Thực hư "đụng dao kéo" làm tế bào ung thư lan nhanh hơn

Sự kiện: Ung thư

Đứng trước cuộc mổ, nhiều người bệnh ung thư thường có tâm lý lo sợ việc đụng dao kéo có thể làm cho khối u bùng phát hay lan tràn (di căn) nhanh hơn.

Mổ hay phẫu thuật là phương pháp điều trị bệnh ung thư lâu đời nhất. Từ thời xa xưa, người ta đã biết dùng dao để cắt bỏ hoặc dùng lửa để triệt tiêu các khối u nhọt.

Trên thực tế, phẫu thuật có thể trị hết các loại ung thư  như da, vú, ruột già, tuyến giáp… Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lo sợ “việc đụng dao kéo” có thể làm cho khối u bùng phát và lan tràn nhanh hơn.

Khi mổ, bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải là tại mổ làm bệnh nặng hơn mà là các khối u đã có từ trước. (Ảnh một ca phẫu thuật tại BV Quận Thủ Đức. Ảnh: BVCC)

Khi mổ, bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải là tại mổ làm bệnh nặng hơn mà là các khối u đã có từ trước. (Ảnh một ca phẫu thuật tại BV Quận Thủ Đức. Ảnh: BVCC)

BS Nguyễn Triệu Vũ, Khoa Ung bướu Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết vẫn có một số ít bệnh nhân sau mổ được bác sĩ cho biết bệnh nặng hơn dự đoán. Lý do là các phương tiện chẩn đoán như CT scan, MRI… không phải lúc nào cũng phát hiện được hết các tổn thương, nhất là tổn thương nhỏ, rải rác.

“Vì vậy, khi mổ bác sĩ có thể phát hiện khối u đã lan tràn hơn dự kiến, điều này không phải là tại mổ làm bệnh nặng hơn mà là các khối u đã có từ trước nhưng không được phát hiện” - BS Triệu Vũ lý giải.

Cũng theo BS Vũ, một vài bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đớn nhiều hơn sau phẫu thuật, nhất là các cuộc mổ lớn. Lý do là cuộc mổ lớn thường kéo dài dưới ảnh hưởng của phẫu thuật khi bị cắt bỏ các cơ quan, mất máu, thuốc mê… Khi đó, cơ thể người bệnh sẽ chậm hồi phục hơn. Ngày nay, các kỹ thuật mổ, gây mê, hồi sức ngày càng tiến bộ, phối hợp nhiều chuyên khoa giúp hạn chế tối đa các biến chứng do phẫu thuật gây ra.

Gần đây, một số bài nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng thoáng qua các tế bào ung thư trong và sau khi mổ. Điều này có thể do trong quá trình phẫu thuật, khi đụng chạm trực tiếp vào khối u làm phóng thích các tế bào bướu vào máu. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào xác định việc gia tăng này làm bệnh nhân nặng hơn.

“Đúng là có một số rất ít bệnh nhân sau mổ, bệnh ung thư có hiện tượng bùng phát, lan tràn nhanh chóng. Điều này thường xảy ra khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, bệnh nhân suy kiệt, trong tình huống không thể không mổ. Chẳng hạn bệnh nhân bị tắc ruột do khối u, cuộc mổ có thể làm cơ thể kiệt sức, hệ miễn dịch bị suy yếu khiến tế bào ung thư có cơ hội hoành hành, đây là điều không may khi bệnh đã trở nặng từ lâu” - BS Triệu Vũ nói thêm.

BS Vũ cho biết nhìn chung, phẫu thuật đã và đang đóng vai trò chính trong điều trị ung thư. Nhờ vào phẫu thuật mà nhiều loại ung thư có thể được chữa khỏi như ung thư da, vú, bao tử, ruột già …

“Nhờ vào các tiến bộ trong chẩn đoán, phần lớn các trường hợp ung thư đều có đánh giá chính xác về mức độ lan tràn của bệnh. Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, chú trọng phối hợp các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, miễn dịch… theo một trình tự khoa học, vừa kiểm soát tại chỗ và khống chế di căn xa. Từ đó, các biến chứng được hạn chế đáng kể và gia tăng hiệu quả. Chẳng hạn ung thư vú nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng mức, khả năng bệnh nhân hết bệnh hoặc bệnh ổn định lâu dài lên đến 80- 90%” - BS Triệu Vũ nêu.

Vì vậy, BS Triệu Vũ khuyến cáo nếu người dân chẳng may mắc bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa, không nên vì vài trường hợp cá biệt hoặc vài lời đồn thổi mà mất đi cơ hội chiến thắng bệnh ung thư.

Nguồn: [Link nguồn]

1 mg chất này gây ung thư gấp 68 lần asen nhưng chúng dễ có trong những thứ mọi nhà ăn hằng ngày

Chất độc này gấp 68 lần so với asen, 10 lần so với kali xyanua, nhưng ít người hiểu được mức độ nguy hiểm của nó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN