Tiếp tục gỡ vướng về bảo hiểm y tế
Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhanh chóng cải tiến những thủ tục rườm rà, đang “hành” người bệnh trong khám chữa bệnh bằng BHYT.
Bệnh viện (BV) dù là tuyến quận, huyện mà đã có giáo sư, thương hiệu BV tuyến dưới mà như vậy thì chẳng kém gì so với BV tuyến trung ương. Đây là nhận xét của đại diện Bộ Y tế tại buổi kiểm tra đánh giá quy trình khám chữa bệnh tại TP HCM ngày 19-8.
Khám bệnh BHYT chỉ còn 3-5 phút
Hai cơ sở được Bộ Y tế khảo sát là BV quận 2 và BV Cấp cứu Trưng Vương.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết trong thời gian vừa qua, BV cải tiến toàn diện, nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, tập trung vào các nội dung nâng cao y đức, thái độ phục vụ; chỉ dẫn đón tiếp, hướng dẫn cấp cứu; cải tạo môi trường, nâng cấp cơ sở vật chất; bảo đảm quyền, lợi ích người bệnh; quản lý chất lượng chuyên môn; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Cụ thể là có đội ngũ hướng dẫn viên, chăm sóc khách hàng; có biển báo tiếng Anh và tiếng Việt; phát số thứ tự tự động; cấp cứu ngoại viện; công khai quy trình khám bệnh, viện phí; tăng số bàn khám từ 20 bàn lên 30 bàn; lấy mẫu xét nghiệm gần khu khám và trả kết quả xét nghiệm tại phòng khám; người bệnh không phải sao CMND hoặc thẻ BHYT; bố trí khu vực tư vấn cho bệnh nhân tại mỗi khoa phòng; công khai thuốc, vật tư tiêu hao, các khoản chi cho bệnh nhân; đa dạng hình thức góp ý kiến như qua website, email, đường dây nóng; xây dựng quy trình giải quyết khiếu nại; khám bệnh được bố trí thứ tự theo từng đối tượng bệnh nhân như trẻ em, người già, sản phụ khoa, đặc biệt có đội thanh niên trợ giúp người già, người tàn tật…
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh khảo sát, đánh giá quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận 2, TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Dẫn ra những kết quả đạt được, bác sĩ Khanh cho rằng mỗi ngày tại đây tiếp nhận khám 1.300-1.400 lượt bệnh nhân thì 80%-90% thuộc diện BHYT. Trước đây, một bệnh nhân BHYT vào khám bệnh thì thủ tục hành chính khiến họ phải mất cả giờ nhưng nay thủ tục này chỉ còn 3-5 phút nhờ đã trang bị mã vạch nên rất nhanh, không còn tình trạng lộn xộn tên tuổi như trước. Nếu người bệnh khám lâm sàng đơn thuần chỉ trong vòng 1 giờ là xong; có thêm xét nghiệm thông thường thì từ 2-2,5 giờ; nếu có kèm theo xét nghiệm + chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thì trong vòng 3 giờ rưỡi đến 4 giờ là xong.
Các số liệu cho thấy BV đã nâng chất từng ngày, đáp ứng nhu cầu người bệnh. Từ năm 2011-2013 số giường thực kê của BV từ 70 tăng lên 220; công suất giường bệnh từ 49% tăng đến 90%; tổng số lượt khám chữa bệnh từ hơn 355.000 tăng gần 500.000... “Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ triển khai dịch vụ trả kết quả đến tận nhà cho người bệnh trong vòng bán kính 15 km, hướng tới sẽ khám ngoài giờ cho đối tượng là công chức, người lao động, học sinh - sinh viên” - bác sĩ Trần Văn Khanh nhấn mạnh.
Công khai viện phí
Về phía BV Cấp cứu Trưng Vương, bác sĩ Lê Thanh Chiến, giám đốc BV, cho biết đã có nhiều thay đổi. Nếu trước đây BV có 24 buồng khám bệnh thì nay là 28, góp phần giảm tải ở một số phòng khám chuyên khoa. Các thủ tục như kê đơn, phiếu chỉ định cận lâm sàng, giấy chuyển viện, bệnh án ngoại trú trước đây đều viết tay thì nay đã “vi tính hóa”. Nhiều cải tiến được triển khai thực hiện, đặc biệt là quy trình tiếp nhận, như khu tiếp đón có đủ ghế ngồi, thoáng mát; có nhân viên hướng dẫn đón tiếp; có treo bảng quy trình khám bệnh; công khai bảng giá viện phí... Thủ tục hành chính cũng đã được cải tiến như: Đăng ký khám bệnh qua tổng đài 1080 để giảm thời gian chờ đợi; thực hiện lấy và gọi số tự động để phục vụ bệnh nhân BHYT và không BHYT... Nhờ cải tiến mà thời gian chờ đợi trung bình của người bệnh khám lâm sàng giảm còn 1 giờ 4 phút; khám có làm thêm 1 xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng là 2 giờ 8 phút; khám lâm sàng có làm thêm 2 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng là 2 giờ 52 phút; khám có làm thêm 3 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng là 3 giờ 10 phút.
Kiến nghị hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới
Ông Cao Huy Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đánh giá khá cao những bước cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân của 2 BV, trong đó đặc biệt là sự thay đổi diện mạo của BV quận 2. Theo ông, mô hình tại đây rất thành công và dù là tuyến quận, huyện nhưng BV này đã có giáo sư. “Thương hiệu BV tuyến dưới mà như vậy thì chẳng kém gì so với BV tuyến trung ương” - ông Thái nói.
Dù các BV đã có những thay đổi nhưng hiện nay, thủ tục quy định của BHYT khiến không ít người bệnh và ngay cả thầy thuốc cũng đau đầu. Ông Cao Huy Thái đề nghị các đơn vị phải báo cáo các khó khăn (nếu có) lên Sở Y tế TP HCM và Bộ Y tế để tìm hướng giải quyết, hạn chế đến mức thấp nhất những phiền hà, đáp ứng nhu cầu và mang lại sự hài lòng cho người bệnh. “Sau chuyến khảo sát, chúng tôi sẽ có kiến nghị lên Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về những khó khăn mà BV đang gặp phải, đặc biệt là những thủ tục vẫn còn “hành” người bệnh trong việc khám chữa bệnh BHYT” - ông Thái nhấn mạnh.
10.000 cuộc gọi than phiền Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2014, bộ đã tiếp nhận gần 10.000 cuộc gọi nóng, trong đó 38% số cuộc gọi phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế; 26% phản ánh về quy trình chuyên môn; 13% phản ánh về các hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở y tế; 12% phản ánh về các vấn đề liên quan đến thủ tục viện phí. Kết quả xử lý tiêu cực: Đã cách chức 7 cán bộ lãnh đạo khoa; kỷ luật, khiển trách 119 người; cắt thi đua 15 người; điều chuyển vị trí công tác 3 người và cho nghỉ việc 1 người. |