Sống lại nhờ thuốc tiêu sợi huyết

Liên tục những ngày qua Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang không chỉ cứu sống hai bệnh nhân bị đột quỵ nặng mà còn giúp họ phục hồi gần như hoàn toàn.

Bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, giám đốc bệnh viện, cho biết đó là nhờ phương pháp điều trị hiện đại của thế giới: dùng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA).

Hiện nay ở TP.HCM có một số bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ và sử dụng thuốc này, còn tại ĐBSCL chỉ mới có Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Ngày 16-9, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu cho bệnh nhân N.V.B. (62 tuổi, ngụ xã Điềm Hi, huyện Châu Thành, Tiền Giang) bị đột quỵ liệt nửa người bên phải. Bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Ngày 27-9, bệnh nhân B. đã tự đi lại bình thường, cánh tay phải bị liệt khi đột quỵ cũng đã co duỗi, cử động được.

“Các bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não nếu được cấp cứu, tiêm thuốc tiêu sợi huyết trong vòng ba giờ kể từ lúc phát bệnh và tổn thương mạch máu ít thì việc điều trị sẽ rất hiệu quả, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn” - GS.TS Lê Văn Thành, chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não VN, cho biết.

Theo bác sĩ Hoàng Thọ Mẫn, năm 2010 tại Tiền Giang có tới 1.520 bệnh nhân bị đột quỵ, có 242 người (chiếm 16%) tử vong. Trong số bệnh nhân đột quỵ có 72% bị nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não.

Trước thực trạng bệnh nhân đột quỵ liên tục tăng cao, ngay trong năm 2010 bệnh viện đã thành lập “đơn vị điều trị đột quỵ” nhằm đào tạo, ứng dụng những phương pháp điều trị hiện đại để giảm số bệnh nhân tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ.

Đầu năm 2012 các bác sĩ của bệnh viện được tập huấn điều trị đột quỵ (nhồi máu não) bằng thuốc tiêu sợi huyết (rt-PA) tại Bệnh viện 115, dưới sự hướng dẫn của GS-TS Lê Văn Thành.

Nhiều phương pháp điều trị bệnh đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, phó khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM, cho biết: Phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là phương pháp điều trị chuẩn mực và hiệu quả cho các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả tốt khi bệnh nhân được đưa tới bệnh viện điều trị sớm, trong vòng 3 giờ kể từ khi khởi phát những triệu chứng đột quỵ. Áp dụng phương pháp này từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã điều trị cho hơn 400 trường hợp bị đột quỵ. Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, có thể sinh hoạt và làm việc như trước.

Hiện nay Bệnh viện Nhân Dân 115 đã áp dụng thêm nhiều phương pháp điều trị đột quỵ khác như làm kỹ thuật đưa thuốc tiêu sợi huyết qua đường động mạch hoặc lấy huyết khối bằng các loại dụng cụ cơ học. Các kỹ thuật mới này được áp dụng đối với những trường hợp thuyên tắc các động mạch não lớn đã thất bại với phương pháp điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc nhập viện trễ từ 3 - 6 giờ.

Trong đó, phương pháp bẫy cục huyết khối bằng hệ thống lưới Solitaire (một phương pháp bằng các dụng cụ cơ học) cho đến thời điểm này được xem là phương pháp tốt nhất trên thế giới để điều trị các ca tắc những mạch máu lớn.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo VÂN TRƯỜNG, THÙY DƯƠNG (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN