Rước họa vì giải phóng “cục nợ”

Khi điều trị chấn thương, bệnh nhân (BN) phải mang trong mình nẹp, đinh, ốc vít. Nhiều người có cảm giác khó chịu, muốn loại bỏ các thiết bị này.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ (BS), những thiết bị này không ảnh hưởng đến sức khỏe, trong khi phẫu thuật lấy ốc vít có thể gặp nguy cơ mất máu, biến chứng gây mê, đau đớn, nhiễm trùng, gãy xương…

Rước họa vì giải phóng “cục nợ” - 1

Hầu hết các dụng cụ cố định xương đều an toàn sau khi phẫu thuật

Thiếu sự tư vấn của bác sĩ

Việc lấy nẹp, ốc vít ra khỏi cơ thể chủ yếu do người bệnh lo âu, thường đổ lỗi cho nẹp ốc vít gây đau nhức khi “trái gió trở trời”. TS-BS Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM - cho biết, các vật liệu gắn kết vào trong xương đã được nghiên cứu, thử nghiệm, không gây kích ứng cho các tổ chức xương, cơ, dây chằng, do đó dù tồn tại lâu trong cơ thể vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chưa kể, sau một thời gian lành xương, đinh nẹp ốc vít cũng bị chôn vùi dưới các mô cơ nên rất khó lấy ra.

“Ngay cả ở các nước tiên tiến như Mỹ, các BS vẫn từ chối mổ lấy nẹp, ốc vít vì chúng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe” - GS-BS Võ Văn Thành, BV Chấn thương - chỉnh hình TP.HCM cho biết. Theo GS-BS Võ Văn Thành, tuy phẫu thuật lấy ra không khó như lúc đặt vào (trừ vài ca đặc biệt) nhưng cũng là “mổ xẻ” nên vẫn có những rủi ro xảy ra khi bị gây mê, gây tê; nhiễm trùng… Chưa kể, lấy dụng cụ ra chỉ thêm tốn tiền cho người bệnh. Người bệnh đến BV để lấy nẹp, ốc vít, một phần cũng do lỗi BS không tư vấn kỹ. Chưa kể một số trường hợp, BS mổ ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.

Đồng tình với ý kiến này, BS Vũ Viết Chính - Khoa Chỉnh hình nhi, BV Chấn thương - chỉnh hình TP.HCM - cho biết, một số BS không giải thích cặn kẽ, giúp người bệnh hiểu thấu đáo, khiến BN quyết định mổ lấy đinh, ốc vít.

Cũng theo BS Chính, hầu hết các trường hợp đặt dụng cụ cố định cột sống không cần thiết phải lấy ra vì ốc vít này có thể để trong cơ thể suốt đời. Thế nhưng, không ít BN mổ cột sống thường đến các cơ sở y tế để “đục đẽo” lấy dụng cụ cố định cột sống chỉ vì nguyên nhân tâm lý. Tại BV Chấn thương - chỉnh hình, trong số 100 BN phẫu thuật vẹo cột sống yêu cầu lấy dụng cụ, sau khi BS giải thích rõ ràng, chỉ còn một-hai ca đồng ý thực hiện; tương tự với 100 ca gãy xương, mất vững cột sống… chỉ còn khoảng 20 BN chịu mổ.

BS Chính cho biết, với trường hợp vẹo cột sống, chỉ tính riêng ốc vít thì mỗi BN sẽ được gắn từ 2 - 20 ốc, còn với BN gãy xương sống thì từ 4 - 20 ốc. Việc đục xương lấy ốc vít ra khiến người bệnh mất máu, đau đớn, thậm chí gãy thêm xương… Mặt khác, người bệnh muốn lấy ra phải gặp BS phẫu thuật để được biết đã đặt ốc loại gì, cách lấy và dùng dụng cụ hỗ trợ phù hợp, tránh làm tổn thương thêm màng cứng, thần kinh lân cận… Không ít trường hợp phẫu thuật bất thành, BS chỉ lấy ra được vài con ốc phải khâu vết mổ trở lại vì sau một thời gian dài, các đinh ốc vít này đã bám chặt vào xương.

Khi nào nên loại bỏ ốc vít?

GS-BS Võ Văn Thành khuyên, nếu BN đang điều trị bệnh khác mà chụp cộng hưởng từ (MRI) bị nhiễu do nẹp ốc vít bằng kim loại thì cần phải lấy ra. Theo BS Nguyễn Đình Phú, một số trường hợp cơ địa người bệnh không phù hợp gây viêm xương, vết thương nơi phẫu thuật bị mủ rò rỉ, sưng đỏ do chính đinh, nẹp, ốc vít gây nên thì buộc phải mổ để loại bỏ. Ngoài ra, một số ca sau khi phẫu thuật để lộ ốc vít cũng cần phải loại bỏ.

BS Nguyễn Đình Phú cho biết, giải pháp lâu dài là sử dụng vật liệu tự tiêu. Tại Việt Nam, đến nay cũng chỉ mới ứng dụng vật liệu tự tiêu cho vài trường hợp, nhưng chỉ thực hiện được cho những trường hợp bị chấn thương nhẹ, gãy xương đơn giản, vùng xương nhỏ, ít chịu lực như: xương bàn tay, hai xương cẳng tay… Giá của vật liệu tự tiêu cao gấp ba-bốn lần so với các dụng cụ thông thường nên nhiều người bệnh không đủ khả năng lo liệu. Trẻ em bị gãy xương nên điều trị bảo tồn băng bột, hạn chế sử dụng nẹp, ốc vít vì ở lứa tuổi này, phần sụn tiếp hợp xương còn phát triển. Nếu “gắn” dụng cụ đinh, ốc vít vào đó, phần sụn tiếp giáp vùng xương ở vị trí đó sẽ tổn thương, hạn chế chiều cao của trẻ về sau. Tuy nhiên, nếu trẻ bị gãy xương có liên quan đến biến chứng thần kinh, mạch máu thì buộc phải phẫu thuật gắn nẹp, đinh ốc vít.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Khê (Phunuonline)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN