Mổ tim sớm ở BV Nhi TƯ phải nộp 30 triệu đồng: Bộ Y tế vào cuộc
BV Nhi Trung ương phải có trách nhiệm gửi báo cáo về trường hợp “muốn mổ tim sớm phải nộp 30 triệu đồng” về Bộ Y tế trước ngày 15/10.
Bệnh nhân điều trị tại BV Nhi Trung ương.
Theo phản ánh của một số phương tiện truyền thông, Bệnh viện Nhi Trung ương đã “biến” thành một bệnh viện dịch vụ, với tổng số giường dịch vụ chiếm 20-25% trong tổng số giường bệnh.
Hiện tại các mức giá khám dịch vụ tại bệnh này đang cao nhất cả nước: Khám đa khoa có hẹn là 390.000 đồng – không hẹn là 580.000 đồng; khám chuyên khoa có hẹn là 580.000 đồng – không hẹn là 680.000 đồng; Tái khám chuyên khoa giá 390.000 đồng - tái khám đa khoa 290.000 đồng; khám cấp cứu giá 580.000 đồng. Thậm chí, để được mổ tim sớm thay vì chờ đợi cả tháng do bệnh nhân đông, gia đình người bệnh phải đóng thêm tiền dịch vụ lên đến 30 triệu đồng.
Chiều 12/10, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, BV Nhi Trung ương phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và gửi báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 15/10.
Về việc mổ tim sớm, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, bệnh viện chỉ có duy nhất 1 phòng mổ tim với 3 bác sĩ phẫu thuật được. 1 ngày, mỗi bác sĩ mổ được 5 ca là kiệt sức, trong đó bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu phải được ưu tiên. Vì thế, những bệnh nhân không quá nặng, hoặc có thể mổ ở tuyến dưới nhưng mong muốn đăng kí tại bệnh viện thì phải vào danh sách xếp hàng.
Theo ông Hải, trước đây, những bệnh nhân chờ mổ này phải đợi hàng năm, thì nay đợi 2 - 3 tháng là được mổ. Trước đây 1 năm thực hiện được 500 ca phẫu thuật tim, nay 1 năm 2000 ca. Đó là nỗ lực rất lớn của các bác sĩ, với công suất huy động lên 300%”, còn nếu mổ theo yêu cầu, người bệnh phải nộp thêm tiền dịch vụ, tùy theo mức độ bệnh, trong đó ca khó nhất, phải huy động lực lượng nhiều nhất, số tiền lên 30 triệu đồng.
“Đây là những ca mổ tự nguyện ngoài giờ, còn trong giờ hành chính, các bác sĩ đều mổ theo lịch bệnh nhân đã xếp và mổ cấp cứu”, ông Hải khẳng định.
Đối với mức giá dịch vụ theo yêu cầu đều được bệnh viện báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Với mức giá này đã tính cả tiền lương và một chút lãi, BV thu mới đủ bù chi và có tích luỹ để tái đầu tư, dành quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả (khoảng 10 tỷ mỗi năm).
Ông Hải cũng cho biết, những giường dịch vụ để dành cho các bệnh nhân có nhu cầu điều trị tại bệnh viện dù bệnh không nặng lắm. Bác sĩ đã hướng dẫn, với tình trạng bệnh như thế này hoàn toàn có thể về tuyến dưới theo dõi, hoặc về nhà điều trị nội trú theo đơn, có vấn đề gì thì điện thoại trao đổi bác sĩ, rồi tái khám… nhưng nhiều gia đình kiên quyết không đồng ý, muốn nằm viện một vài ngày cho yên tâm. Trong khi, số giường bệnh của viện có hạn chỉ đủ dành cho bệnh nhân nặng.
“Tư tưởng chúng tôi luôn muốn xóa bỏ toàn bộ giường dịch vụ, nhưng nhu cầu người bệnh vẫn có và tôi cho rằng, chỉ khi nào BHYT đảm bảo chi trả toàn bộ, 100% chi phí cho người bệnh nằm viện, thì mới dần bỏ được”, ông Hải nói.