Nên không tự làm sữa cho con?

Sự kiện: Sống khỏe

Thời gian gần đây, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng thay thế sữa cho con từ loại sữa động vật sang các loại sữa thực vật, được chế biến từ các loại hạt. Việc làm này có tốt cho sức khỏe của bé hay không? Hãy cùng chúng tôi xem chuyên gia nhận định về việc này như thế nào.

Nên không tự làm sữa cho con? - 1

Sữa tự làm bởi các loại hạt là tốt nhưng không đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Ảnh: T.L

Trẻ dễ thiếu vi chất

Chị Nguyễn Thị Hoa (ở Hà Nội) nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến lúc con trai gần 3 tuổi. Đầu năm nay, chị muốn bổ sung thêm sữa công thức cho con nhưng băn khoăn không biết loại nào phù hợp giữa một “rừng” sữa. Đúng lúc đó, chị được bạn mách dùng loại sữa thực vật vừa tốt lại không phải lo sữa kém chất lượng. Ngay sau đấy chị quyết định không cho con dùng sữa công thức hay sữa bò nữa mà tự nấu sữa từ các loại hạt thiên nhiên ở nhà cho con để vừa yên tâm vừa đảm bảo sạch sẽ, an toàn.

Chị sưu tầm tìm hiểu nhiều loại hạt khác nhau như hạt hạnh nhân, óc chó, hạt mắc ca, hạt ý dĩ… để chế biến. Thấy con khỏe lại không phải mất tiền mua sữa công thức, sữa bò cho con chị rất vui. Nhưng thời gian gần đây, chị thấy cân nặng con không tăng đều như trước, bé lại biếng ăn và rất hay ốm, mệt mỏi. Dù chị làm mọi cách mà việc ăn uống của con vẫn không được cải thiện. Đưa con đi khám dinh dưỡng, chị mới biết nguyên nhân từ việc quá lạm dụng cho con uống sữa chế biến từ các loại hạt khiến việc hấp thụ của con kém.

Nhiều bà mẹ hiện cũng trở thành tín đồ của loại sữa này. Chỉ cần gõ vào Google tìm kiếm với cụm từ “cách làm sữa hạt”, hàng triệu kết quả nhanh chóng được đưa ra từ công thức đến câu chuyện của các bà mẹ làm sữa hạt cho con. Gần đây, trên các diễn đàn mạng nhiều mẹ cũng chia sẻ trào lưu sử dụng sữa hạt. Họ quan niệm việc dùng các loại hạt chế biến sữa, trẻ còi cọc mấy cũng sẽ tăng cân và dùng được cả với trẻ dưới 1 tuổi nếu mẹ không có sữa.

TS.BS Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Sữa tự làm bởi các loại hạt như sữa đậu nành, đậu xanh hoặc cho thêm hạt lạc, hạt sen, hạt điều… là tốt nhưng không đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Dùng thay thế hoàn toàn sữa công thức, sữa bò sẽ khiến trẻ bị thiếu năng lượng, vi chất vì đa phần các hạt đều có năng lượng thấp. Sữa từ các loại hạt cũng có chất đạm, các vi chất dinh dưỡng như canxi, kẽm, sắt… nhưng không thể đủ như sữa công thức. Trẻ phát triển khỏe mạnh khi được tăng cường đủ các dưỡng chất, ngược lại tình trạng thiếu hụt kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, trước khi quyết định cho trẻ sử dụng các bậc cha mẹ nên nghiên cứu kỹ về sự tương thích của từng loại hạt chế biến sữa đối với từng lứa tuổi. Chẳng hạn, trẻ nhỏ chỉ nên cho uống sữa hạt sen, trẻ lớn hơn có thể dùng sữa bắp, sữa đậu xanh, đậu đỏ… Trẻ trên 1 tuổi mới dùng sữa từ hạt hạnh nhân, hạt điều, óc chó, hồ đào…

ThS.Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Thức uống chế biến từ các loại hạt gồm hai nhóm: Nhóm hạt giàu chất béo và đạm (hạnh nhân, óc chó, các hạt đậu), nhóm làm từ các loại hạt ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…). Bản chất thức uống được chế biến từ các loại hạt chỉ được coi là thức ăn bổ sung. Sữa cần phải được tính toán, cân đối các vi chất dinh dưỡng đủ tiêu chuẩn nhất định.

