Thuốc thúc hoa quả chín độc hại đến đâu?

Thông tin việc cơ quan chức năng Hà Nội vừa phát hiện một số lượng lớn thuốc làm chín hoa quả ngoài danh mục khiến nhiều người tiêu dùng hết sức lo lắng. Điều đáng nói, mức độc hại của loại thuốc này đến đâu, ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người dân, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 22/10, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội cho biết, sau khi lực lượng Thanh tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện một lượng lớn thuốc thúc chín hoa quả ngoài danh mục, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các đại lý đang bày bán các loại thuốc này.

“Loại thuốc thúc chín trái cây vừa rồi cơ quan chức năng phát hiện là loại thuốc nhập lậu ngoài danh mục. Đây không phải là thuốc có chất kích thích sinh trưởng mà có tác dụng chuyển hóa tinh bột quả thành đường. Thuốc này về cơ bản “không độc hại”, nhưng ở Việt Nam nó nằm ngoài danh mục chưa được đăng ký, vì vậy về mặt pháp lý không được phép sử dụng trên hoa quả nên chúng tôi kiểm tra nếu phát hiện sẽ tịch thu và xử phạt”, ông Hồng nói.

Thuốc thúc hoa quả chín độc hại đến đâu? - 1

Người tiêu dùng hoang mang trước ma trận hóa chất thúc trái cây chín ép. ẢNH: Ngọc Châu - pv.

Trước đó ngày 7/10, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 (thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội) kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Dũng Hà (huyện Ba Vì) đã phát hiện một bao tải chứa 1.500 ống thuốc thúc chín hoa quả có nhãn mác chữ Trung Quốc. Chủ cửa hàng là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết số thuốc ép chín hoa quả này bà mua hộ, đang để chờ họ đến lấy.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội cũng cho rằng, việc các loại thuốc này có độc hại hay không hiện nay chưa có câu trả lời bởi chưa có sự đánh giá tác động. “Đánh giá tác động của loại thuốc này phải là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá và nghiên cứu. Còn chúng tôi chưa có khuyến cáo nào”, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội nói.

Thuốc thúc hoa quả chín độc hại đến đâu? - 2

Loại thuốc thúc hoa quả bị thu giữ. Ảnh: Nguyễn Tú.

Không gây nhiều tác hại 

Qua tìm hiểu được biết, trước đây việc bảo quản hay ủ dấm các loại hoa quả người dân thường dùng phương pháp truyền thống là đất đèn hoặc đốt hương. Tuy nhiên hiện nay, thuốc thúc chín được nhập lậu từ Trung Quốc bày bán khắp nơi, người dân dễ dàng mua với giá rất rẻ. Tại các đại lý thuốc bảo vệ thực vật này, người dân có thể dễ dàng tìm mua thuốc thúc chín với giá từ 1.500-2.000 đồng/lọ…

Đặc biệt trên bao bì của những loại thuốc nhập lậu từ Trung Quốc này có cả chữ tiếng Việt. Chẳng hạn trên bao bì của loại thuốc thúc chín trái cây vừa được phát hiện tại huyện Ba Vì có in nhãn mác phụ ghi rõ: “Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da”.

Hướng dẫn sử dụng nêu rõ, pha một ống thuốc với 4-5 lít nước rồi phun hoặc nhúng trái cây vào, trái cây sẽ chín đều, đẹp”. Thuốc được dùng với nhiều loại trái cây như mít, hồng, chuối, đu đủ, lê, cam, cà chua… Hiện nay, người ta không chỉ dùng hóa chất thúc chín chuối, đu đủ mà còn áp dụng với cả mít non, nhãn lồng, hồng xiêm, bưởi, cam, lê, táo, xoài, sầu riêng…

Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện đang tổng hợp các chất điều hòa sinh trưởng, và chất bảo quản với nông sản. Về hoạt chất ethenol, dùng để thúc chín trái cây, một số doanh nghiệp không đăng ký với Cục, nên không có chỉ dẫn cụ thể trên bao bì, nhãn mác.

“Cục đã giao cho các phòng kiểm nghiệm phân tích sâu về ethenol. Đây là chất có tinh thể màu trắng, rắn, hòa tan tốt, là chất diệt côn trùng, không gây ung thư, với giới hạn cho phép. Do vậy, về bản chất ethenol gây nguy hại với sức khỏe con người không cao, mặc dù chưa được đăng ký”, ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Lãnh đạo Cục BVTV cũng cho biết, trên thế giới đang cho phép sử dụng các hoạt chất an toàn để xử lý hoa quả sau thu hoạch nông sản. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra danh mục chất điều hòa sinh trưởng chất bảo quản được phép sử dụng, từ đó, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu, khảo nghiệm nhanh, rồi đưa vào sử dụng.

Trên bao bì của loại thuốc thúc chín trái cây vừa được phát hiện tại huyện Ba Vì có in nhãn mác phụ ghi rõ: “Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN