Sơ cấp cứu: Chuyện không của riêng ai!

Sự kiện: Sống khỏe

Hai xe gắn máy va quẹt vào nhau, nạn nhân ngã xuống đường và bị gãy kín xương đùi phải. Ngay lập tức, các cấp cứu viên có mặt và nạn nhân được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện an toàn. Một tình huống khác, em bé 3 tuổi bị hóc dị vật đường thở, khó thở nặng được cô giáo nhanh chóng xử trí bằng cách vỗ ngực ấn lưng tống dị vật ra ngoài. Đó là những hình ảnh được tái dựng tại hoạt động diễn tập “sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ” và thao diễn kỹ thuật “sơ cấp cứu trẻ bị dị vật đường thở” do 500 cấp cứu viên tham gia thực hiện.

Cụ già đã không chết, nếu…

Đã trở thành đội trưởng Đội Huấn luyện Sơ cấp cứu (SCC) quận 10 nhưng anh Ngô Hoàng Tâm (31 tuổi) vẫn không thể quên lý do vì sao anh gia nhập vào đội cấp cứu. Năm 2006, anh Tâm chính thức trở thành cấp cứu viên của đội SCC quận 10, anh tham gia vì mãi đau đáu một niềm đau: một cụ già đã chết chỉ vì không ai biết SCC. “Một cụ già khoảng gần 70 tuổi vào công viên tập thể dục. Ông bị mấy cô gái chuyên lừa gạt ở trong công viên dụ để lấy đồ.

Phát hiện ra ý đồ của họ nên ông già liền bỏ chạy. Không may, cụ bị té đập đầu xuống đường, máu chảy rất nhiều. Lúc đấy, tôi và nhiều người nữa tới giúp đỡ đưa cụ vào cấp cứu ở BV. Chợ Rẫy nhưng cụ đã không thể qua khỏi. Bác sĩ giải thích, ông cụ bị chảy máu quá nhiều, nếu biết cách sơ cứu tại chỗ kịp thời để cầm máu thì chắc chắn ông đã không tử vong. 20 phút kể từ lúc ông cụ bị té đến lúc vào tới BV Chợ Rẫy, vậy mà mất một mạng người, nguyên nhân chỉ vì không ai biết SCC. Trăn trở, day dứt, cuối cùng tôi quyết định trở thành cấp cứu viên”, anh Ngô Hoàng Tâm chia sẻ.

Sơ cấp cứu: Chuyện không của riêng ai! - 1

Sơ cứu cho người bị tai nạn. (Ảnh minh họa)

Với em Hà Minh Tâm (21 tuổi) thi đỗ vào lớp Hướng dẫn viên SCC và trở thành một tình nguyện viên SCC xuất sắc quả thật là niềm mơ ước đã thành hiện thực. Cũng giống với anh Ngô Hoàng Tâm, Hà MinhTâm cũng gặp một trường hợp bị chấn thương, cụ thể, một nam thanh niên khoảng 20 tuổi sau khi bị va chạm mạnh thì bị gãy xương.

Tâm cùng người dân đã sơ cấp cứu rồi chuyển người bị thương vào cấp cứu ở BV. Thống Nhất. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật sơ cấp cứu nên đã chuyển từ gãy kín sang gãy hở và hậu quả là tình trạng sức khỏe của nạn nhân đã nặng hơn rất nhiều. Tâm trở thành một tình nguyện viên SCC và đã giúp đỡ được nhiều trường hợp vượt qua cơn nguy kịch.

Từ khi trở thành một cấp cứu viên chuyên nghiệp, anh Ngô Hoàng Tâm đã cứu sống được nhiều trường hợp. Anh kể: “Tôi nhớ  nhất là trường hợp của một người đàn ông bị say xỉn rồi té trên đường Nguyễn Tri Phương vào năm 2010. Chiều thứ 7 hôm đó, tôi và gia đình đang trên đường đi dự đám cưới thì phát hiện nạn nhân bị té đang nằm, tới nơi thấy máu chảy bê bết. Tôi liền nhờ người chạy đi mua gấp các vật dụng y tế cần thiết như bong gòn, oxy già… rồi rửa và cầm máu cho nạn nhân. Sau đó, chuyển anh này vào BV. Nhân dân 115 và anh được cứu sống. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, tôi thấy công việc của tôi thực sự có ý nghĩa khi tham gia huấn luyện SCC tại các trường mầm non. Ở đó, nếu các cô giáo không nắm vững các kỹ thuật SCC thì hậu quả thật khó lường”.

