“Thần dược” gây dị tật: Sự im lặng đáng sợ

Các nạn nhân do loại thuốc thalidomide gây dị tật ở 10.000 trẻ sơ sinh trên toàn thế giới đã lên án lời xin lỗi của Công ty dược Đức Grunenthal Group là “quá muộn màng và ít ỏi”.

Theo Hãng tin AFP, hôm 31-8 Hãng Grunenthal lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi vì đã im lặng suốt 50 năm qua nhân dịp dựng bức tượng tưởng niệm các nạn nhân thuốc thalidomide ở thị trấn Stolberg (Đức). Năm 1957, Grunenthal tung ra thị trường loại thuốc thalidomide trị chứng ốm nghén và mất ngủ ở phụ nữ có thai. Tính đến năm 1961, Grunenthal đã bán loại thuốc này tới gần 50 quốc gia, trong đó có Đức, Anh, Nhật, Canada, Úc...

“Thần dược” gây dị tật: Sự im lặng đáng sợ - 1

Một nạn nhân thalidomide ở Mỹ - Ảnh: CBC

Cố lẩn tránh trách nhiệm

"Việc một tập đoàn trị giá hàng tỉ euro như Grunenthal chỉ chi 5.000 euro để dựng bức tượng là cái tát giáng vào mặt tất cả nạn nhân"

Hiệp hội Nạn nhân thalidomide Đức

Báo New York Times cho biết các nạn nhân thalidomide ở nhiều quốc gia đã đồng loạt lên án Hãng Grunenthal. Hiệp hội Nạn nhân thalidomide Đức khẳng định đây chỉ là một trò PR rẻ tiền của Grunenthal và cho thấy hãng này vẫn đang có ý đồ tiếp tục sử dụng thuốc thalidomide.

Luật sư Lynette Rowe - đại diện cho các nạn nhân ở Úc - mô tả lời xin lỗi của Grunenthal là “đáng khinh” và “đầy sự dối trá”. “Trong 50 năm qua Grunenthal đã áp dụng một chiến thuật nhằm lẩn tránh trách nhiệm pháp lý, đạo đức và tài chính của những hành vi vô trách nhiệm trong thập niên 1950 và 1960”. Hồi tháng 7-2012, luật sư Rowe đã thắng vụ kiện buộc một hãng phân phối thuốc thalidomide ở Úc là Diageo Plc phải bồi thường nhiều triệu USD. Theo tài liệu của tòa án, Grunenthal đã biết rõ về hậu quả của loại thuốc thalidomide hai năm trước khi nó bị rút khỏi thị trường.

Một tổ chức hỗ trợ các nạn nhân thalidomide ở Nhật cũng lên tiếng chỉ trích Grunenthal. “Việc xin lỗi là chuyện đương nhiên - AFP dẫn lời ông Tsugumichi Sato, giám đốc Trung tâm Ishizue, khẳng định - Số lượng các nạn nhân sẽ ít hơn nhiều nếu Grunenthal dừng bán loại thuốc đó sớm hơn. Chúng tôi muốn xem công ty này sẽ còn có hành động gì ngoài việc xin lỗi”. Ông Freddie Astburt, chủ tịch Tổ chức Thalidomide Anh, cho rằng nếu Grunenthal thật sự nghiêm túc nhận lỗi, công ty này cần phải giúp đỡ các nạn nhân loại thuốc trên.

Grunenthal khẳng định tính đến năm 2010 đã đền bù khoảng 500 triệu euro cho các nạn nhân thuốc thalidomide. Theo Reuters, hiện các nạn nhân thalidomide ở Đức được hưởng trợ cấp 1.116 euro/tháng từ một quỹ ủy thác có sự đóng góp của Grunenthal. Tuy nhiên hàng nghìn nạn nhân ở các quốc gia khác không nhận được một đồng nào từ hãng dược này.

Biên tập viên Reuters Harold Evans, người từng mở chiến dịch đòi bồi thường cho các nạn nhân thalidomide, nhấn mạnh ngay cả một lời xin lỗi chân thành nhất cũng không thể xóa đi 50 năm bất công, đặc biệt khi mà Grunenthal chẳng hề làm gì để giảm đi nỗi đau mà các nạn nhân vẫn đang phải chịu đựng hằng ngày.

Vẫn là mối nguy hiểm

Tưởng như đã bị tiêu diệt trong thập niên 1960, nhưng thuốc thalidomide vẫn tiếp tục tồn tại và được lưu hành trên thị trường cho tới tận ngày nay. Theo báo Guardian, từ năm 1964 các bác sĩ ở Israel và Anh đã sử dụng loại thuốc này để trị bệnh phong. Một khảo sát công bố năm 1965 cho thấy 33 người sinh ra ở Brazil sau năm 1965 bị dị tật bẩm sinh vì người mẹ dùng thuốc thalidomide. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc này vẫn được tiếp tục và đến năm 1998, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua việc sử dụng thalidomide để chữa bệnh phong.

Năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố: “WHO không khuyến khích việc sử dụng thalidomide để chữa bệnh phong bởi thực tế cho thấy hầu như không thể phát triển một cơ chế giám sát để chống lại việc sử dụng sai loại thuốc này”. WHO nhấn mạnh đến tận ngày nay vẫn có nhiều trẻ sơ sinh ra đời với các dị tật vì thuốc thalidomide. Từ năm 1994, giới y tế cũng sử dụng thalidomide để trị bệnh ung thư. Năm 2006, FDA cấp phép công nhận thalidomide chữa bệnh đa u tủy và đến năm 2009, Cơ quan Dược châu Âu cũng ra quyết định tương tự.

Báo Telegraph cho biết nhiều chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo việc nghiên cứu và sử dụng thalidomide tại các quốc gia đang phát triển có thể khiến thảm kịch cũ lặp lại. Điển hình là hồi năm 2005, Tổ chức Thalidomide Anh đã vận động buộc Chính phủ Anh phải cấp thị thực cho cậu bé 14 tháng tuổi người Kenya Freddie Musean Mtile đến Anh chữa bệnh. Cậu bé bị dị tật không có tay chân, được xác định là do thalidomide gây ra.

“Thần dược” gây dị tật

Loại thuốc được quảng cáo là “thần dược” đã gây những dị tật nghiêm trọng ở thai nhi như chân tay teo tóp, mù mắt, các bệnh nội tạng... Ước tính khoảng 10.000 trẻ em trên toàn thế giới sinh ra trong giai đoạn cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 bị dị tật do thalidomide. Đây là một trong những xìcăngđan y tế lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay. Ước tính hiện vẫn còn 5.000-6.000 nạn nhân còn sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Hà (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN