Món ăn thuốc điều bổ khí huyết
Người xưa thường nói “Thuốc hay đắng miệng”, nhưng cũng có thuốc ngon miệng nhờ cách chế biến có tác dụng tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ và trị được bệnh. Những món ăn bài thuốc này có thể dùng trong thời gian dài mà không có tác dụng phụ, phù hợp với người trẻ tuổi, có lợi cho người trung niên, rất hữu ích với người già. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Cháo hạt dẻ
Hạt dẻ 150g, gạo lức 100g. Hạt dẻ ninh chín rồi đổ gạo đã đãi sạch vào nồi cùng ninh tiếp, đun to lửa cho sôi sau đun nhỏ lửa ninh nhừ. Khi nào trên mặt cháo nổi váng là được. Ngày dùng 1 liều, ăn nóng lúc đói bụng. Tác dụng: kiện tỳ vị, bổ thận, mạnh gân cốt. Trị các chứng tỳ khí hư nhược, chân tay vô lực, đầu váng mắt hoa, ăn uống không ngon, tiêu hóa kém.
Cháo hạt dẻ trị tỳ khí hư nhược, đầu váng mắt hoa, ăn uống không ngon miệng.
Cháo cùi nhãn
Cùi nhãn 100g, gạo lức 100g. Gạo vo sạch cùng cùi nhãn cho vào nồi với 1 lít nước, đun cho sôi rồi vặn nhỏ lửa ninh nhừ thành cháo. Ăn trong ngày. Tác dụng: bổ tâm tỳ, an tâm thần, chữa tâm hoảng loạn, mất ngủ, sút cân, thiếu máu.
Canh cá diếc hoa
Cá diếc hoa 1 con, hoàng kỳ 15g, đảng sâm 15g, hoài sơn 30g, đương quy 12g, rượu, hành, gừng, muối vừa đủ. Cá đánh vảy, móc mang, bỏ ruột, rửa sạch. Các vị thuốc bỏ vào túi rồi cho vào nồi cùng với cá, rượu, gia vị, đun to lửa cho sôi rồi chuyển đun nhỏ lửa 1 giờ, vớt bỏ túi thuốc là được. Ăn cá, uống canh trong bữa ăn. Tác dụng: điều bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, chống lão suy, thần kinh suy nhược, tim đập nhanh, khí đoản, phụ nữ băng lậu. Người khỏe mạnh dùng thì kéo dài tuổi thọ.
Lươn nấu sâm, quy
Lươn 500g, đương quy 15g, đảng sâm 15g, rượu, gừng, hành, tỏi, bột ngọt, muối vừa đủ. Lươn mổ dọc sống lưng, lọc bỏ xương, ruột, đuôi, thái chỉ. Đương quy, đảng sâm cho vào túi, cho rượu, xì dầu, gừng hành tỏi, muối, nước vừa đủ, bắc nồi lên bếp đun to lửa cho sôi, hớt bọt, chuyển đun nhỏ lửa 1 giờ, vớt bỏ túi thuốc, cho gia vị là được. Chia 2 bữa, ăn lươn, uống canh. Tác dụng: trị khí huyết bất túc, ốm đau lâu ngày, thể hư, mệt mỏi, mất sức, sắc mặt vàng vọt, lòi dom, sa tử cung.
Lươn nấu sâm quy
Canh thịt ngỗng
Ngỗng 1 con, hoàng kỳ 30g, đảng sâm 30g, táo tàu 30g, muối vừa đủ. Làm thịt ngỗng, mổ bỏ ruột, rửa sạch; các vị kia rửa sạch, nhồi vào bụng ngỗng, khâu kín. Cho vào nồi, nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi chuyển đun nhỏ lửa nấu tới nhừ, cho gia vị, bỏ bã thuốc là được. Chia nhiều bữa, ăn thịt uống canh.Tác dụng: bổ tỳ vị nhuận táo, trừ khát, người mệt mỏi vô lực, ăn ít, gầy yếu.
Cao mật ong, quả dâu
Quả dâu đỏ 200g, mật ong 30g. Ép quả dâu lấy nước hòa mật ong đun thành cao, để nguội cho vào bình bảo quản để dùng dần. Mỗi ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần 1 thìa canh với nước ấm. Tác dụng: bổ can thận, khí huyết, chữa huyết hư sau khi ốm, tóc bạc sớm.
Củ mài, vừng đen
Củ mài 15g, vừng đen 120g, đường đỏ 20g, sữa bò 200g, đường phèn 100g, gạo tẻ 30g. Củ mài thái nhỏ. Vừng và gạo rang chín vàng nghiền nhỏ rồi cho nước vào quấy đều, lọc lấy nước trộn với sữa bò, đường phèn, đun sôi cùng củ mài quấy chín. Ăn trong ngày. Tác dụng: tẩm bổ can thận, bổ tỳ nhuận trường, chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm, gan thận yếu, tóc bạc sớm, bí đại tiện.