Tăng mạnh số ca nhập viện do sai lầm trong điều trị kiến ba khoang đốt, điều đầu tiên rất nhiều người mắc phải

Sự kiện: Sống khỏe

Theo các bác sĩ, nhiều trường hợp gặp sai lầm trong xử trí vết thương sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân tới khám và nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang có xu hướng tăng cao.

Cụ thể, theo thống kê, từ tháng 6 đến tháng 9/2022, có khoảng 900 bệnh nhân bị viêm da kích ứng đến khám tại Bệnh viện, trong đó gần một nửa là bệnh nhân viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang.

BS Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện nay đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang nên số ca bị tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng cao.

Nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Ảnh minh họa

Nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Ảnh minh họa

Kiến ba khoang có độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phồng rộp, dễ nhầm với zona thần kinh.

Đa phần bệnh nhân đến khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên sau khi tiếp xúc với độc tố của kiến. Thậm chí, có những gia đình có 2-3 người cùng bị kiến ba khoang đốt gây tổn thương nặng.

Tuy nhiên, điều đáng nói, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng do những sai lầm trong xử trí vết thương sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang dẫn đến vết loét sâu, nguy cơ để lại vết thâm và sẹo rất lớn.

Một số sai lầm phổ biến khi bị kiến ba khoang đốt:

Tự ý bôi và uống thuốc

Theo BSCK II Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, rất nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang nhưng không đến khám ở bệnh viện mà lại tự mua thuốc về uống và bôi.

Trong đó, rất nhiều người thấy vết loét nhưng không nghĩ do tiếp xúc với kiến ba khoang mà lầm tưởng mắc bệnh zona nên mua thuốc Acyclovir để bôi và uống. Điều này vô tình làm cho tổn thương lan rộng hơn.

Gãi, chà xát mạnh vết thương

Các bác sĩ cho biết, những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang đều do gãi, chà xát làm độc tố của kiến lan ra. Những trường hợp này, bệnh nhân cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày, tình trạng bệnh mới ổn định.

Dùng tay đập kiến

Khi bị kiến ba khoang bò lên người, nhiều người có thói quen dùng tay đập kiến. Đây là một việc làm sai lầm vì càng khiến dịch tiết độc của kiến ba khoang có nguy cơ tiếp xúc với các bộ phận trên cơ thể, gây tổn thương lan rộng. 

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu nhìn thấy kiến ba khoang trên người thì không nên dùng tay không để đập mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người.

Dùng kiến ba khoang chữa nấm da

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đơn vị này đã điều trị rất nhiều trường hợp nghe theo các bài thuốc dân gian truyền miệng gây hậu quả nặng nề. Cụ thể, bệnh nhân bắt rất nhiều kiến ba khoang, nghiền ra và đắp vào tổn thương vì nghĩ là sẽ khỏi nấm vùng bẹn.

Tuy nhiên, kết quả là toàn bộ vùng đùi, vùng sinh dục của bệnh nhân bị chợt loét, có những bệnh nhân đau, rát, sốt và nhiễm khuẩn huyết.

Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Để phòng tránh kiến ba khoang, mỗi gia đình cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuýp…), thay vào đó, dùng bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc). 

Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn, chiếu. Trước khi mặc quần áo, cần giũ sạch xem có kiến ba khoang hay không. Hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn. Tốt nhất nên ngủ trong màn.

Bên cạnh đó, tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt; vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng…

Phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bệnh zona

Theo các bác sĩ, khi dính phải độc tố trong kiến ba khoang, da của bệnh nhân thường có các biểu hiện như: Phồng rộp thành vệt dài, đám nhỏ, mụn nhỏ li ti, có bọng nước, khi vỡ có thể gây loét, mưng mủ, cảm giác đau rát như bị bỏng, bệnh nhân có thể bị sốt, nổi hạch ở vùng lân cận… Còn với zona thì mụn nước mọc thành chùm, khu trú.

Viêm da tiếp xúc do kiến khoang thường bệnh nhân thấy nóng rát trước sau đó thì xuất hiện rát đỏ, tổn thương đi theo thành từng vệt. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác, chủ yếu là cảm giác nóng rát hơn là cảm giác đau nhức của zona.

Nguồn: [Link nguồn]

4 mẹo hay đuổi kiến ba khoang nhanh chân bỏ chạy, cả đời không dám bén mảng tới gần

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN