Kỳ lạ: Ở nhà là ốm, đến viện lại khỏe mạnh như không có chuyện gì

Sự kiện: Sống khỏe

Có bệnh nhân đi các kiểu bệnh viện, điều trị mãi vẫn không hết bệnh; có người cứ đến bệnh viện thì khỏe, về nhà lại ốm… Ít người biết được, họ chủ yếu mắc các vấn đề tâm lý hơn là bệnh lý.

Kỳ lạ: Ở nhà là ốm, đến viện lại khỏe mạnh như không có chuyện gì - 1

BS Ngọc Diệp đang tư vấn tâm lý cho một bệnh nhân

Cứ về nhà là ốm

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Diệp (Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Quận 2) không thể quên trường hợp một bệnh nhân nữ 38 tuổi, bị trầm cảm từ 13 năm trước khi sinh con đầu lòng. Tuy nhiên lúc đó, chị không biết mình mắc bệnh, đến khi sinh đứa con thứ hai, chứng trầm cảm của chị chuyển nặng. Suốt 9 năm ròng, chị điều trị tại không biết bao nhiêu bệnh viện, ở cả khoa thần kinh, thậm chí cả bệnh viện tâm thần.

Điều đáng nói ở đây là chị hiểu rất rõ bệnh tình của mình, nhưng người chồng, dù rất yêu thương vợ, nhưng lại không hiểu. Anh cho rằng các triệu chứng của chị như đau đầu, mệt mỏi, khó thở, tức ngực, tê bại chân tay… là do chị giả vờ, bởi mỗi lần chị lên cơn bệnh, gia đình đưa đi cấp cứu thì cứ vào đến bệnh viện là chị lại khỏe mạnh bình thường.

BS Diệp cho biết, tiếp xúc với ca bệnh này cho thấy, đây là trường hợp bệnh tâm lý khá điển hình. Sở dĩ bệnh nhân cứ đến bệnh viện lại khỏe mạnh vì tại bệnh viện, bệnh nhân cảm thấy mình được quan tâm, được chấp nhận, được thấu hiểu và tôn trọng, điều mà bệnh nhân không cảm thấy được khi ở nhà.

Có những bệnh nhân đã làm nhiều xét nghiệm y khoa và bế tắc vì không biết mình bị bệnh gì. Điển hình như một bà cụ 82 tuổi được con trai đưa đến khám tại phòng khám tâm lý lâm sàng với các triệu chứng buồn phiền, tim đập nhanh, khó thở, vã mồ hôi và thường xuyên ngất xỉu. Trước đó, bà đã được đi khám tim mạch nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh.

Khi gặp bác sĩ tâm lý, qua một buổi trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân, bà được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu. Bệnh nhân phải gánh quá nhiều nỗi lo của một người vừa là vợ, là mẹ, là bà. Nhất là chuyện người con trai duy nhất đã 45 tuổi mà chưa lập gia đình luôn khiến bà mất ngủ, chán ăn.

Bệnh nhân được các bác sĩ trị liệu tâm lý bằng những bài tập đơn giản như tập hít thở sâu, điều khiển cảm xúc và kết hợp với bác sĩ khoa tâm thần để điều trị rối loạn lo âu bằng thuốc.

Không chỉ khám cho bệnh nhân ngoại trú, các bác sĩ khoa Tâm lý lâm sàng còn phụ trách cả những trường hợp rối loại lo âu, trầm cảm của những bệnh nhân đang điều trị nội trú.

BS Diệp kể về trường hợp cô gái 20 tuổi bị xe container cán ngang qua người, bị vỡ xương chậu. Cô được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ, nhưng trong quá trình điều trị, cô bị chứng phụ thuộc morphin và luôn ám ảnh, sợ xấu vì phần mông bị mất hết trong vụ tai nạn.

BS Diệp cho biết, khi mới gặp lần đầu, cô luôn có biểu hiện hoảng loạn, lo âu và trầm cảm. Qua 4 buổi trò chuyện, trị liệu tâm lý cho cả bệnh nhân và người nhà, cô đã vui tươi, tự tin và đi làm bình thường sau khi xuất viện.

Vẫn còn rất nhiều khó khăn

Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) là một trong số rất ít ỏi bệnh viện có mô hình phòng khám thuộc khoa Tâm lý học lâm sàng, áp dụng biện pháp tâm lý trị liệu hoàn toàn không dùng thuốc. Nhiều người khá lạ lẫm với cách khám bệnh khá lạ ở đây, bác sĩ không mặc áo blouse mà mặc thường phục. Bệnh nhân không được kê một đơn thuốc nào, thay vào đó là ngồi trò chuyện hàng giờ với bác sĩ.

Theo BS.TS Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng (Bệnh viện Quận 2), thực tế hiện nay các bệnh viện chú trọng điều trị bệnh thực thể hơn và thường bỏ qua các vấn đề tâm lý. Điều này khiến việc điều trị càng kéo dài. Do vậy, Ban giám đốc Bệnh viện quận 2 đã tâm huyết xây dựng khoa Tâm lý lâm sàng nhằm mục đích giúp bệnh nhân giải tỏa gánh nặng tâm lý với quan điểm: “Tâm bệnh quan trọng như thân bệnh”.

Nhiều trường hợp sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bác sĩ phát hiện vấn đề tâm lý của bệnh nhân xuất phát từ các mối quan hệ trong gia đình. Do đó, ngoài điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ gần như phải “điều trị” cho cả người thân của họ nhằm cải thiện tận gốc vấn đề.

Khó khăn trước mắt của khoa Tâm lý lâm sàng là làm sao các bác sĩ khoa Nội, khoa Ngoại nắm được những nguyên tắc về tâm lý. Khi tiếp nhận bệnh nhân họ có thể phân biệt được đâu là bệnh thực thể, đâu là bệnh tâm lý để gửi bệnh nhân cho khoa Tâm lý can thiệp sớm.

Ngoài ra, do đây là ngành còn khá mới, khám chữa bệnh được xem như dịch vụ, bệnh nhân không được hưởng BHXH. Vì vậy, vấn đề viện phí vô hình trung gây khó khăn cho bệnh nhân, tạo thêm áp lực cho gia đình.

Giá mỗi lần khám tâm lý là 100 ngàn đồng, tương đương với khám các bệnh lý khác. Đây không phải là số tiền lớn, thế nhưng, với những bệnh nhân khó khăn, phải trị liệu lâu dài, số tiền điều trị là cả một vấn đề lớn.

Nhiều bệnh nhân đã bỏ ngang quá trình điều trị vì không có điều kiện. Bệnh viện đã phải khám miễn phí cho gần một nửa trường hợp bệnh nhân bởi họ quá khó khăn. Bản thân bệnh viện cũng không có nhiều nguồn thu từ phòng khám này. “Nếu được quan tâm và chú trọng nhiều hơn, tôi nghĩ tình hình sức khỏe mặt bằng chung sẽ có nhiều thay đổi” - BS Thuận đánh giá.

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết ở nước ngoài, mô hình phòng khám tâm lý tại bệnh viện có vai trò rất quan trọng. Ở nước ta đã có nhiều trường hợp đau lòng khi bệnh nhân không được can thiệp tâm lý sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN