Thay khóa để đối phó bệnh nhân “người nhện”

Hàng ngày những bệnh nhân của khoa Cai nghiện – Bệnh viện Tâm thần Trung ương chủ yếu là những “con nghiện”, những tay giang hồ nên việc điều trị cho những bệnh nhân này cũng hết sức gian nan.

Khi “người nhện” nhập viện

Tiếp chúng tôi tại khoa Cai nghiện, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng –trưởng khoa Cai nghiện giới thiệu chúng tôi nhìn vào khu sau dành cho bệnh nhân cai nghiện của khoa và than thở rằng “Bệnh nhân đã trốn hết rồi. Nhân viên y tế cũng không thể giữ họ lại được”. Đi tìm nguyên nhân vì sao trốn viện thì có vô vàn lý do của những bệnh nhân “không có bệnh” này.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng –Trưởng khoa Cai nghiện bệnh viện tâm thần 1: "Nếu không điều trị đủ 6 tháng thì cả quá trình cai nghiện không hoàn hảo. Nhưng để “người nhện” hợp tác cũng là cả vấn đề nan giải” Trường hợp của Nguyễn Văn L. SN 1990 tại Hà Nội. L. là một sinh viên mới ra trường nhưng bị bạn bè lôi kéo nên cậu lao vào nghiện ma túy đá. Sau hơn một năm làm quen với dạng ma túy mới này, L. gầy gò, xanh xao và lúc nào cũng mệt mỏi. Khi thiếu tiền mua L. chấp nhận đi ăn trộm, ăn cắp để giải quyết nhu cầu cho cơn nghiện lên của mình.

L. cao thủ đến nỗi nhà cửa, khách sạn, nhà nghỉ cậu đều đánh đu vào trộm được. Khi biết được sự thật con trai đang nghiện ma túy đá và đi làm dân anh chị để kiếm tiền mua thuốc cho mình, bố mẹ L. vẫn không tin. Mẹ cậu cho rằng L. gầy là vì bận học để tốt nghiệp đại học.

Thay khóa để đối phó bệnh nhân “người nhện” - 1

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng –Trưởng khoa Cai nghiện bệnh viện tâm thần 1

Gia đình đưa cậu cai nghiện ở nhiều nơi nhưng đều bất thành vì cậu không chịu được cảnh “giam cầm”. Cậu bẻ khóa, đu lên hiên nhà để trốn thoát. Đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bệnh của L. phải tiến hành theo liệu pháp và chương trình cai nghiện của khoa. Thực hiện được vài tháng, dù đã cắt cơn nghiện, L. không còn cảm giác thèm thuốc nhưng cậu liên tục đòi về nhà. TS Hùng cho biết phải đủ 6 tháng mới có thể coi là quá trình cai nghiện thành công. Dù bác sĩ động viên thế nào cậu cũng từ chối ở lại. Khi than khổ với gia đình, L. vẫn không được đón về nên cậu nghĩ ra cách trốn viện về nhà.

Hay như trường hợp của Bùi Văn C (Đống Đa, Hà Nội) cũng tương tự. C. vốn nghiện ma túy truyền thống (heroin). Sau khi cai nghiện heroin thì C. quay ra nghiện ma túy đá. Cậu cho rằng nghiện ma túy đá an toàn hơn heroin nên thoải mái đáp ứng nhu cầu ăn chơi của mình. Gia đình cậu phải vất vả lắm mới đưa được C. đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để cai nghiện.

Ở đây, C. luôn quậy phá, đòi về nhà. Có những hôm, C. dùng chiếc tăm cũng mở được khóa cửa sắt của khoa để trốn ra ngoài. Nhân viên nữ của khoa nhìn thấy có đuổi theo cậu cũng chẳng kịp. Ra viện lại vào viện, lần nào cũng thế. Dù bác sĩ thay khóa chống cắt thì C. cũng có thể dùng các vật khác để mở khóa ra. 

TS Hùng kể C. mở khóa còn nhanh hơn cả nhân viên mở bằng chìa. Khi gia đình của C. lên đóng tiền viện phí, họ mới trần tình rằng ở nhà cũng không thể giữ nổi C. Có người còn bảo “nó như người nhện khách sạn, nhà cao tầng nó còn trốn được thì ở bệnh viện sao lại không  trốn được”.

Chữa bệnh cho "người nhện" vô cùng vất vả

Đa số bệnh nhân của khoa Cai nghiện đều là những đối tượng “bất hủ” như trộm cắp, giang hồ, những đứa con bỏ nhà đi bụi, rất ít những đối tượng là người có học bị bạn bè lôi kéo nên để thuyết phục họ hợp tác với bác sĩ rất khó.

TS Hùng buồn rầu kể: “Chiều những bệnh nhân này khó lắm. Biết họ là bệnh nhân đặc biệt nên các nhân viên y tế của khoa cố gắng đáp ứng tất cả nhu cầu của họ chỉ mong họ hợp tác cai nghiện nhưng rồi ít người chịu. Người thì nói nhớ vợ, nhớ con, nhớ công việc. Có bệnh nhân tố cáo rằng ở khoa khổ, ăn uống thiếu thốn chỉ mong được bố mẹ đón về. Để được về nhà họ lấy đủ các lý do này, lý do khác. Nhưng trên thực tế thì đâu phải như thế”.

Bệnh nhân nghiện ma túy đá thường không nghĩ mình bị bệnh. Hậu quả của ma túy đá  cũng nguy hiểm, ảnh hưởng nặng đến thần kinh. Bệnh nhân nghiện “đập đá” thường bị hoang tưởng nghĩ mình là người tài giỏi, bị người khác đe dọa nên lúc nào cũng đấm đá, ngồi lẩm bẩm. Có những bệnh nhân sau khi sử dụng ma túy đá trở nên lẩn thẩn hay quên, đang đi trên đường tự nhiên vứt xe máy đi bộ về và chẳng nhớ đồ đạc của mình để ở đâu.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiện giờ đang có xu thế những người từng sử dụng herroin chuyển sang sử dụng ma túy đá. Nhưng thực chất, người đã từng nghiện heroin chuyển sang dùng ma túy đá thì bị rối loạn tâm thần nhanh hơn và điều trị khó khăn hơn. 

Bệnh nhân nghiện nặng có thể gây hoang tưởng ảo thanh. Có trường hợp điều trị ảo thanh cả năm không khỏi, các bác sĩ tại khoa phải điều trị bằng phương pháp kích thích từ xuyên sọ. Đây là một phương pháp mới nhất trong điều trị bệnh tâm thần hoang tưởng có ảo thanh. 

Tìm lại những bệnh nhân đã trốn khỏi viện, TS Hùng luôn trăn trở một điều “Nếu không điều trị đủ 6 tháng thì cả quá trình cai nghiện không hoàn hảo. Nhưng để “người nhện” hợp tác cũng là cả vấn đề nan giải”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN