Người đàn ông có đến 200 viên sỏi trong bàng quang, căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?
Sỏi bàng quang là bệnh lý xảy ra phổ biến ở nam giới do nhiều nguyên nhân khách quan gây ra, vì vậy bạn cần đặc biệt chú ý.
Mới đây, một người đàn ông họ Trương ở Thượng Hải, Trung Quốc được bác sĩ gắp ra khoảng 200 viên sỏi trong bàng quang, trong đó có 5 viên có đường kính lên tới 2cm.
Ông Trương cho biết, cách đây 10 năm, mình từng được chẩn đoán bị sỏi bàng quang nhưng vì chấn thương tủy sống, bị liệt chi dưới nên cảm thấy không quá khó chịu. Thế nhưng, cách đây nửa tháng khi đi tiểu ra máu, ông mới được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó, bác sĩ phát hiện bàng quang của ông chứa đầy sỏi, thận bị ứ nước, giãn niệu quản 2 bên, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những viên sỏi gắp ra từ bàng quang ông Trương.
Bác sĩ cảnh báo nếu không mổ gấp, tình hình sẽ chuyển biến xấu, ông Trương sẽ bị nhiễm độc niệu.
Bác sĩ cho biết, bàng quang của ông Trương đã mất đi tính đàn hồi, xơ hóa sau khi bị sỏi gây tắc nghẽn trong nhiều năm. Ngoài ra, vì ông bị liệt, lâu ngày không vận động, lớp mỡ dưới da rất dày cản trở việc phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật xong, ông Trương cười nói: “Có 4 đến 5 viên sỏi đường kính 2cm, tổng trọng lượng 195g, cầm trên tay cảm thấy hơi nặng”.
Tại sao sỏi bàng quang phổ biến hơn ở nam giới?
Sỏi bàng quang là bệnh thường gặp ở khoa tiết niệu, bệnh này thường phổ biến ở nam giới, tỷ lệ nam nữ là 10:1. Nguyên nhân là do niệu đạo của nam giới mảnh và cong, đặc biệt người cao tuổi thường bị tăng sản tuyến tiền liệt, dễ gây tắc nghẽn đường tiết niệu, tạo sỏi.
Ngoài ra, thói quen ăn uống của nam giới thường giàu protein, nhiều purin, khi vào cơ thể dễ kết tủa oxalat trong nước tiểu tạo thành sỏi bàng quang.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
- Uống ít nước
Uống ít nước sẽ làm tăng độ nhớt của máu, tạo gánh nặng cho thận. Khi nước tiểu cô đặc, muối vô cơ trong nước tiểu sẽ dần kết tinh và tích tụ, làm tăng nguy cơ sỏi thận, sỏi bàng quang.
Ngoài ra, nước uống ở một số nơi có hàm lượng tinh thể và canxi cao, uống lâu ngày dễ tạo sỏi.
- Nhịn tiểu
Vì bàng quang có thể giãn nở nên lượng nước tiểu tích tụ lại càng nhiều. Khi nồng nộ muối vô cơ trong nước tiểu tích tụ quá lâu, rất dễ hình thành sỏi.
- Tiêu thụ thức ăn giàu protein và nhiều purin
Người trưởng thành cần 60 – 80g protein mỗi ngày. Những người thích ăn thịt thường bị dư thừa protein. Sau khi protein được tiêu hóa và chuyển hóa, cơ thể sẽ tạo ra canxi và axit uric, nó rất dễ tích tụ tạo thành sỏi trong hệ tiết niệu.
Thực phẩm giàu purin, chẳng hạn như nội tạng động vật, hải sản, đậu và các loại thực phẩm khác, sản phẩm cuối cùng của quá trình trao đổi chất trong cơ thể là axit uric, nó sẽ thúc đẩy sự kết tủa của oxalat trong nước tiểu tạo sỏi.
- Ăn mặn
Khi hàm lượng muối cao trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu cũng sẽ làm tăng đào thải canxi. Canxi trong nước tiểu dễ kết hợp với axit oxalic tạo thành sỏi.
- Ăn quá ngọt
Sau khi ăn đường, nồng độ ion canxi trong nước tiểu, axit oxalic và độ chua của nước tiểu sẽ tăng lên. Nồng độ axit uric tăng cao có thể làm cho canxi urat và canxi oxalat dễ kết tủa, thúc đẩy quá trình hình thành sỏi.
- Không thích ăn rau và trái cây
Rau và trái cây chứa vitamin B1 và vitamin C. Chất chuyển hóa cuối cùng trong cơ thể có tính kiềm, axit uric dễ tan trong nước tiểu có tính kiềm, nếu không thích ăn rau và trái cây sẽ dễ hình thành sỏi.
- Ăn tối quá muộn
Thời điểm bài tiết canxi cao nhất của con người thường là 4 đến 5 giờ sau khi ăn. Nếu bạn ăn tối quá muộn, khi đến thời điểm đào thải canxi đã đi ngủ, nước tiểu sẽ đọng lại trong niệu quản, bàng quang, nếu không được thải ra ngoài kịp thời sẽ khiến lượng canxi trong nước tiểu tăng lên, lắng đọng lại tạo thành các tinh thể nhỏ, lâu dần sẽ tạo thành sỏi.
Làm sao để ngăn ngừa sỏi bàng quang?
- Điều trị tận gốc bệnh lý gây sỏi
Bạn cần điều trị tận gốc các bệnh nhiễm trùng hệ tiết niệu như viêm bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, co thắt bàng quang… để tránh tạo sỏi.
- Tăng lượng nước uống
Trong trường hợp chức năng tim và thận bình thường, bạn nên uống nhiều nước để pha loãng nước tiểu, tránh lắng đọng các tinh thể muối. Lượng nước thích hợp cho một người bình thường uống là trên 2 lít, khoảng 2,5 lít là hợp lý nhất.
Nếu ra nhiều mồ hôi hoặc mất nhiều nước trong công việc và sinh hoạt, bạn có thể tăng lượng lên.
- Tần suất đi tiểu hợp lý
Người cao tuổi nên tăng tần suất đi tiểu một cách hợp lý, cố gắng không giữ lại nước tiểu trong bàng quang để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng và tạo sỏi.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh phù hợp theo thành phần của sỏi.
Ví dụ bệnh nhân bị sỏi oxalat nên ăn ít rau muống, khoai tây. Bệnh nhân bị sỏi photphat nên ăn chế độ ít canxi photphat. Bệnh nhân sỏi urat nên ăn ít gan, thận động vật và các loại đậu.
Ngoài ra, bạn nên chế biến thực phẩm ở dạng hấp thay vì chiên xào, ăn nhạt, hạn chế đồ ngọt và thức ăn giàu purin.
Nguồn: [Link nguồn]
David Villa là cựu cầu thủ của đội tuyển Tây Ban Nha. Anh sinh năm 1981, là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất mọi...