Sơ cấp cứu vì mọi người

Cô Cao Thị Ngọc Lan - Phó hiệu trưởng Trường Mầm Non Sơn Ca 9 nhấn mạnh: “Đối với trẻ ở trường mầm non, nguy cơ bị tai nạn thương tích rất cao. Có thể kể đến những tai nạn thường gặp như hóc dị vật, té ngã, bỏng, ngạt nước… Tất cả những tai nạn này, nếu không sơ cứu kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Đó là lý do Trường Mầm non Sơn Ca 9 nói riêng và hệ thống trường mầm non nói chung thường xuyên tổ chức học và thi SCC cho giáo viên”.

Cũng theo cô Lan, các cô giáo không chỉ học SCC một lần mà nên học đi học lại nhiều lần để tránh tình trạng quên và cũng phải học cho thật thuần thục các động tác. Bởi có một thực tế, rất nhiều cô đã học rồi nhưng khi gặp tình huống xấu như trẻ bị hóc dị vật, té ngã, ngạt nước… thì bối rối không thể xử lý được. Trong khi đó, với những tình huống như vậy các cô phải thật bình tĩnh để tạo cảm giác an toàn cho trẻ đồng thời để các động tác nhanh, gọn, lẹ và chính xác.

Về vấn đề này, BS. Lê Quang Ninh - Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP.HCM, cho biết, sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương như trẻ em mầm non là vô cùng cần thiết. Thực tế cho thấy, tai nạn thương tích ở trẻ mầm non thường xuyên xảy ra và khi sơ cấp cứu cho trẻ không ít các cô đã gặp phải sai lầm. Dễ nhận thấy nhất là khi trẻ bị bỏng, rất nhiều cô vội vàng đưa trẻ đến cơ sở y tế mà không sơ cứu ban đầu hoặc sơ cứu không đúng cách làm tình trạng bệnh của trẻ trở nên rất nặng nề.

Trong trường hợp này, theo BS. Lê Quang Ninh, cách xử trí đúng nhất là trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế, bé phải được vén bỏ quần áo, để lộ vùng bị bỏng, rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch. Với những vết bỏng quá lớn thì không rửa nước vì sẽ làm hạ thân nhiệt của trẻ. Phủ miếng vải sạch lên vết bỏng tránh làm tuột da, cho trẻ uống nhiều nước.

Tuyệt đối không bôi kem đánh răng hay nước mắm lên vết bỏng. Hay khi trẻ bị hóc dị vật, theo đúng nguyên tắc nếu trẻ không khó thở hoặc khó thở nhẹ thì không nên can thiệp mà cần đưa trẻ tới bệnh viện trong tư thế ngồi và theo dõi sát. Hoặc trường hợp nặng khó thở thì xử trí bằng cách vỗ ngực ấn lưng để tống dị vật ra ngoài. Và chỉ lấy dị vật ra khỏi miệng trẻ khi nhìn thấy dị vật. Nhưng rất nhiều trường hợp các cô vẫn cố dùng tay mò tìm dị vật trong miệng trẻ và vô tình đã đẩy dị vật vào sâu bên trong…

BS. Lê Quanh Ninh khẳng định, SCC là vấn đề cấp thiết đối với hệ thống trường mầm non. Và đối với tất cả những trường hợp khác SCC vẫn cần phải được xem trọng. Không phải một cô giáo dạy trẻ mới cần phải biết sơ cấp cứu. Lại càng không phải SCC là chuyện của nhân viên y tế mà đó là việc làm của tất cả mọi người. Như Thông điệp chính của Ngày SCC thế giới năm 2012: “Sơ cấp cứu phải được tiếp cận với tất cả mọi người, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương và người khuyết tật”; “Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Quốc tế tin tưởng rằng ai cũng có thể học Sơ cấp cứu và cứu người”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGUYỄN HUYỀN (Sức khỏe & đời sống)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN