"Ổ" dịch bệnh ở lưng chừng trời

Nhiều người nghĩ, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ có thể sống ở nơi ao tù, nước đọng, môi trường ô nhiễm. Thế nhưng, nhà cao tầng và chung cư cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh.

Nếu không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, tại nhà cao tầng và chung cư cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh. Ảnh: Chí Cường

Mầm bệnh từ lọ hoa, cây cảnh chứa nước

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, TS Nguyễn Công Tảo – nguyên Trưởng khoa Xử lý dịch bệnh Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, không ít người nghĩ, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue chỉ sinh sản và gây bệnh SXH ở môi trường ao tù, nước đọng. Còn ở các khu vực nội thành, sống trên các tòa nhà cao tầng, chung cư cao tầng không có muỗi vằn gây bệnh SXH. Bởi vậy, họ thường chủ quan không mắc màn khi đi ngủ. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Mặc dù nguy cơ bị SXH ở nhà chung cư cao tầng ít hơn nhà mặt đất, khu  nhà trọ nhưng không phải là không có. Loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường sinh sống ở trong nhà và đẻ trứng sinh ra bọ gậy/lăng quăng tại những khu vực có chứa nước trong nhà như: Lọ hoa để trên bàn thờ, các dụng cụ kê chân chạn cho khỏi kiến, chậu hoa, cây cảnh chứa nước và các dụng cụ phế thải xung quanh nhà như vỏ chai lọ, lốp cao su, gáo dừa, chum vại... chứa nước mưa lâu ngày trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can.

Đặc biệt, trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành chum vại có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành lăng quăng rồi hình thành muỗi. Chính vì vậy mà ngay cả những nhà cao tầng, chung cư cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh khi có các dụng cụ chứa nước là muỗi có khả năng sinh sản và phát triển.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch mới đây, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ ở những nơi có nước trong, chứ không có đẻ nơi nước bẩn, cống rãnh. Hơn nữa, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chưa bao phủ được mọi hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng trong nhà, nhất là các phòng ở trên tầng cao vẫn gây ra nguy cơ mắc SXH Dengue. Bởi trong cùng một khu vực nếu còn một số hộ không phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh. Thậm chí, muỗi SXH sống từ tầng trệt đến tầng thượng, chung cư cao đến 12 tầng vẫn có, vì thế phun hóa chất cho tất cả các tầng rất quan trọng.

Muỗi truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Thường cứ vào mùa mưa, dịch SXH lại có chiều hướng gia tăng, phát triển mạnh từ tháng 4 - 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 - 10. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền SXH sinh sôi, gây bệnh.

Các “chiêu” chống muỗi hiệu quả

TS Nguyễn Công Tảo cho biết, môi trường là nguyên nhân cơ bản để muỗi bùng phát. Để diệt muỗi hiệu quả, mọi người cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ những nơi muỗi có thể trú ngụ.

Nước là môi trường để muỗi đẻ trứng nên cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, dụng cụ chứa nước lâu ngày như lọ hoa, cây phát lộc, bát nước, phi vại… để loại bỏ các ổ bọ gậy/lăng quăng sinh muỗi truyền SXH.

Thả cá vào bể nước để cá ăn lăng quăng, thay nước thường xuyên, cọ rửa để diệt nơi trứng muỗi sinh sôi. Không có lăng quăng, không có muỗi vằn sẽ không có bệnh SXH vì không có vật trung gian truyền bệnh. Ngoài ra, mắc màn, mặc quần áo dài. Nên mặc những trang phục màu trắng hay có gam màu nhẹ sẽ không gây chú ý đối với côn trùng để phòng muỗi đốt. Trồng một số cây chống muỗi như húng thơm, cây sả… hoặc nếu có điều kiện nên lắp các thiết bị cửa lưới chống muỗi. Tại các điểm tích nước trong nhà như kệ kê chân giường, lọ hoa… người dân nên cho muối vào trong đó. Khi muỗi đẻ trứng vào đó cũng không nở được mà muối có thể diệt được lăng quăng.

Hiện thị trường có nhiều sản phẩm quảng cáo diệt muỗi hiệu quả và không gây hại như kem, đèn chống muỗi, máy đuổi muỗi… Tuy nhiên, TS Nguyễn Công Tảo cho rằng, hiện chưa có sản phẩm diệt muỗi chuyên dụng.

Các chuyên gia khuyên, để phòng tránh muỗi, người dân có thể dùng hương muỗi hay thuốc xịt muỗi đã được Bộ Y tế cấp giấy phép và làm đúng hướng dẫn khi sử dụng sản phẩm. Nên đốt trong nhà khi mọi người đi vắng, sau khoảng 2 – 3 tiếng mới vào nhà trở lại. Các sản phẩm bôi trực tiếp vào da cần bôi thử trước khi dùng để tránh kích ứng, chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng và đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan y tế.

Với những loại thuốc xịt muỗi không đảm bảo chất lượng chỉ làm muỗi ngã gục một thời gian chứ không thể chết. Vì vậy, sau khi dùng thuốc xịt muỗi cần quét và gom lại để đốt, tránh tình trạng muỗi sống lại và bay đi. Việc phun hóa chất chỉ được chỉ định phun khi có dịch, không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi. Hóa chất nào cũng có chất độc hại, ngay cả những hóa chất diệt côn trùng được cấp chứng nhận về độ an toàn, tiếp xúc thường xuyên cũng không có lợi cho sức khỏe.

Trong thời điểm hiện nay, khi người bị sốt cao đột ngột 38 - 40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH Dengue, cần đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự chữa bệnh tại nhà, nhất là đối với trường hợp trẻ nhỏ nghi nhiễm SXH Dengue.

(Theo Cục Y tế dự phòng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận (Gia đình & Xã hội)
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN