Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật

Sự kiện: Mang thai

Phụ nữ mang thai có lẽ là đối tượng “được” cho lời khuyên nhiều nhất. Cộng thêm sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm, báo chí, mạng xã hội, các trang web…, rồi gia đình, bạn bè, bạn sẽ có hàng nghìn điều cần ghi nhớ khi có thai.

Mà khổ nỗi, những thông tin được truyền nhau nhiều khi “người ta nói vậy” mà cũng không hiểu tại sao.

Những điều dưới đây chỉ là những góc nhỏ, chưa thể đáp ứng đủ trong kho lời dặn dò cho bà mẹ mang thai, nhưng đây là những điều được chứng minh rõ ràng, mang tính khoa học.

Viên đa sinh tố

Đồn đoán: Thuốc bổ giúp con cao lớn, khoẻ mạnh. Thuốc ngoại nhập là tốt nhất, uống nhiều cho tốt!

Sự thật: Hàm lượng các chất trong viên đa sinh tố dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú được tính dựa trên nhu cầu vitamin và khoáng chất mỗi ngày. Ngoại trừ vitamin D, acid folic và chất sắt, cho đến nay, thật sự vẫn chưa có công thức nào được cho là tối ưu. Những phụ nữ có chế độ dinh dưỡng cân bằng thì nguồn dinh dưỡng trong thức ăn hàng ngày cũng có thể đủ, không cần uống bổ sung. Không có loại thuốc nào thần kì giúp thai nhi thông minh, cao lớn, khoẻ mạnh chỉ bằng cách uống mỗi viên đó hàng ngày. Và bạn cũng đừng hỏi “Cho em loại nào tốt nhất!” vì… chưa có loại tốt nhất.

Cần nhớ, phụ nữ mang thai mỗi ngày cần (tính chung bao gồm cả viên uống bổ sung và thức ăn hàng ngày):

Acid folic: 400-800microgram (đến cuối 3 tháng đầu thai kỳ). Riêng những bà mẹ từng có tiền sử thai bị dị tật ống thần kinh, liều khuyến cáo lên đến 4000mg (4g)/ngày.

Sắt: 30mg (hoặc được tầm soát thiếu máu). Nếu bạn ăn đủ lượng này, được tầm soát thiếu máu thì không cần. Nếu không thiếu máu, uống viên sắt không mang lại lợi ích gì.

Vitamin D 600IU, 1.000mg calcium. Calcium giúp giảm nguy cơ rối loạn huyết áp trong thai kỳ chứ không phải uống để em bé cao to. Nên đảm bảo lượng calcium được khuyến cáo. Hầu hết các viên đa sinh tố hiện nay chứa khoảng 200-300mg trong mỗi viên.

Viên đa sinh tố gần như vô hại. Những phụ nữ không chắc mình ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết thì nên uống bổ sung.

Ăn uống và tăng cân

Đồn đoán: Bà bầu nên ăn gấp đôi, ăn thật nhiều chất bổ dưỡng, thức ăn thật đắt tiền.

Sự thật: Nên ăn uống đa dạng, đủ chất thì tốt hơn ăn nhiều về lượng. Khuyến cáo ăn nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc, sản phẩm từ sữa. Lượng calories tăng hơn nhu cầu thường nhật chỉ khoảng 300-450 calories/ngày trong 6 tháng cuối thai kỳ (1 hũ sữa chua khoảng 250 - 300 calories). Thời gian 3 tháng đầu có thể ăn uống ít do nghén và đôi khi có sụt cân. Mức tăng cân trong 6 tháng sau thai kỳ tuỳ thuộc vào cân nặng trước khi có thai, được tính dựa trên chỉ số BMI.

BMI <18,5: bạn cần tăng khoảng 13-18kg;

BMI18,5 - 24,9: bạn cần tăng khoảng 11-16kg;

BMI 25 - 29,9: bạn cần tăng khoảng 7- 11kg;

BMI ≥ 30: bạn cần tăng 5-9 kg.

Nên và không nên khi mang thai: Đồn đoán và sự thật - 1

Hoa quả và rau là nguồn cung cấp vitamin tự nhiên tốt nhất cho bà mẹ mang thai.

Ăn cá

Đồn đoán: Không ăn cá hay rộng hơn là tôm, mực vì có hại cho thai.

Sự thật: Cá rất tốt, nhất là các loại chứa DHA nhiều. Nên ăn 2-3 lần/tuần. Nếu nguồn thực phẩm tại chỗ không có, cần bổ sung viên uống. Không ăn các món cá sống, thịt tái, các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng.

Cà phê

Đồn đoán: Uống cà phê làm em bé bị đen.

Sự thật: Những lợi ích và bất lợi của cà phê trên thai và khuyến cáo mức ảnh hưởng hiện vẫn còn tranh cãi. Ở Việt Nam chưa có số liệu chính xác về lượng tiêu thụ caffein trung bình của mỗi người. Nhưng bạn nên hạn chế tối thiểu lượng cà phê tiêu thụ vì cà phê làm khó ngủ, hồi hộp do tăng nhịp tim, kích thích làm bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Bạn cũng cần đọc thành phần của các thức uống khác vì caffein không chỉ có trong cà phê mà có trong các loại nước ngọt có gas, nước tăng lực...

Làn da của bé là do di truyền chứ không do bạn uống cái gì khi mang thai.

Hạn chế vận động

Đồn đoán: Bà mẹ mang thai cần nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động, ngủ nhiều cho con khoẻ.

Sự thật: Hạn chế vận động, nằm tại giường hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho mẹ và thai. Nằm bất động không cải thiện kết cục thai kỳ, kể cả trong trường hợp doạ sẩy thai hay sinh non, ngược lại còn làm tăng một số nguy cơ bất lợi. Thai phụ được khuyến khích tập thể dục thường xuyên mỗi ngày 20-30 phút, 4-5 lần/tuần.

Quan hệ tình dục

Đồn đoán: Không nên quan hệ vợ chồng khi có thai vì gây tổn thương thai nhi.

Sự thật: Phụ nữ mang thai vẫn có khả năng duy trì đời sống tình dục trừ một số trường hợp như ra huyết âm đạo, nhau tiền đạo, tiền căn vỡ ối non. Thật ra vẫn chưa có bằng chứng cho thấy giao hợp gây sinh non hay vỡ ối, chỉ có một số bằng chứng bất lợi như làm chảy máu trong trường hợp nhau tiền đạo.

Tư thế nằm ngủ

Đồn đoán: Nên nằm nghiêng bên trái để em bé dễ thở.

Sự thật: Lời khuyên nằm nghiêng trái thật sự là có căn cứ, do bớt chèn ép tĩnh mạch lớn, máu về tim tốt hơn. Lý thuyết sinh lý là vậy, nhưng khuyến cáo vẫn là “nằm bên nào bạn thấy dễ chịu”, đừng cố nằm nghiêng trái rồi thức trắng đêm. Mẹ ngủ được, khoẻ là con khoẻ.

Đi du lịch

Lời đồn: Đi máy bay làm sinh non; cổng quét an ninh có tia xạ ảnh hưởng thai nhi.

Sự thật: Đi máy bay được xem là an toàn cho thai phụ. Bạn nên tìm hiểu thông tin của địa điểm đến như thời tiết, dịch bệnh, cơ sở y tế… Không có tuổi thai xác định khi nào hoàn toàn không được đi máy bay. Tuy nhiên, cần cân nhắc những nguy cơ khi đi, chẳng hạn có thể chuyển dạ trên hành trình; thuyên tắc mạch do ngồi lâu trên những chuyến bay dài. Liều tia xạ ở các cửa kiểm tra an ninh rất thấp, dưới ngưỡng gây ảnh hưởng thai nhi, thai phụ vẫn có thể đi qua.

10 thay đổi kỳ lạ trong thai kỳ, chị em mang thai cũng ngã ngửa

Với chị em, thai kỳ sẽ làm thay đổi sức khỏe, cơ thể khiến nhiều người hốt hoảng nhưng các mẹ bầu nên bình tĩnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Lê Tiểu My (Người lao động)
Mang thai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN