Tự chữa phụ khoa: Tàn phá sức khỏe

Hạnh – 27 tuổi, nhân viên văn phòng, có tiền sử bị nấm phụ khoa từ thời chưa kết hôn. Cách đây hai tháng, Hạnh lại thấy vùng “kín” ngứa, kích thích, rát… Cô chủ động ra hiệu thuốc gần nhà mua về tự đặt... Cách tự chữa này đã khiến Hạnh rước họa vào thân.

Tự mình đoán bệnh
 
Mọi chuyện “êm ấm” cho đến khi Hạnh lấy chồng. “Bệnh không những không giảm mà còn nặng hơn, tần suất xuất hiện dày hơn, khiến mỗi lần gần chồng, em không thể tự tin nổi. Em lại đang mong có em bé nữa chứ!” – Hạnh tâm sự. Được sự tư vấn của bạn bè, Hạnh mạnh dạn đặt hẳn thuốc liều cao, thay vì một tháng 6 liều, cô đặt loại “1 viên yên tâm một tháng”.

Phụ nữ mang thai phải giữ gìn vệ sinh thật tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, thoáng, không rửa vùng kín bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao, nước muối, cẩn trọng khi dùng nước lá vì có thể làm thay đổi môi trường kháng khuẩn tự nhiên trong âm đạo, cũng không được làm sạch bằng cách thụt rửa sâu bên trong âm đạo.

Yên tâm chưa được bao lâu, 2 tuần sau đặt, Hạnh tá hỏa khi que thử thai hiện lên hai vạch hồng hồng. Quáng quàng, cô lên mạng, tìm “bác sĩ google” và suýt… ngất xỉu với thông tin: Không loại trừ khả năng con bị dị tật bẩm sinh do mẹ đặt thuốc liều cao chữa nấm phụ khoa.

Cũng “dở khóc dở cười” vì thói tự ý đặt thuốc chữa nấm phụ khoa, Kim Thanh (Gia Lâm, Hà Nội) đã rước họa vào mình. Thấy “vùng kín” bị ngứa và tiết dịch nhiều, Thanh suy luận, chẩn đoán ngay rằng mình bị viêm nhiễm âm đạo. Nghĩ cứ viêm thì đặt thuốc là khỏi nên chị Thanh tự mua thuốc về đặt. Được 2 ngày, chị phải vào viện cấp cứu vì “cô bé” sưng phồng, đỏ quạch, rát bỏng. Bác sĩ kết luận: Chị bị dị ứng do đặt thuốc sai liều, dẫn đến viêm âm đạo rất nặng.

Tự chữa phụ khoa: Tàn phá sức khỏe - 1

Nhiều người mang họa vì tự đặt thuốc chữa bệnh phụ khoa

“Các chị em có một lỗi sơ đẳng nhưng rất dễ gặp phải, đó là cứ thấy dịch ra nhiều, kèm khí hư, vậy là chắc mẩm mình bị nấm, bị viêm nhiễm” – bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế lao động Thái Hà) chia sẻ.

TS.BS CKII Trần Ngọc Hà, Phó Trưởng khoa Phụ sản, BV Phụ sản- Nhi Đà Nẵng cho hay: Một thói quen không hề tốt, thậm chí phản tác dụng lâu ngày là khi chúng ta không có bệnh vẫn thường xuyên chủ động uống kháng sinh khiến cơ thể quen đi và nhờn thuốc. Nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện chỉ vì tự ý đặt hoặc uống thuốc khi cơ thể ban đầu không có vấn đề gì! “Cái gì quá độ cũng nguy hiểm. Liều cao hay thấp thì phải căn cứ vào đúng bệnh. Rất nhiều chị em đến với chúng tôi cũng như trường hợp chị Kim Thanh trên đây. Rất may, các thuốc đặt chữa bệnh phụ khoa, bệnh nấm ở vùng “kín”, thành phần tác dụng tại chỗ là chính”- BS Kim Dung chia sẻ.

Theo BS Kim Dung, hàm lượng kháng sinh ở trong một viên đặt không cao, nó sẽ tự đào thải ra ngoài mà không hấp thu qua máu. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nó vô can với tất cả mọi người. Nhiều người đặt thuốc “vô tư” đến mức bị dị ứng sưng bỏng rát lên, không thể đứng, ngồi được, các bác sĩ đã phải chữa dứt điểm dị ứng trước khi chữa viêm nhiễm.

Cẩn trọng với các bài thuốc tự chế

Trên các diễn đàn thu hút đông đảo các bà mẹ, một số người vẫn truyền đạt cho nhau các biện pháp dân gian như rửa bằng nước chè xanh, lá trầu không, ăn tỏi… để chữa nấm phụ khoa. Theo BS Dung, ngày trước chúng ta không có thuốc, không có điều kiện chữa bệnh, bà con hay dùng nước lá chữa bệnh, nhưng phải cân nhắc thiệt – hơn với những trường hợp này.

Cụ thể, bác sĩ Dung cho biết: Với lá chè xanh, khi đun sôi lên, vitamin bị phân hủy. Thành phần chính của nước lá chè xanh hay trầu không là tanin, có tác dụng làm se niêm mạc tại chỗ, hút nước nên khiến người sử dụng thấy dễ chịu. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào xác nhận việc lá chè xanh có thể diệt khuẩn được. Bên cạnh đó, không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian đun nước chè xanh để vệ sinh vùng kín được.

Điều này nghiêm trọng hơn khi trong mùa hè, mùa nóng, đun nước chè xanh cho một bữa dùng một hoặc vài ngày thì lúc đó, chè xanh đã bị thiu, thành nước bẩn, nếu chị em “tiếc của” dùng nước này rửa là đã đưa một lượng vi khuẩn xấu vào người. Ngoài ra, nếu thụt rửa, ngâm mình vào trong lượng nước đó, niêm mạc âm đạo sẽ trở nên khô. Đối với nước muối, chúng ta chỉ cần ví dụ: Đi tắm biển, nếu không có nước ngọt tráng qua người, chúng ta đã cảm thấy da khô, rít khó chịu. Vì nước muối rất hút nước, nên với vùng da rất thoải mái như da tay da chân mà chúng ta đã cảm thấy khó chịu, huống hồ là vùng nhạy cảm như “em bé”. Riêng với việc ăn sữa chua thì hoàn toàn chính xác vì những vi khuẩn trong sữa chua là vi khuẩn có lợi, hoàn toàn tốt.

Các bác sĩ khuyến cáo, dù chưa có căn cứ chính xác, nghiên cứu khoa học hay thống kê tổng kết cho việc dùng thuốc đặt chữa nấm hay bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng điều đó không có nghĩa là xác suất ảnh hưởng bằng không. Do đó, lời khuyên cho các thai phụ là phải tầm soát thai nhi thật kỹ càng, chặt chẽ, đúng kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Từ tuần thứ 11 đến trước 14 tuần, thai phụ nên đi đo độ mờ da gáy để phát hiện các dị tật bẩm sinh. Nếu cẩn trọng hơn, thai phụ có thể xét nghiệm double test hay triple test.

Về mối liên hệ giữa việc thai phụ bị nấm phụ khoa và thai nhi, các bác sĩ cho rằng, thai phụ cần lựa chọn để điều trị vì con sinh ra rất dễ bị tưa lưỡi, nhiễm toàn bộ hệ thống đường tiêu hóa (vì nấm phụ khoa của mẹ cùng chủng với nấm tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh). Nấm là một bệnh khó chữa, càng về sau (nhất là khi đã có quan hệ tình dục hoặc có thai) thì càng dai dẳng, vì các chủng nấm trở nên kháng thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN