Nhiều bệnh chữa không khỏi chỉ vì lý do đơn giản ít ai biết

Nhiều người bị ngứa dị ứng, mày đay, nhiệt miệng, khó ngủ…đi khám không ra bệnh, uống thuốc mãi không khỏi. Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì những người có triệu chứng đó có khả lớn là thiếu kẽm.

Nhiều bệnh chữa không khỏi chỉ vì lý do đơn giản ít ai biết - 1

Bạn hay bị dị ứng mà không rõ nguyên nhân, rất có thể là do thiếu kẽm. Ảnh minh họa

Cháu Hưng ở Khâm Thiên, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Cháu bị mày đay nhưng uống thuốc điều trị bệnh mày đay mãi không khỏi. Cứ hết thuốc là bệnh cháu lại tái phát. Chị Hòa, mẹ cháu Hưng đưa cháu đi các bệnh viện như Da liễu, Viện K, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng; viện Lao…nhưng không ra bệnh. Khi chị Hòa đưa cháu Hưng đi khám ở Viện Dinh dưỡng thì được bác sĩ chẩn đoán là cơ thể thiếu kẽm.

Sau khi uống thuốc theo đơn của bác sĩ Dinh dưỡng, cháu Hưng đã khỏi bệnh mày đay. Cứ 6 tháng cháu uống một đợt thuốc kéo dài khoảng 1 tháng. Sau hai năm, cháu hoàn toàn dứt bệnh.

Tương tự, chị Thanh, 38 tuổi ở Định Công, Hà Nội. Chị Thanh mắc chứng rụng tóc và khó ngủ. Chị uống thuốc đông tây y đủ cả nhưng mãi chứng nào vẫn nguyên bệnh ấy. Cuối cùng chị đi khám dinh dưỡng thì được bác sĩ kết luận là cơ thể thiếu kẽm.

Chỉ sau hai đợt dùng thuốc theo đơn của bác sĩ dinh dưỡng, chị Thanh đã khỏi chứng mất ngủ, tóc cũng không bị rụng nữa.

Theo bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi cơ thể thiếu kẽm sẽ rất dễ mắc phải các bệnh như khó ngủ, rối loạn thần kinh, tăng động, dị ứng, nhiệt miệng, nấm bản đồ, rụng tóc, móng chân móng tay dễ gãy, mụn trứng cá…

Nhiều bệnh chữa không khỏi chỉ vì lý do đơn giản ít ai biết - 2

Thiếu kẽm cũng gây nên chứng rụng tóc. Ảnh minh họa

Những biểu hiện bất thường của cơ thể hoặc các bệnh lý khi cơ thể thiếu kẽm có thể dẫn tới các rối loạn thần kinh, góp phần tạo nên bệnh tâm thần phân liệt, gây rối loạn tập tính, kém thích nghi với các biến đổi. Nếu thiếu kẽm sẽ làm cho tóc xơ cứng, màu tóc chuyển dần từ đen sang vàng, móng tay dễ bị gãy, khi gãy chậm mọc lại, có những bớt trắng, da bị khô, sạm. Thiếu kẽm, sự nhạy cảm của vị giác bị giảm hoặc mất hẳn, ăn thức ăn có vị ngọt mà cảm thấy đắng, ăn không ngon, chán ăn, viêm niêm mạc miệng...

Số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, ở nước ta, có khoảng 30-40% trẻ em và hầu hết nữ trong tuổi sinh đẻ đều thiếu kẽm. Nguyên nhân do chế độ ăn có nhiều chất bột ít chất đạm, do chế biến (trong thực vật kẽm nằm ở phấn hoa nhụy lá mầm của hạt, xay xát nhiều làm mất kẽm), do bệnh tật (bệnh đường ruột làm cho kẽm khó hấp thu), do di truyền (bệnh acrodematis, cơ thể không hấp thu được kẽm, da bị nám xung quanh khuỷu tay, đầu gối, mặt, mông) và đôi khi do dùng thuốc (dùng sắt lâu dài sẽ cản trở sự hấp thu kẽm).

Những người có nguy cơ cao thiếu kẽm là người ăn kiêng, ăn chay thường xuyên; Người già hoặc những người tiêu thụ nhiều rượu; Thiếu kẽm cũng hay gặp ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú; Thiếu niên trong thời kỳ tăng trưởng hoặc tuổi dậy thì; Những người bị bệnh loét dạ dày, đái tháo đường hoặc tiêu chảy tái diễn, những người hệ tiêu hóa kém.

Kẽm là một trong những chất có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Kẽm làm tăng sinh sản (phân chia) tế bào, nhất là ở giai đoạn bào thai, lúc tuổi nhỏ, trưởng thành, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp acid nucleic, protein, những thành phần căn bản của sự sống.

Chính vì vậy, nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ đối mặt với những rối loạn về sức khỏe.

Nhiều bệnh chữa không khỏi chỉ vì lý do đơn giản ít ai biết - 3

Thiếu kẽm cũng gây nên chứng tăng động ở trẻ. Ảnh minh họa

Những bệnh lý mắc phải khi cơ thể thiếu kẽm:

1. Khả năng miễn dịch kém

Khi cơ thể không hấp thu đủ kẽm, hệ thống miễn dịch sẽ bị suy yếu, từ đó làm cho cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh về đường hô hấp.

2. Xuất hiện mụn trứng cá

Bạn có biết 6% tổng số kẽm trong cơ thể nằm trong da của bạn? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị mụn trứng cá “tấn công” tới tấp là do nồng độ kẽm trong cơ thể thấp.

3. Dị ứng

Căng thẳng liên tục có thể ảnh hưởng tới chức năng của tuyến thượng thận gây ra sự thiếu hụt kẽm. Trong khi đó, kẽm lại đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự giải phóng histamin vào trong máu. Sự thiết hụt khoáng chất này làm nồng độ histamine vượt quá giới hạn cho phép làm bạn xuất hiện các triệu chứng dị ứng điển hình như sổ mũi, phát ban, sưng, hắt hơi… và nó cũng có thể làm tăng độ nhạy của bạn với dị nguyên (tác nhân gây dị ứng).

4. Rò rỉ ruột

Rò rỉ ruột là một hội chứng mà các hạt thức ăn không tiêu được vào máu gây ra các phản ứng miễn dịch. Tất nhiên, thiếu kẽm không phải là lý do duy nhất gây ra hội chứng rò rỉ ruột nhưng bổ sung kẽm đã được chứng minh giúp thắt chặt thành ruột, hỗ trợ điều trị hiệu quả hội chứng này.

5. Rối loạn giấc ngủ

Melatonin là một hormone tối quan trọng giúp bạn đi vào giấc ngủ. Trong khi đó, kẽm đóng một vai trò quan trọng trong cả sản xuất và khả năng hoạt động của melatonin. Vì vậy, mất ngủ cũng là một trong dấu hiệu bị thiếu kẽm.

6. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Tại Mỹ, có khoảng 6,4 triệu trẻ em được chẩn đoán mắc ADHD vào năm 2011. Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn liên quan đến sự phát triển thần kinh. Mặc dù phương pháp chữa trị bằng vitamin và khoáng chất vẫn chưa có đủ bằng chứng để hỗ trợ điều trị ADHD nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy có một liên hệ giữa tăng động và mức độ thấp của kẽm trong nước tiểu.

7. Rụng tóc

Mức độ thấp của hormone tuyến giáp mà biểu hiện ra bên ngoài là rụng tóc có thể chỉ ra rằng cơ thể bạn không hấp thu đủ lượng kẽm thiết yếu.

8. Tăng trưởng chậm

Cơ thể con người cần kẽm cho sự tăng trưởng của hệ cơ xương khớp khỏe mạnh. Thật không may, thiếu kẽm đang ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới, ngay cả ở các nước phát triển.

9. Giảm khả năng sinh sản

Mặc dù thiếu kẽm không có khả năng làm cho bạn bị hiếm muộn nhưng nó đóng một vai trò quan trọng giúp hệ thống sinh sản của con người chạy được trơn tru. Cụ thể, ở nam giới, kẽm rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của tinh hoàn và khả năng vận động của tinh trùng. Với phụ nữ, nồng độ kẽm thấp có liên quan tới sinh non, cân nặng khi sinh thấp và nhiều vấn đề hơn nữa.

10. Bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer đã trở thành “đại dịch” ở các nước đang phát triển. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, Alzheimer và thiếu kẽm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Khánh (Gia Đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN