TP.HCM: Bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm
Theo giới chuyên môn, nếu được chăm sóc, điều trị ban đầu tốt khi mới phát bệnh, bệnh nhân có thể đã không tử vong.
Ngày 5/3, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP.HCM xảy ra ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm 2014. Đáng lưu ý, đây là ca mắc sốt xuất huyết trên người lớn.
Bệnh viện cho biết, nữ bệnh nhân M. (22 tuổi, ngụ tại P.4, Q.8, TP.HCM) nhập viện vào chiều 22/2 trong tình trạng lơ mơ, tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Bệnh viện phải dùng biện pháp hồi sinh tim, phổi tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân quá nặng, các nỗ lực cấp cứu không cải thiện, bệnh nhân mê sâu, sốc kéo dài, ngưng tim nhiều lần, tình trạng tuyệt vọng. Khi thấy bệnh nhân hấp hối, người nhà đã chủ động xin về vào đêm cùng ngày. Bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
Chẩn đoán sau cùng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ghi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, biến chứng sốc kéo dài, suy đa tạng, xuất huyết não.
Chuyển bệnh nhân như “chuyền banh”
Theo gia đình, chị M. đã đi khám bác sĩ tư khi sốt cao liên tục, ớn lạnh, ói mửa từ ngày 14/2. Đến ngày 19/2, bệnh nhân vẫn sốt, ói nên phải vào khám tại Bệnh viện quận 8 và được truyền dịch, cho toa thuốc. Tuy nhiên, 2 ngày sau, tình trạng bệnh không thuyên giảm.
Sang ngày 22/2, chị M. trở lại khám tại Bệnh viện quận 8. Tại đây, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân có dấu hiệu bất thường nên chị M. được hướng dẫn sang Bệnh viện quận 5 làm tiếp xét nghiệm. Bệnh viện quận 5 lại chỉ sang Bệnh viện Truyền máu - Huyết học. Tiếp đó bệnh nhân tự sang nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong sau đó.
Một lỗ hổng lớn trong ca sốt xuất huyết tử vong này, theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, đó là các cơ sở y tế tuyến dưới đã không tuân thủ công tác báo cáo, chẩn đoán, phác đồ điều trị và nguyên tắc chuyển viện trong điều trị sốt xuất huyết. Trong trường hợp chị M., các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân lúc ban đầu chỉ chuyển viện bằng miệng, không có bất cứ giấy tờ nào theo quy định. Bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khẳng định nếu chăm sóc, điều trị ban đầu tốt thì có thể bệnh nhân đã không tử vong.
Bệnh nhân không có bệnh lý tiền sử
Trả lời về việc này, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết, chưa thể có ý kiến về vấn đề điều trị. “Ban giám đốc Sở Y tế sẽ có cuộc họp kiểm điểm, đánh giá lại các quy trình từ lúc phát hiện, chẩn đoán, điều trị, chuyển viện trước khi đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới như thế nào với các đơn vị liên quan. Nhân đây, các bệnh viện cũng cần rút kinh nghiệm, nhắc nhở các khoa phòng chú ý về phác đồ, chẩn đoán trong điều trị sốt xuất huyết”, ông Hưng nói.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chị M. đã từng mổ thai ngoài tử cung cách đây hơn 1 năm và chưa phát hiện tiền sử bệnh lý nội ngoại khoa khác trước đây.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết, đã triển khai ngay các biện pháp xử lý dịch tại nơi cư trú ngay khi có thông tin ca tử vong vì sốt xuất huyết nói trên. Theo ông Dũng, trước khi phát bệnh, bệnh nhân có về quê ở An Giang, nơi đang có ổ dịch sốt xuất huyết. Khảo sát tại khu vực mà bệnh nhân sống tại Q.8 cho thấy mật độ muỗi, lăng quăng rất thấp.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã có 1.708 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 2013, trong đó, đã có ca tử vong. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết năm ngoái là 5 ca.