Nếu nhà có trẻ nhỏ, đừng đốt tinh dầu
Thói quen đốt tinh dầu tưởng chừng như vô hại nhưng với trẻ con nó lại cực kỳ nguy hiểm vì niêm mạc mũi của trẻ nhỏ, nếu hít phải tinh dầu có thể gây ngộ độc.
Đốt tinh dầu thơm rất nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Cả nhà buồn nôn, chóng mặt vì tinh dầu
Chị Bùi Thị Hương trú tại Văn Quán, Hà Nội vẫn chưa thể nào quên được mùa đông trước, khi ngủ dậy, chị thấy người choáng váng buồn nôn. Con gái chị cũng bị giống như vậy.
Ban đầu, chị còn tưởng do thức ăn hoặc triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não. Nhưng sau một thời gian cả hai mẹ con vẫn không đỡ, chị đi khám. Nghe chị kể lại, bác sĩ nghi ngờ có thể do tinh dầu chị đã đốt để sưởi ấm.
Chị Hương kể, mùa đông lạnh, để không khí trong nhà thêm ấm, chị mua ít tinh dầu hoa oải hương về đốt. Mùi thơm rất dễ chịu nên cả nhà chị ai cũng thích. Chị không tin nó khiến cho hai mẹ con chị cùng bị chóng mặt, buồn nôn nên vẫn dùng thêm một thời gian nữa và triệu chứng buồn nôn vẫn xảy ra. Lúc này, chị Hương mới tin và ngưng đốt tinh dầu.
Hay như trường hợp của gia đình chị Vũ Thị Quế trú tại Xa La, Hà Đông, con chị 9 tháng tuổi phải nhập viện vì ngộ độc tinh dầu do mẹ đốt.
Chị Quế thích mùi tinh dầu khuynh điệp kết hợp với cỏ xạ hương, rễ cây hương bài nên mua về nhà đốt để làm ấm không khí và giảm bớt mùi ẩm mốc trong nhà. Nào ngờ, bé con nhà chị hít phải cứ khóc dặt dẹo và bỏ bú.
Cả nhà không biết vì sao cháu khóc nên cho cháu tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ tìm hiểu vẫn không ra bệnh, cháu cũng không có biểu hiện quấy khóc. Nhưng cứ về đến nhà, ngửi thấy mùi tinh dầu, cháu lại gào khóc. Lúc này, mọi người mới nghi ngờ, có thể do cháu không chịu được mùi tinh dầu mà mẹ cháu đốt.
Nguy hiểm khôn lường
PGS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai, cho biết việc đốt tinh dầu ở các gia đình hiện nay là vô cùng nguy hiểm. Người ta cứ nghĩ tinh dầu là tốt nhưng không phải với ai cũng tốt, đặc biệt là trẻ con.
PGS Dũng cũng từng gặp bệnh nhân ngộ độc tinh dầu, nến thơm. Theo PGS Dũng, niêm mạc mũi của người lớn dày nên khi họ ngửi thấy mùi tinh dầu cảm thấy không sao, thậm chí thấy dễ chịu, hưng phấn nhưng trẻ con thì không.
Ngay cả có trường hợp bệnh nhi, người nhà đốt tinh dầu bồ kết để diệt vi khuẩn nhưng trái lại vi khuẩn không thấy đâu, con đã ngộ độc mùi tinh dầu bồ kết. Mũi trẻ con rất nhạy cảm nên dễ kích ứng niêm mạc gây ngộ độc.
Hơn nữa, theo PGS Dũng, tất cả các vị thuốc bên ngoài, về nguyên tắc cái gì dùng quá nhiều cũng không tốt. Tinh dầu có thể hấp thu được thì phải qua niêm mạc. Niêm mạc của trẻ con rất mỏng, dễ hấp thu và kích ứng.
Không ví đâu xa, PGS Dũng nhấn mạnh, có những thuốc nhỏ mũi người lớn nhỏ chục giọt cũng không sao nhưng với trẻ, nhỏ xong 1 – 2 giọt là ngộ độc luôn.
Ngoài ra, nhiều người có cơ địa dị ứng cũng rất dễ dị ứng mùi thơm. Khi tiếp xúc với chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, xuất hiện các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát.
Không chỉ nguy cơ gây kích ứng, ngộ độc mà theo PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hoá học trường Đại học quốc gia Hà Nội, việc sử dụng tinh dầu thơm này còn nguy hiểm hơn nếu không phải làm từ tinh dầu thơm tự nhiên mà là tinh dầu thơm hoá học vốn có nguồn gốc dạng benzene đa vòng thơm và các dẫn chất của benzene.
Tinh dầu tự nhiên rất đắt nên các nhà sản xuất muốn giảm giá thành sử dụng các vòng thơm của benzene thay thế nó. Người tiêu dùng đôi khi mua phải tinh dầu thơm chất lượng kém có chứa mùi thơm hoá học ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Theo PGS Côn, benzene là một hoá chất có trong danh sách các chất được công nhận có thể gây ung thư trên con người.
Các nhà khoa học đã cảnh báo nếu làm việc ở nơi có quá nhiều vật dụng chứa benzene, hít thở không khí chứa nhiều benzene lâu ngày có thể bị tổn thương não không hồi phục, mờ mắt, nhức đầu kinh niên hay ngất xỉu. Với phụ nữ, nhiễm benzene có thể gây teo buồng trứng và hậu quả là vô sinh, gây rối loạn kinh nguyệt. Với đàn ông có thể làm biến dạng hoặc giảm chất lượng tinh trùng, gây thiếu máu, rối loạn hồng cầu.