Người phụ nữ bị hôn mê, hoại tử gan được cứu sống thần kỳ
Chỉ trong vòng 6 tiếng, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, lơ mơ, vàng da, loạn thần, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên rất nặng.
Sáng 7/5, Bệnh viện Việt Đức thông tin về ca ghép gan đặc biệt. TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngày 22/4 đã trở thành một dấu ấn đặc biệt trong chuỗi hành trình làm chủ kỹ thuật cao của các thầy thuốc Việt Đức.
Đó là lần đầu tiên một trường hợp suy gan tối cấp, suy thận, đang điều trị hồi sức được ghép gan thành công từ người cho gan chết não.
Bác sĩ thực hiện kỹ thuật ghép tạng.
Bệnh nhân có tiền sử vô sinh hiếm muộn, đã đặt phôi 3 lần nhưng đều thất bại. Ngày 14/4, bệnh nhân được chuyển phôi lần thứ 4, phải dùng nhiều thuốc hỗ trợ phôi, giảm co bóp tử cung sau đó chị thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, một ngày sau xuất hiện nói nhảm, kích động. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì phát hiện men gan tăng cao, không có thai trong buồng tử cung nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), tình trạng của bệnh nhân trở nặng rất nhanh. Chỉ trong vòng 6 tiếng, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, lơ mơ, vàng da, loạn thần, tổn thương phổi lan tỏa 2 bên rất nặng, được đặt máy thở. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp, hội chứng não gan độ II trên nền tiền sử viêm gan B chưa rõ.
Nếu không được ghép gan, chỉ 1-2 ngày bệnh nhân có thể tử vong. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để xem xét ghép gan cấp cứu.
Chồng bệnh nhân sẵn sàng hiến gan để ghép cho vợ nhưng cả hai lại không hòa hợp nhóm máu. Khi đang ở lằn ranh sinh tử chiến đấu với bệnh suy gan giai đoạn cuối, khi tưởng chừng như hy vọng không còn, phép màu đã đến với chị, đã có lá gan phù hợp với chị từ người cho chết não. Đồng thời với ca ghép này, các bác sĩ cũng thực hiện ca ghép tim, ghép thận.
Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ có nhiều băn khoăn. Bệnh nhân có nhiều yếu tố tiên lượng nặng, suy gan tối cấp, hoại tử trên 80% nhu mô, suy đa tạng, tổn thương phổi nặng. Trong khi đó, danh sách chờ ghép của bệnh viện có tới 30 bệnh nhân đang chờ. Nếu ghép cho bệnh nhân này thì bệnh nhân khác mất cơ hội.
Tuy nhiên, do sự sống của bệnh nhân chỉ tính bằng ngày, máu không đông, suy thận cấp, tất cả chức năng thải độc của gan đã không còn hoạt động... Rối loạn toàn thể mà gốc là do gan. Nếu không can thiệp hiệu quả thì bệnh nhân sẽ tử vong trong khoảng 48 giờ, nên lãnh đạo bệnh viện đã quyết định ghép cho bệnh nhân H.
TS Hùng cũng chia sẻ: Chúng tôi đã có những quyết định khó khăn vô cùng, nhưng dựa trên tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân và tự tin về năng lực chuyên môn của thầy thuốc, về trang thiết bị đang có, hội đồng đã quyết tâm cứu bệnh nhân. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã họp và có quyết định táo bạo là thực hiện ca ghép này. Mặc dù biết xác suất thành công khi ghép gan cho bệnh nhân không cao, nhưng các y bác sĩ vẫn cố gắng áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, chiến đấu từng phút giây trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.
Ca ghép kéo dài 9 tiếng, quá trình ghép diễn ra tương đối thuận lợi dù bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng nề. Đến ngày thứ 14, các xét nghiệm của bệnh nhân gần như về giới hạn bình thường, tổn thương phổi phục hồi. Bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể ngồi dậy, tự ăn uống được, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
"Thành công này đã tiếp tục khẳng định vị thế của Bệnh viện Việt Đức, khẳng định trình độ của thầy thuốc Việt Nam trong ghép tạng đã tiệm cận trình độ thế giới.
Việc thực hiện thành công ca ghép gan cho bệnh nhân H. từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng"- TS Dương Đức Hùng nói.
12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp thực hiện ghép phổi.
Nguồn: [Link nguồn]