Trường hợp trẻ uống sữa hạt vẫn lên cân tốt, béo khỏe thường là những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, sữa hạt chỉ là thức ăn bổ sung. Trẻ có thể gặp những tác động tiêu cực khi quá lạm dụng. Đã có trường hợp trẻ đến khám dinh dưỡng trong tình trạng suy dinh dưỡng, da xanh vì lạm dụng sữa chế biến từ các loại hạt. Sau khi xét nghiệm mới phát hiện trẻ thiếu các vi chất dinh dưỡng. Hơn nữa, nhiều người nghĩ dùng sữa hạt sẽ an toàn hơn, sữa bò sợ bị thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Song không thể đảm bảo các hạt không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản…

Theo các chuyên gia, trẻ em đang ở độ tuổi phát triển, cơ thể cần nhiều axit amin cần thiết nên cần phải ăn cân đối đạm động vật và thực vật. Chế độ ăn cho trẻ cần đầy đủ các chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm. Đạm động vật phải chiếm 2/3 chế độ ăn. Bố mẹ chỉ nên dùng sữa hạt cho trẻ trên một tuổi với mục đích bổ sung thêm dinh dưỡng. Trong khi dùng sữa hạt, trẻ vẫn phải ăn đầy đủ thức ăn có nguồn gốc đạm động vật (thịt, cá, trứng…).

Trẻ béo phì vẫn cần sữa

Hiện nay khi nhắc đến sữa, nhiều người đều cho rằng, đây là một loại thức ăn bổ dưỡng thường dùng cho trẻ em nhỏ, người cao tuổi và người bệnh cần phục hồi dinh dưỡng. Trẻ thừa cân béo phì thì không cần cho uống sữa nên cắt ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Về điều này, TS.BS Phan Bích Nga cho biết, đó là quan niệm hết sức sai lầm.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, sữa rất tốt để trẻ phát triển cân nặng, chiều cao vì có nhiều các canxi hữu cơ, vitamin, khoáng chất… Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần cho trẻ uống sữa, điều quan trọng là chọn sữa thế nào cho trẻ.

Khi trẻ thừa cân béo phì cần điều chỉnh chế độ ăn ít năng lượng (calo) giúp trẻ không tăng cân hơn. Bên cạnh đó, vẫn phải đảm bảo đủ dưỡng chất cho trẻ phát triển, nhất là chiều cao. Trong khi sữa là một thực phẩm có hàm lượng các chất dinh dưỡng giúp phát triển chiều cao (can xi, vitamin D, phốt pho, đạm whey, lactose…). Việc kiêng ăn và cắt sữa có thể dẫn đến thiếu hụt can xi, khoáng chất, ảnh hưởng tới chiều cao, sự chắc khỏe của bộ xương và các vi chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé. Trẻ béo phì cha mẹ không nên uống sữa quá 600ml/ngày.

Hơn nữa cần chọn loại sữa phù hợp với trẻ thừa cân béo phì. Nên chọn loại sữa tươi nguyên chất không đường. Sữa ít béo, ít ngọt, năng lượng thấp dành riêng cho trẻ thừa cân béo phì là sản phẩm có năng lượng thấp nhưng vẫn đảm bảo dưỡng chất thiết yếu, vitamin, khoáng chất như sắt, i ốt, axít folic… cần thiết cho trẻ. Béo phì độ 1 trở nên có thể cân nhắc dùng loại hớt kem. Với thừa cân thôi có thể vẫn uống sữa nguyên kem bình thường cùng việc tiết chế chất bột, béo trong bữa ăn. Ở người trưởng thành béo phì ăn tiết chế chất bột, béo trong bữa ăn hàng ngày rồi có thể uống sữa thêm là rất tốt.

Sữa rất tốt để trẻ phát triển cân nặng, chiều cao vì có nhiều các canxi hữu cơ, vitamin, khoáng chất… Trẻ thừa cân béo phì vẫn cần uống sữa, nên chọn loại sữa phù hợp. Như, sữa ít béo, ít ngọt, năng lượng thấp nhưng vẫn đảm bảo dưỡng chất thiết yếu, vitamin, khoáng chất: Sắt, i ốt, axít folic... cần thiết.

TS.BS Phan Bích Nga

15 thực phẩm giàu canxi hơn cả sữa giúp chống loãng xương và ung thư

Trên thực tế, nhiều sản phẩm y tế giúp tăng cường canxi có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí là tử vong. Vì vậy,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (Gia Đình & Xã Hội)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN