Thuốc diệt cỏ Paraquat: Uống là chết

Nạn nhân ngộ độc hoặc uống Paraquat tự tử ngày càng nhiều, 95% trong số đó tử vong. Dù đã bị cấm sử dụng tại nhiều nước nhưng ở Việt Nam, loại thuốc diệt cỏ cực độc này được bán công khai và rất dễ mua.

Thuốc diệt cỏ Paraquat là một trong những loại hóa chất nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong rất cao ở người. Tại các cơ sở y tế, ngày càng có nhiều nạn nhân cấp cứu do ngộ độc loại hóa chất cực độc này.

Uống là chết!

Tuần qua, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) lại tiếp nhận 2 nạn nhân của Paraquat. Đó là chị D.T.H, 32 tuổi và cậu con trai 11 tháng tuổi, ngụ tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, nhập viện ngày 7-4. Dù được tích cực cứu chữa tại Khoa Nhi BV Bạch Mai nhưng đến tối 9-4, cậu bé đã không qua khỏi.

Thuốc diệt cỏ Paraquat: Uống là chết - 1

Nạn nhân ngộ độc Paraquat điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGỌC DUNG

Chị H. đang trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu liên tục tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai. Theo người nhà H., do trục trặc tình cảm với chồng, chị đã khóa trái cửa rồi cùng cậu con trai uống thuốc diệt cỏ Paraquat để tự vẫn.

Theo PGS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, chị H. chỉ là một trong số rất nhiều người sử dụng Paraquat để tìm đến cái chết. “Có ngày, trung tâm tiếp nhận 3-4 người dùng loại hóa chất uống là chết này. Điều đáng báo động là những người tự tử bằng Paraquat ngày càng trẻ hóa” - ông lo ngại.

Các bác sĩ cho biết nhóm đối tượng uống hóa chất trừ sâu tự tử nhiều nhất là lứa tuổi 20-30. Có vô vàn lý do khiến các bạn trẻ tìm đến Paraquat để tự kết liễu đời mình nhưng chủ yếu là vì thất tình, nợ nần cá độ, cờ bạc, thất vọng về gia đình hay người thân, cãi vã, người yêu lạnh nhạt, chồng ngoại tình…

Mới đây, một cô gái 18 tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau khi uống Paraquat chỉ vì bạn bè chọc ghẹo, ghép ảnh rồi đưa lên Facebook. Thậm chí, các bác sĩ Trung tâm Chống độc từng điều trị cho một cháu bé khoảng 9 tuổi uống Paraquat vì giận hờn bố mẹ không cho đi chơi…

Theo các bác sĩ, một người khi uống Paraquat, hầu hết các độc chất của thuốc sẽ ngấm vào phổi, thận và gây bệnh tại các bộ phận này, sau đó sẽ đến gan. Nhiều người uống ít và được phát hiện kịp thời, lúc nhập viện vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nhưng khoảng 4-5 ngày sau mới có biểu hiện suy hô hấp, khó thở. Vì thế, trong thời gian đầu, nhiều người chủ quan, sau khi đến BV hoặc trạm xá rửa dạ dày, thấy trong người khỏe khoắn nên xin về. Vài ngày sau, khi triệu chứng nặng lên, họ lại tìm tới các BV để chữa trị nhưng đã quá trễ.

Paraquat là loại thuốc diệt cỏ rẻ tiền, không ảnh hưởng đến môi trường nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm. “Chỉ cần uống 10-15 ml Paraquat là đủ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Với người uống nhiều Paraquat, chỉ sau vài giờ sẽ xuất hiện cảm giác nóng bỏng ở miệng, buồn nôn, đau bụng. Bệnh nhân nhanh chóng suy thận cấp, hoại tử cơ, sốc và tử vong trong vòng vài giờ hay vài ngày” - ông Duệ cảnh báo.

Rất khó kiểm soát

Theo các bác sĩ chống độc, Paraquat đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước song tại Việt Nam, tình trạng ngộ độc hóa chất này lại có chiều hướng gia tăng đáng ngại. Hầu như tuần nào Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cũng tiếp nhận nạn nhân ngộ độc Paraquat. Các ca tự tử ngày càng nhiều bắt nguồn từ việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng bừa bãi hóa chất trừ sâu.

Paraquat hiện bày bán tràn lan trên thị trường, chỉ cần vài chục ngàn đồng là người ta có thể dễ dàng mua chất cực độc này. Ngộ độc Paraquat chiếm tới 80%-90% các ca ngộ độc hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, trong đó đến 95% nạn nhân tử vong.

“Paraquat đóng chai 100 ml được bán tự do trên thị trường nên bất kỳ ai cũng có thể mua được. Việc quản lý lỏng lẻo, sử dụng hóa chất độc hại bừa bãi ở nước ta đang gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng” - PGS-TS Phạm Duệ nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy việc mua bán Paraquat và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói chung rất dễ dàng, thậm chí cả trẻ em cũng có thể mua được. Tại nhiều nơi kinh doanh thuốc BVTV, chủ cửa hàng không khi nào hỏi khách mua làm gì, cũng không hề khuyến cáo về mục đích sử dụng cũng như tác hại, hậu quả của việc dùng thuốc sai mục đích.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Luật BVTV và Thông tư 03 hướng dẫn đều quy định nhà sản xuất thuốc phải ghi rõ khuyến cáo trên bao bì. Cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV khi bán phải hướng dẫn, khuyến cáo người mua sử dụng đúng mục đích. Nếu người bán hướng dẫn sai khiến người sử dụng gặp hậu quả thì phải có trách nhiệm đền bù…

Ông Hồng cho rằng việc người ta mua Paraquat cũng như một số loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ khác để tự tử là rất khó kiểm soát vì không ai khi đi mua lại nói rằng mình dùng để tìm đến cái chết. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết theo kinh nghiệm trên thế giới, chẳng hạn với Paraquat, vì có nguy cơ gây tử vong rất cao nên một số nước không sản xuất ở dạng lỏng. Nếu sản xuất ở dạng lỏng thì phải có chất gây nôn kèm theo, khi ngộ độc sẽ uống vào và có thể được cứu sống.

Theo ông Hồng, Cục BVTV đang xây dựng một thông tư mới để thay thế Thông tư 03. “Trong thông tư mới, chúng tôi sẽ xem xét hoàn thiện và quy định rõ hơn về những bất cập trong quản lý thuốc BVTV hiện nay” - ông Hồng cho hay.

Ông Hồng cũng khẳng định thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy ngành sẽ xem xét để quy định rõ hơn việc mua bán, chẳng hạn không bán cho trẻ dưới 15 tuổi; nhà sản xuất phải có khuyến cáo rõ ràng, cụ thể hơn trên nhãn mác về tác hại, đặc biệt là những loại có thể dùng tự tử. “Đối với người kinh doanh, chúng tôi sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về điều kiện mua bán thuốc cũng như các quyền và nghĩa vụ của họ” - ông Hồng cho biết.

Chú ý dự phòng rủi ro

Theo PGS-TS Phạm Duệ, hiện nay, một số nước trên thế giới quản lý Paraquat rất chặt. Người bán thuốc này phải học các lớp huấn luyện chuyên biệt và được cấp chứng chỉ. Sau đó, họ mới được các công ty sản xuất, buôn bán thuốc BVTV tuyển vào làm việc.

“Tôi nghĩ nước ta nên có mô hình này. Để phòng tránh ngộ độc Paraquat hay các loại hóa chất BVTV nói chung, cần chú ý các khâu dự phòng từ mua bán, đóng chai đến việc cất giữ ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ... Không được dùng các chai bia, nước ngọt để đựng hóa chất BVTV vì trẻ dễ nhầm, đem ra uống” - ông đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung - Văn Duẩn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN