Thoát khỏi giòi, chân vẫn bất động
Cháu bé 9 tuổi phải sống với cái chân đầy dòi trong 3 năm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở những vùng sâu, vùng xa.
Sau hơn 10 ngày phẫu thuật, vết mổ ở chân trái của bé Hảng Thị Dùa (9 tuổi, người dân tộc Mông ở bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải - Yên Bái) đã lành dần nhưng không thể co duỗi.
Theo bác sĩ Phan Bá Hải, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội, người khám và điều trị cho bé Dùa, hiện sức khỏe của bé đã dần ổn định nhưng vẫn phải dùng kháng sinh liều cao vì vết thương nhiễm trùng quá lâu, đang chảy dịch. Ngày tiếp nhận Dùa, các bác sĩ cũng phải rùng mình bởi tổn thương nghiêm trọng chưa từng thấy và khả năng chịu đựng của bé suốt 3 năm qua. Lúc đó, đùi trái cháu chảy mủ, có dòi và hôi thối bởi vết thương hở rộng 5 cm, sâu tới sát xương và viêm xương chết. Ngày 26-2, Dùa được phẫu thuật để lấy xương chết và nạo vét tổ chức viêm, cứu sống chân trái cho bé.
Cháu Hảng Thị Dùa với chân trái bị hoại tử 3 năm đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội
Dù may mắn không bị cắt nhưng do xương bị viêm và chết quá nhiều, không vận động trong thời gian dài nên chân trái của bé Dùa không thể co duỗi. Để cháu có thể đi lại bình thường, cần thêm một cuộc phẫu thuật can thiệp gối nữa vào 3 hoặc 6 tháng sau.
Ngày 27-5-2010, Dùa theo bố mẹ đi làm ruộng thì té ngã, đùi trái bị đau và khó vận động. Đến ngày 4-6-2010, cháu bị khó thở, mệt mỏi nên gia đình đưa đến trạm y tế xã. Tại đây, cháu được chẩn đoán nghi gãy kín xương đùi, được xử trí bất động băng nẹp xương đùi và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) điều trị tiếp. Các bác sĩ đã giải thích là cháu cần phải mổ nhưng gia đình không đồng ý, xin về tự bó thuốc nam điều trị.
Khi phát hiện tình trạng rất nguy hiểm của Dùa, bà Lê Thị Thúy Vinh, thành viên của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế tại Việt Nam đang làm việc tại địa phương này, đã xin gia đình và trưởng bản đưa cháu về Bệnh viện Việt Đức điều trị. “Trước kia, khi vết thương bắt đầu lở loét, bố mẹ của Dùa chỉ biết hái các loại lá đắp lên rồi buộc lại bằng một mảnh vải. Khi vết thương nặng hơn, Dùa thường xuyên bị sốt thì bố mẹ của cháu đành phó mặc. Có lẽ khi vết thương ở chân lên cơn đau nhức, bé Dùa chỉ im lặng kìm nén nỗi đau” - bà Vinh nhận xét.
Không có tiền phẫu thuật Theo bà Lê Thị Thúy Vinh, hiện chi phí điều trị cho cháu Dùa được một số cá nhân ủng hộ được 12 triệu đồng. Tuy nhiên, để có thể đi lại bình thường, Dùa cần thêm một cuộc phẫu thuật can thiệp gối nữa, trong khi gia đình của cháu rất nghèo, không có khả năng chữa bệnh cho con. “Chúng tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc để cháu Dùa được trở về với cuộc sống bình thường” - bà Vinh kêu gọi. Mọi sự đóng góp cho cháu Dùa xin gửi về Báo Người Lao Động hoặc bệnh nhi Hảng Thị Dùa (tầng 3 Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức). |