Người phụ nữ được truyền trên 32 lít máu, hơn 86 lít tiểu cầu trong 3 năm

Sự kiện: Ung thư máu

“Trong cơ thể tôi hiện tại không chỉ có dòng máu của cha mẹ mà còn được hòa quyện, được sống nhờ những giọt máu tình nguyện của cộng đồng”, bà Dậu chia sẻ.

Tại buổi họp báo Chủ Nhật đỏ: “Hiến máu cứu người - sinh mệnh của ban và tôi” diễn ra chiều nay - 12/12 ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bà Phạm Thị Dậu (63 tuổi, quê Thái Bình) - một bệnh nhân suy tủy xương cho biết, trong 3 năm điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, bà đã được truyền trên 32 lít máu, hơn 86 lít tiểu cầu.

"Trong cơ thể tôi hiện tại không chỉ có dòng máu của cha mẹ mà còn được hòa quyện, được sống nhờ những giọt máu tình nguyện của cộng đồng. Tôi gửi lời cảm ơn đến cộng đồng, những người đã san sẻ giọt máu của mình để giúp đỡ những người bệnh cần máu" - bà Dậu nói.

Bà Phạm Thị Dậu (63 tuổi, quê Thái Bình) - một bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học 3 năm qua. (Ảnh: TP).

Bà Phạm Thị Dậu (63 tuổi, quê Thái Bình) - một bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học 3 năm qua. (Ảnh: TP).

Thấy được ý nghĩa lớn của chương trình Chủ Nhật Đỏ với những người bệnh nói chung và với bản thân nói riêng, bà Dậu cho biết sẽ lan tỏa đến gia đình, bạn bè, người thân cùng tham gia hiến máu tình nguyện trong thời gian tới.

Với thông điệp “Hiến máu cứu người – Sinh mệnh của bạn và tôi”, ngày hội Chủ Nhật Đỏ đã trở thành sự kiện thường niên trên toàn quốc nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm.

Từ 1 điểm hiến máu tại Hà Nội với chỉ 96 đơn vị máu được tiếp nhận, ngày hội Chủ Nhật Đỏ đã thực sự lớn mạnh, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của tinh thần nhân ái, sẻ chia, được tổ chức tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước với hàng trăm điểm hiến máu, tiếp nhận khoảng 45.000 - 50.000 đơn vị máu mỗi năm.

Bà Phạm Thị Tình (sinh năm 1962, quê Hòa Bình, hội chứng loạn sản tủy xương) phát hiện bệnh từ 2019. Sau nhiều lần chuyển viện và xét nghiệm để xem vì lý do gì thiếu máu, đến năm 2020, bà Tình chuyển đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. “Có những ngày tôi truyền 6 đến 7 đơn vị máu, một mình tự đi lại”, bà Tình cho biết.

Ảnh: TP.

Ảnh: TP.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: Đây là năm thứ 16 chương trình Chủ Nhật Đỏ được tổ chức. Đó là cả hành trình từ một sự kiện hiến máu nhỏ thành một phong trào hiến máu lớn như hiện nay. Năm đầu tiên tổ chức, Chủ Nhật Đỏ chỉ tiếp nhận 96 đơn vị máu đến nay đã có từ 40-50 tỉnh/thành phố tham gia, đồng hành liên tục. Bên cạnh đó, còn có những đơn vị có năng lực huy động, tiếp nhận số lượng máu lớn. Điều quan trọng là chương trình đã mang tinh thần hiến máu tình nguyện đến rất nhiều nơi, lan tỏa phong trào “Hiến máu cứu người”.

Cũng theo Nhà báo Lê Xuân Sơn, chương trình Chủ Nhật Đỏ cùng với Lễ hội Xuân Hồng và Hành trình Đỏ là 1 trong 3 phong trào hiến máu tình nguyện lớn hiện nay, là phong trào nòng cốt, lan tỏa rộng rãi tinh thần, phong trào hiến máu tình nguyện mạnh trên toàn quốc.

Hiến máu tình nguyện năm nay có sự tham gia của 45 tỉnh/thành phố. Đây là các địa phương năm ngoái đã tham gia và năm nay tiếp tục đồng hành cùng chương trình. Ngoài ra, còn có những tỉnh khác ở miền núi cũng muốn tham gia chương trình, nhưng năng lực tiếp nhận máu của các đơn vị ở địa phương đang hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW thông tin Viện đã hỗ trợ trên 3.000 đơn vị máu cho miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong một năm qua.

"Gần đây, biết thông tin Viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vẫn đang mua sắm các trang thiết bị tiếp nhận máu, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành đến khi có máu trở lại"- PGS.TS Nguyễn Hà Thanh khẳng định.

Ngày 24/12/2023, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình hiến máu Chủ Nhật Đỏ lần thứ XVI - năm 2024 sẽ chính thức khai mạc.

Nguồn: [Link nguồn]

Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư máu cấp tính

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp tính.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Ung thư máu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN