Trẻ nhỏ dễ mắc chứng gây cháy bệnh lý

Hứng thú và bị ám ảnh bởi lửa, người mắc chứng gây cháy bệnh lý có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh

Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TPHCM vừa giám định hình sự cho cháu bé tên N. (12 tuổi, học sinh một trường THCS tại quận Gò Vấp) bị truy tố về hành vi hủy hoại tài sản. Cuối buổi học, N. dùng quẹt gas đốt một số vật dụng trong lớp gây ra đám cháy.

Trước đó, nhà trường đã 2 lần lập biên bản cảnh cáo và mời phụ huynh vì N. có hành vi đốt giấy và các vật dụng dễ cháy khác trong lớp học. Các giám định viên xác định N. mắc chứng gây cháy bệnh lý, còn gọi là “xung động đốt nhà”.

Khó phát hiện

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần, kể: “Khi chúng tôi hỏi đến động cơ đốt, N. bảo tự nhiên có gì thôi thúc nên muốn đốt và còn cho biết rất thích thú, thấy thỏa mãn khi thực hiện hành động đó. N. sống thiếu tình thương do cha say xỉn suốt ngày, mẹ bận rộn với công việc. Khi nhà trường thông báo về những vụ cháy, cha mẹ N. cũng không quan tâm”.

Theo BS Quang, đây là một dạng rối loạn hành vi rất hiếm gặp và khó phát hiện, nhiều trường hợp đến lúc bị bắt giữ vì tội hủy hoại tài sản mới phát hiện bệnh. Một số trường hợp khiến người xung quanh hoang mang, mê tín dị đoan do người gây cháy bệnh lý che giấu hành vi gây cháy của mình. BS Quang cũng đưa ra nghi vấn hiện tượng “cô bé gây cháy” tên T. ở quận Tân Bình gây xôn xao dư luận vừa qua rất có thể là một trường hợp tương tự.

Trẻ nhỏ dễ mắc chứng gây cháy bệnh lý - 1

Nơi cháy tại nhà “cô bé gây cháy” ở quận Tân Bình - TPHCM

“Nhiều tình tiết như việc xác định cháy do chập điện, vật bị cháy nằm trong tầm tay T., các vụ cháy được phát hiện khi bé vừa rời đi, thường do cháu chủ động thông báo và không có người trực tiếp chứng kiến, khi sự việc đã được biết rộng rãi thì T. cũng hết gây cháy… cho thấy có thể cháu bị chứng gây cháy bệnh lý. Tổn thương cũ ở đầu do tai nạn giao thông của T. cũng là yếu tố nguy cơ. Qua một người quen, tôi đề nghị khám cho cháu nhưng không thấy người nhà liên hệ lại” - BS Quang nói.

Cần được quan tâm điều trị

Theo BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, gây cháy bệnh lý là rối loạn đặc trưng bởi các hành vi có khuynh hướng đa dạng nhằm vào lửa và việc đốt các đồ vật, đối tượng thuộc sở hữu chung mà không biểu hiện động cơ cụ thể. Người bệnh có mối bận tâm dai dẳng đến lửa và hỏa hoạn; trước khi đốt, họ thường thấy căng thẳng, cảm xúc gia tăng, có thể như bị mê hoặc, rất hứng thú.

Bệnh nhân gây cháy bệnh lý thường trẻ tuổi, thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc gặp phải những khúc mắc trong đời sống cá nhân. Sự phát triển tâm lý - xã hội của tuổi dậy thì đến một giai đoạn nào đó sẽ gặp các yếu tố thuận lợi, các sự kiện đóng vai trò chất xúc tác để rối loạn biểu hiện. Gây cháy bệnh lý nằm trong nhóm các rối loạn hành vi và xung động, rất khó phân biệt và dễ dẫn đến hành vi phạm tội nếu không được phát hiện kịp thời. Do vậy, với trẻ em trong giai đoạn biến đổi nhiều về tâm sinh lý, gia đình nên sớm đưa đến các chuyên gia tâm lý - tâm thần nếu có hành động và suy nghĩ bất thường.

Đỉnh rối loạn ở tuổi 13

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần TPHCM, gây cháy bệnh lý có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng “đỉnh” của rối loạn nằm ở tuổi 13. Bệnh nhân thường thích xem cháy nhà hay báo động cháy giả; không biểu hiện sự ăn năn và có thể bàng quan với hậu quả mất mát về tài sản và con người do hỏa hoạn; cảm thấy thỏa mãn với kết quả phá hoại và thích thú khi đọc những thông tin về hậu quả do mình gây ra. Họ thường để lại manh mối rõ ràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN