Thuốc Việt chật vật tìm thị trường

Thống kê của ngành y tế cho thấy, trên thị trường dược phẩm VN, thuốc nội chỉ chiếm 50%. Trên thực tế, thuốc nội đến thời điểm này vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, khó vào được bệnh viện (BV) lớn, đặc biệt là các BV chuyên khoa

Bệnh nhân bỏ thuốc nội

Một thực tế đang tồn tại lâu nay trong lĩnh vực y tế tại VN chính là việc BS ngại kê toa thuốc nội cho bệnh nhân, bởi người tiêu dùng có tâm lý muốn mua thuốc ngoại. Lâu nay, chỉ cần có thông tin thuốc ngoại tăng giá là nhà thuốc và người bệnh lại lo... Nhà thuốc lo vì phải giải thích cho người bệnh mua thường xuyên tại sao tăng giá, còn người sử dụng lo vì phải mất thêm một khoản tiền. Điều đáng nói, nhiều loại thuốc đã được nhượng quyền sản xuất tại VN với hoạt chất tương đương, giá thành rẻ và chỉ khác tên gọi, tuy nhiên, để loại thuốc này đến tay người tiêu dùng quả thật không phải dễ.

Thuốc Việt chật vật tìm thị trường - 1

Lãnh đạo TPHCM đang kiểm tra DN tham gia bán thuốc Việt bình ổn giá.

Tại nhà thuốc trước cửa BV Nhi Đồng 2 trên đường Nguyễn Du (Q.1, TPHCM), một gia đình có bệnh nhi 2,5 tuổi, ở Bình Thạnh sau khi khám BS nhận định bị viêm hô hấp và kê toa: Augmentin 500 (kháng sinh) và Enterogemina (men vi sinh) với 5 ngày uống. Khi nhân viên bán thuốc đưa ra giá tiền Augmentin gần 20.000 đồng/gói và men vi sinh khoảng 8.000 đồng/ống với tổng cộng tiền thuốc gần 300.000 đồng/5 ngày thì người mua đành phải bấm bụng xin mua 2 ngày. Mặc dù không mang đủ tiền, nhưng khi người bán tư vấn chuyển sang thuốc nội với hoạt chất tương đương, giá thành rẻ hơn 3 lần thì nhận được cái lắc đầu của người mua.

Theo đại diện các nhà thuốc lớn như Eco, Long Châu, Mỹ Châu... trên đường Hai Bà Trưng (Q.3, TPHCM), lượng thuốc nội bán ra chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng số thuốc, chủ yếu là thuốc trị các bệnh thông thường. Còn thuốc đặc trị thì số thuốc nội chỉ đếm trên đầu ngón tay. BS Trần Thị Thu Loan - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 2 - cho biết: “Nhiều lúc khi BS cho toa thuốc, người nhà hỏi ngay: Thuốc nội hay thuốc ngoại”.
Càng lên tuyến trên, thuốc nội càng "teo tóp" dần.

BS Loan đã từng chứng kiến nhiều phụ huynh khi lấy thuốc điều dưỡng phát về bỏ lăn lóc trong hộc tủ và ra nhà thuốc bên ngoài mua thuốc ngoại có công thức tương đương. “Mặc dù các BS đã giải thích, các loại thuốc nội đã được BV cho bệnh nhân dùng nhiều năm nay có hiệu quả và không nhất thiết dùng thuốc ngoại, nhưng gia đình bệnh nhân vẫn không tin” - BS Thu Loan cho biết.

Ngay cả BS nhiều khi cũng không tự tin kê thuốc nội cho bệnh nhân. BS Trần Nguyên Hà -  Trưởng khoa Nội 4, BV Ung bướu TPHCM phân tích: Chúng tôi luôn muốn sử dụng thuốc sản xuất trong nước điều trị cho bệnh nhân. Nhưng khi kê toa, BS nào cũng rất quan tâm đến nguyên liệu sản xuất thuốc có nguồn từ đâu, thuốc có đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) hay không. Tôi biết có rất nhiều thuốc sản xuất trong nước mới chỉ có giấy phép đầy đủ, giấy tờ hợp lệ, việc thử tương đương sinh học để chứng minh chất lượng thuốc thì không có.

Trong khi đó, thuốc ngoại có rất nhiều tài liệu nghiên cứu giúp BS có thêm thông tin, kinh nghiệm sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Còn thuốc nội chỉ đơn thuần thông tin thuốc này trị bệnh này, thuốc kia trị bệnh kia nên chưa thuyết phục được BS kê toa. Chúng tôi cũng ít được biết thông tin về các Cty sản xuất thuốc trong nước, nhà máy sản xuất thuốc chất lượng thế nào, quy trình sản xuất ra sao, ứng dụng trên lâm sàng chưa...

Càng lên tuyến trên, thuốc nội càng "teo tóp"

Tại Hà Nội, trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, ở BV huyện Đông Anh, Quốc Oai, tỉ lệ thuốc nội là 60%, cá biệt BV huyện Đan Phượng sử dụng 100% thuốc nội. Tuy nhiên, tại BV Đống Đa – là BV hạng II của TP, thuốc nội chỉ còn 40%. Vì sao trong cùng hệ thống y tế công lập, càng lên BV tuyến trên, chuyên khoa thì tỉ lệ thuốc nội lại “tóp” đi?

Lãnh đạo một BV chuyên khoa thừa nhận rằng: Chất lượng thuốc là yếu tố quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân. Mặc dù hô hào sử dụng thuốc nội, nhưng các nhà sản xuất trong nước chưa chứng minh được tương đương sinh học với thuốc gốc là cùng một hoạt chất. Chẳng hạn, mỗi người chỉ có một đôi mắt, nếu dùng thuốc cứ nói là rẻ mà không chứng minh được tương đương sinh học thì  sử dụng vô cùng mạo hiểm.

Giả sử bệnh nhân có biến chứng, tai biến, mắt từ chỗ còn nhìn thấy mờ, sau khi phẫu thuật, dùng thuốc không thấy gì nữa, lúc ấy bệnh nhân đâm đơn kiện thì BV phải là người chịu trách nhiệm. Bệnh nhân không cần biết nhà sản xuất thuốc, chỉ biết BS đã kê đơn thuốc gì cho họ mà thôi.

Sự chênh lệch tỉ lệ thuốc nội trong các BV thể hiện rõ nét nhất qua dẫn chứng tại TPHCM. Theo Sở Y tế TPHCM, tổng giá trị tiền thuốc của các BV trên địa bàn TPHCM chiếm khoảng 20%  tổng lượng của cả nước. So với tổng chi phí của BV, tiền thuốc chiếm một tỉ lệ rất lớn (từ 60-70%). PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết: “Những năm gần đây, Sở Y tế TP ghi nhận việc kê đơn điều trị đã có nhiều biến chuyển theo xu hướng tích cực, dần dần đã có sự tin tưởng đối với thuốc trong nước với khoảng 50% tổng chi phí tiền thuốc là thuốc sản xuất trong nước; tỉ lệ này đang tăng dần từng năm. Đặc biệt, các BV quận, huyện, một số BV làm rất tốt, đạt 70-95%. Đối với các BV tuyến thành phố, các BV đa khoa, tỉ lệ này thấp hơn”.

Cụ thể, tại các BV chuyên khoa, tỉ lệ này thay đổi rõ rệt từ cao ở mức 30-40% cho đến thấp đặc biệt - chỉ khoảng 5% ở BV Mắt, BV Tim và BV Ung bướu. Con số trên cho thấy, BV tuyến dưới - do bị hạn chế danh mục thuốc nhập khẩu - nên tỉ lệ sử dụng thuốc nội cao, trong khi các BV tuyến trên - đặc biệt là BV chuyên khoa sâu - việc sử dụng các loại thuốc đặc trị rất lớn. Đây lại là điểm yếu của ngành dược trong nước.

TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược VN - cho biết: 70% tiền thuốc do người dân tự chi trả, vì thế, tác động tâm lý mua và sử dụng thuốc của người dân là yếu tố quyết định để thuốc trong nước phát triển. Trên thực tế, phần lớn người dân tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc, dưới sự chỉ dẫn của dược sĩ, kể cả thuốc kê đơn và không kê đơn. Vì thế, để thay đổi thói quen mua thuốc của người dân, còn phải tác động đến đội ngũ dược sĩ của các nhà thuốc này.    

NG.H

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Tuấn – Nguyễn Hằng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN