí và phòng tránh ngộ độc, phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với BS. Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn về những trường hợp này.

1. Nguy kịch vì bị tan máu do ngộ độc thức ăn

BS. Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn

BS. Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn

Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn gốc là: Hoàng Văn H, 45 tuổi (do ăn nấm không rõ nguồn gốc); 2 mẹ con chị Lộc Thị C, 49 tuổi và Hoàng Văn X, 27 tuổi, dân tộc Nùng ở xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng (do ăn xôi màu tím tự làm tại nhà). Biểu hiện chung của cả 3 bệnh nhân khi nhập viện đều xuất hiện vàng mắt, vàng da toàn thân, nước tiểu đỏ sẫm…

Đặc biệt là trường hợp bệnh nhân nam trẻ tuổi, là người con trong gia đình sau khi ăn xôi tím có biểu hiện rất nặng: suy đa tạng, suy hô hấp nhanh, phân áp oxy trong máu ngoại vi giảm nặng… được chẩn đoán tan máu do ngộ độc thức ăn - methemoglobin.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, BS. Nguyễn Thành Đô - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn cho biết, nguyên nhân ban đầu do gia đình chị C. thấy một loại cây cỏ ở Trung Quốc có màu đẹp nên mang về nhà ép lấy nước để ngâm gạo làm màu cho món xôi tím. Loại cây cỏ không rõ nguồn gốc này có thể chứa độc tính và là nguyên nhân gây ngộ độc nặng dẫn đến biểu hiện tan máu ở các bệnh nhân.

Theo BS. Nguyễn Thành Đô, tan máu là sự phá hủy các tế bào hồng cầu do nhiều nguyên nhân gây ra. Các tế bào hồng cầu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong máu. Chúng mang oxy từ phổi của đến các mô khắp cơ thể, cơ thể sử dụng oxy này để tạo ra năng lượng cần thiết để thực hiện các chức năng thiết yếu. Các tế bào hồng cầu cũng mang carbon dioxide từ các mô của trở lại phổi để thực hiện thải ra bên ngoài, đảm bảo sự cân bằng trong cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tan máu như khiếm huyết hệ thống miễn dịch, bệnh lý tự miễn, do thuốc, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm, hóa chất. Việc phát hiện sớm và chính xác tan máu giúp điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não và nội tạng dẫn đến tử vong.

Các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn.

Các bệnh nhân bị ngộ độc được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK Lạng Sơn.

2. Cần lưu ý gì khi chế biến và sử dụng nguyên liệu tạo màu thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc?

Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn và các bệnh liên quan đến thực phẩm, BS. Nguyễn Thành Đô khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt. Nên sử dụng thực phẩm còn tươi mới, không sử dụng đồ đông lạnh quá lâu. Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín, tránh để thức ăn bị hỏng, ôi thiu. Khâu chế biến thực phẩm đặc biệt quan trọng, đảm bảo chế biến đồ ăn kỹ, ăn chín uống sôi. Vệ sinh sạch sẽ nhà bếp và các dụng cụ nấu ăn.

Đối với việc chế biến và sử dụng nguyên liệu tạo màu thực phẩm trong nhân dân, BS. Nguyễn Thành Đô lưu ý: Với đặc thù địa hình, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc, Lạng Sơn có thảm thực vật dồi dào, nhiều loại cây, cỏ đa dạng về hình thái, tính chất, trong đó có một số loại thực vật có chứa độc tính. Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên dùng các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc hay các phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo để tạo màu thực phẩm.

Chất độc trong cây cỏ không rõ nguồn gốc chứa độc tính có thể gây ngộ độc từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong cho người ăn. Cách an toàn nhất là chỉ nên dùng các nguyên liệu liệu tự nhiên từ các loại thực vật đã biết rõ, được kiểm chứng an toàn như: gấc, cà chua, nghệ hay loại lá đã được sử dụng lâu đời như lá cẩm, đậu biếc để tạo màu cho món ăn.

Trong trường hợp không may ăn phải thực phẩm không an toàn mà có dấu hiệu ngộ độc người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, không nên chủ quan hay chậm trễ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Nguồn: [Link nguồn]

Lạng Sơn: Ngộ độc sau khi ăn xôi màu, 3 người cấp cứu

Chiều 8/8, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, vừa tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Ngộ độc thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN