Những hài nhi sống lại từ trong quan tài
Đôi khi, chính nơi hội tụ của những nỗi đau tột cùng số phận lại là nơi ươm mầm hạnh phúc thanh xuân. Hơn 50 em nhỏ, sống dưới mái nhà chung cô nhi Sao Mai, mỗi em một mảnh đời, một số phận, nhưng lại có điểm chung là được giải cứu sau tục “mẹ chết phải chôn con theo” của đồng bào Ra Jai và Bah Nah - nơi mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng, gió và những nỗi đau quặn lòng này…
Từ xưa, người Bah Nah, Ra Jai quan niệm, khi đứa trẻ lọt lòng mà người mẹ không may mất đi thì đứa con vừa sinh ra cũng phải theo mẹ về với Giàng. Những đứa trẻ may mắn thoát khỏi hủ tục này thường được người thân bí mật giải cứu khỏi lưỡi hái của tử thần.
Những hài nhi vô tội thoát chết từ trong quan tài của mẹ bởi hủ tục dã man.
Đa phần các em ở cô nhi Sao Mai đều là nạn nhân của những hủ tục lạc hậu. Nhỏ tuổi nhất khi đến với cô nhi Sao Mai, khi mới được hai ngày tuổi là Siu Vun. Vun sinh ngày 28/7/2009 tại huyện Mang Yang, cả bố mẹ Vun đều là người dân tộc Ra Jai.
Cho đến bây giờ, các sơ ở trung tâm vẫn xem Siu Vun là một “phép màu sự sống”. Không ai nghĩ rằng, bước qua những ngày đầu tiên của cuộc đời phải lang thang khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh, em có thể sống và có được như ngày hôm nay.
Ngày Siu Blới (mẹ của Siu Vun) mang thai thì khỏe như con voi rừng, cho dù đến tháng thứ tám, thứ chín rồi nhưng vẫn lên rừng làm rẫy, phát nương. Một buổi chiều cuối tháng 7 năm ấy, mưa rừng như trút nước, mẹ Vun đau bụng và hạ sinh Vun nhưng bị băng huyết.
Theo phong tục, ông ngoại và cha Vun đi mời thầy mo về cúng. Càng cúng, mẹ Vun càng đau bụng, hơn một ngày sau mẹ Vun qua đời. Gia đình họ hàng lo làm ma cho mẹ Vun, còn ông ngoại bế Vun quăng ra chuồng bò bên hông nhà chờ chết rồi chôn luôn cùng mẹ.
Bố Vun muốn cứu nhưng ông bà ngoại không cho phép. “Một người ông họ tên Kpă Do là cán bộ từ huyện Đắc Đoa đến đưa tang Siu Blới, lúc đi vệ sinh phía hông nhà đã phát hiện Vun đang nằm không một mảnh vải che thân. Ông ôm Vun vào lòng rồi cởi áo bọc vào, đem về cô nhi Sao Mai nhờ giúp đỡ” - sơ Nguyễn Thị Khiết nghẹn ngào trong tiếng nấc.
Vun được đem về cô nhi trước khi chôn mẹ đúng 3 giờ đồng hồ. Đến cô nhi, người Vun sưng vù, nổi lên những nốt to như ngón tay và tím ngắt vì lạnh, bị ruồi trâu đốt khắp người. Nhìn thấy đứa trẻ chín phần chết, một phần sống, lòng sơ Khiết và các bảo mẫu tại cô nhi đau nhói.
Và mãi đến sau này Kpă Do mới thổ lộ rằng: “Quả thật, khi đó chỉ có điều diệu kỳ mới cứu sống được Vun, chứ khó lòng giữ nổi cái mạng của đứa bé”.
Sức sống trỗi dậy, sau hơn 4 tháng lặn lội đi hết bệnh viện Gia Lai đến bệnh viện Nhi TP. Hồ Chí Minh, Vun đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cho đến hôm nay, nhìn Vun trắng trẻo, bụ bẫm đáng yêu, đôi mắt long lanh to tròn, không ai nghĩ rằng sự sống lại kỳ diệu đến thế.
Sơ Khiết kể, ngày mới nhận về, người cháu bốc mùi lên rất khó chịu, vì khi sinh ra không được tắm rửa, hơn sáu tháng dùng đủ mọi thuốc lá tắm cho cháu mới đỡ mùi, giờ thì cháu đã biết bò và bắt đầu biết đứng, nhìn cháu đẹp như tranh vẽ.
Nói rồi đôi mắt sơ Khiết nhìn Vun rạng ngời âu yếm. “Hơn một năm rồi, Siu Veh là bố của Vun có đến thăm 3 lần. Và chỉ khi nào được sự đồng ý của ông bà ngoại Veh mới được bế con” - sơ Khiết nói. Mỗi lần Veh đến, sơ Khiết đều muốn cho con mang về mà nuôi, giờ cháu đã cứng cáp rồi.
“Siu Veh cũng muốn lắm nhưng chỉ tội không dám, cho nó ở đây để nó thành người Kinh, còn Veh phải về cưới vợ hai, mang về sợ vợ nó không đồng ý, nó không chăm sóc, lại đánh đập thì khổ” - sơ Khiết kể.
“Lá bùa sống” của những linh hồn oan nghiệt
Sơ Khiết nhớ lại câu chuyện rùng rợn từ một người tên Rơ Mah Ayun hốt hoảng đưa bé Ksor Quỳnh đến đây khi bé vừa tròn 5 ngày tuổi. Vào một buổi chiều mưa tầm tã, người đàn ông này mang cháu Ksor Quỳnh đến và mong được cứu giúp bởi người mẹ và đứa con… “trời” này vừa bị chôn sống ở một ngôi làng thuộc huyện Chư Sê.
Hỏi ra mới biết, chồng chị H'Lek chết sớm, một mình nuôi năm đứa con thơ. Sống trong nỗi hiu quạnh không bóng đàn ông cũng dễ mủi lòng, nên một đêm “trở gió”, chị đã phải lòng với một người đàn ông nào đó và có mang. Đến ngày sinh nở, một đứa bé gái ra đời nhưng chị bị băng huyết, chết sau đó mấy giờ.
Bị họ hàng, người làng từ chối vì lệ làng không cho phép để đứa trẻ sống. Người ta tiến hành chôn cả mẹ và con, dù đứa con vẫn đang sống. Đứa bé được buộc vào người mẹ trong tiếng khóc ré, cho về đất trong sự thản nhiên của mọi người vì đó là chuyện... hiển nhiên đã mặc định qua nhiều thế hệ.
Đêm nghe tiếng trẻ khóc nhưng sáng sớm lại không thấy có trẻ con nào được sinh ra, nên lúc bấy giờ Rơ Ma Ayun, vừa là hàng xóm, vừa là người thân của gia đình đã đến hỏi chuyện mới biết đứa bé đã bị chôn cùng mẹ sáng sớm rồi.
Khi biết đứa trẻ bị chôn, Rơ Ma Ayun cùng mấy người cán bộ vội đi tìm và moi đứa bé lên, ôm chạy đến trung tâm Sao Mai để cứu chữa. “Nó còn sống!” - Rơ Ma Ayun khi đó hô to” - sơ Khiết nghẹn lòng nói. Ngày đặt tên cho bé, các sơ đã lấy tên Ksor Quỳnh - một đứa con được moi lên từ lòng đất mẹ.
Không chỉ có Siu Vun, Ksor Quỳnh mà ở cô nhi có hàng chục đứa trẻ được giải cứu từ trong quan tài của mẹ. Có em bây giờ đã lớn và đang học lớp mười một, mười hai ở phố núi Pleiku này.
Hai chị em Hó và Hơm dân tộc Bah Nah quê ở làng Li Pong, xã Ayun, huyện Mang Yang cũng là những nạn nhân của những số phận ác nghiệt phải chịu án hình của hủ tục lạc hậu dã man này.
Hó năm nay đã 17 tuổi đang học lớp 11 ở trung tâm giáo dục thường xuyên Pleiku, còn Hơm 14 tuổi đang học lớp 9 ở giáo xứ Thanh Hà, huyện Chư Prông.
Năm 1996, Hó được 3 tuổi, Hơm được 3 tháng thì mẹ bị rắn độc cắn chết. Hó bảo ông bà ngoại em kể rằng, cũng giống như phong tục của đồng bào, mẹ Hó phải lên rẫy. Khi đang phát rẫy, một con rắn độc đã lao ra cắn vào bắp chân của mẹ, mẹ vẫn tiếp tục làm đến chiều tối.
Khi thấy chóng mặt mẹ mới về. Gần tới đầu làng thì mẹ Hó gục xuống, bà con làng xóm đưa mẹ về nhà thầy mo cúng đuổi con ma, được một lúc thì mẹ Hó sùi bọt mép và chết.
Khi ấy Hơm được chính tay bố mình bỏ vào quan tài cùng mẹ, còn Hó bị đem ra đầu làng và đuổi đi. Cả hai chị em cùng khóc nhưng chẳng có ai đến cứu. Lúc chuẩn bị đưa tang có cán bộ xã đến, họ đã yêu cầu gia đình bỏ Hơm ra và yêu cầu đi đón Hó về.
Cả hai chị em được gửi đến cô nhi Sao Mai nuôi lớn. Giờ bố đã lấy vợ hai và sinh 3 đứa em. Hơn chục năm ở đây, bố và dì chẳng lên thăm lấy một lần.
Chỉ khi nào tết và ngày giỗ mẹ thì hai chị em lại xin sơ cho về. Hó và Hơm xem đây là nhà thôi. Tôi hỏi ước mơ của em sau này làm gì? Hó bảo em chỉ thích làm bác sỹ để sau này về giúp dân làng chữa bệnh, để họ không tin vào “con ma” nữa.
Đến với cô nhi Sao Mai, lắng nghe những câu chuyện, soi vào mỗi mảnh đời mới thấy ý nghĩa lớn lao từ những công việc lặng thầm của các sơ, các bảo mẫu. Những người mẹ ấy vẫn một lòng gắn bó với những đứa trẻ mồ côi, luôn mỉm cười và dang rộng vòng tay yêu thương ấm áp, với hy vọng bù đắp phần nào thiệt thòi cho các em.
Có thể nói rằng, không phải chiến tranh, không phải ốm đau, bệnh tật, nhưng từ bao đời nay đã có hàng trăm người đàn ông dân tộc ít người như: Ra Jai, Ba Na, Xê Đăng, Kà Ai, S'tiêng, Ma Coong... phải sống trong cô độc và xót xa bởi họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân khi đã tự tay chôn đi những đứa con của mình vì người vợ không thể sống tiếp trên đời.