Trẻ chào đời tháng 5 dễ bệnh tật
Theo nghiên cứu mới nhất từ Anh, trẻ em sinh ra trong tháng 11 có nguy cơ mắc các bệnh về miễn dịch như bệnh đa xơ cứng (MS) rất thấp. Trong khi đó, ở trẻ chào đời vào tháng 5, nguy cơ này cao hơn tới 20%.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Queen Mary, London và Đại học Oxford, cho thấy sự phát triển của hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và lượng vitamin D thay đổi tùy thuộc vào tháng chào đời.
Hiện có khoảng 100.000 người Anh mắc chứng bệnh đa xơ cứng, căn bệnh hiện chưa có thuốc chữa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầm nhìn, sự chuyển động, sự cân bằng cảm xúc, sự điều tiết của bàng quang và cuối cùng có thể dẫn tới bệnh mất trí. Bệnh đa xơ cứng hình thành bởi yếu tố di truyền và môi trường sống.
Trẻ sinh tháng 5 có nguy cơ mắc bệnh về miễn dịch nhiều hơn trẻ sinh tháng 11. Ảnh: Daily Mail
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu lấy các mẫu máu dây rốn của 50 trẻ sơ sinh chào đời trong tháng 11 và 50 trẻ chào đời tháng 5 từ năm 2009 đến 2010 ở London. Máu được mang đi phân tích, đo lường mức độ vitamin D và lượng tế bào T - tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch của cơ thể, chúng xác định và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, chẳng hạn như virus.
Tuy nhiên, một số tế bào T tự phản ứng tấn công các tế bào khác trong cơ thể gây ra các bệnh tự miễn như đa xơ cứng. Vì vậy, cơ thể cần có đủ lượng vitamin D để tăng cường hệ miễn dịch, kiểm soát các tế bào này.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ sinh ra vào tháng 5, trải qua mùa đông lạnh lẽo trong bụng mẹ có mức vitamin D trong máu thấp hơn tới 20% so với những đứa bé chào đời tháng 11. Đồng thời, những đứa trẻ này cũng có mật độ tế bào T tự phản ứng gây hại gấp đôi so với trẻ sinh tháng 11 có thời gian ấm áp trong bụng mẹ.
Theo các nhà khoa học, vitamin D được hình thành khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, do đó, hiệu ứng “tháng chào đời” là bằng chứng rõ rệt về vai trò của vitiamin D trong việc ngăn chặn bệnh đa xơ cứng trong thời kỳ mang thai.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Sreeram Ramagopalan, giảng viên môn thần kinh học tại Trường Y khoa và Nha khoa London, cho biết: “Thời gian chào đời ảnh hưởng lớn đối với hệ phát triển miễn dịch của tử cung. Nghiên cứu là bằng chứng sinh học tiềm ẩn về mối liên hệ giữa thời gian chào đời và bệnh miễn dịch... Cần có một nghiên cứu dài hạn hơn để đánh giá hiệu quả của việc bổ sung vitamin D cho phụ nữ mang thai, tác động của hệ miễn dịch, rủi ro của bệnh đa xơ cứng và các bệnh tự miễn khác trong thời kỳ này”.